'Phận' hàng rong sau chiến dịch vỉa hè

Trong những ngày Hà Nội ra quân “đòi” lại vỉa hè cho người đi bộ, những người bán hàng rong là những người bị tổn thất nhiều nhất. Họ mất chỗ để bán hàng, đồng thời mất luôn cả công việc đã nuôi sống chính họ và gia đình bấy lâu nay. Giải pháp nào cho những người bán hàng rong vẫn là một câu hỏi được quan tâm.

Ảnh minh họa: Trần Thi

Không biết tự bao giờ, hàng rong đã gắn liền với vỉa hè phố phường Hà Nội, chỉ vài ba quả cóc được người bán hàng xóc với muối ớt, bột ngọt, đường… là đã có thể đi dọc theo vỉa hè bán cho những cô cậu tuổi teen thèm của chua. Hay hình ảnh người bán hàng rong đội ngất ngưỡng thúng bánh mì vừa đi vừa rao “Ai mì nóng đi” trên các vỉa hè đã trở nên đã quá quen thuộc với người Hà Nội. Còn rất nhiều những mặt hàng mà người dân có mua ở hàng bán rong như bánh rán dạo, xôi dạo, thậm chí cả café dạo… Những tiếng rao đêm đã trở thành một ký ức của người Hà Nội.

Người dân dễ dàng tiếp nhận nó bởi sự tiện lợi, không cần đi đâu xa chỉ cần vẫy tay là có ngay thứ mình muốn và giá cả lại rẻ hơn rất nhiều so với mua trong quán. Nhưng điều đó đã làm phố phường trở nên lộn xộn và chật chội bởi những đôi quang gánh cồng kềnh hàng hóa, những chiếc xe đạp chở đầy đồ gia dụng bán rong, những chiếc xe đẩy chất đầy hàng hóa đã cản trở việc đi lại của người đi đường.

Chính quyền đã không ít lần mở những chiến dịch ra quân dẹp hàng rong, những cảnh bắt bớ giằng co, lôi kéo đổ vỡ, chạy trốn… giữa đội trật tự và những người bán hàng rong đã phần nào làm hình ảnh của người dân với chính quyền trở nên xấu xí. Điều đó đã làm những người bán hàng rong bị tổn thương nặng nề.

Hàng rong đã tạo nên kênh việc làm cho một bộ phận không nhỏ người lao động, nhất là người dân tỉnh lẻ về Hà Nội lập nghiệp. Nếu bị cấm thì rất nhiều người sẽ gặp khó khăn trong việc mưu sinh.

Chị Luyến - người bán hàng rong trên phố Bà Triệu chia sẻ: “Chúng tôi ở tỉnh lẻ lên Hà Nội mưu sinh, nghề nghiệp, vốn liếng không có, lại nuôi hai đứa con đi học nên đành phải đi bán hàng rong, tôi bán bánh rán, bố bọn trẻ bán bánh mì. Công việc tuy vất vả nhưng thu nhập cũng tạm ổn đủ nuôi hai đứa con ăn học. Gần đây, thành phố đang thực hiện chiến dịch vỉa hè nên chúng tôi rất khó khăn trong việc bán hàng, nếu cứ thế này chúng tôi chưa biết làm gì để sống”.

Cô Hiên - người bán hàng rong trên phố Lý Quốc Sư cho biết: “Tôi nhiều tuổi rồi, nhiều lúc bị đội trật tự thu hàng về phường tôi cũng tủi hổ lắm, bị bắt thì coi như mất lãi mấy ngày. Nhưng chúng tôi không có nghề nghiệp gì, chỉ có nghề này để mưu sinh, chúng tôi rất mong chính quyền quan tâm, đưa ra một giải pháp nào đó cho những người bán hàng rong như chúng tôi vừa không mất việc làm, vừa giữ được trật tự vỉa hè”.

Bán hàng rong ngoài việc tạo công ăn việc làm cho những người lao động nghèo thì đây cũng là một kênh tiêu thụ hàng hóa đáng kể cho ngành sản xuất trong nước. Mỗi ngày một lượng không nhỏ hàng hóa được tiêu thụ bởi những người bán hàng rong. Những con ngõ chật hẹp, dài ngoằng như kiến trúc phố phường của Hà Nội hiện nay thì mua hàng rong đôi khi là một biện pháp tối ưu cho người tiêu dùng khi bận rộn.

Giải pháp nào cho những người bán hàng rong vẫn là câu hỏi được đặt ra cho các nhà quản lý, như ông Lý Quang Diệu đã nói: "Chúng tôi không thể làm sạch thành phố bằng cách di dời những người bán hàng rong và những taxi bất hợp pháp trong nhiều năm. Chỉ sau năm 1971, khi đã tạo ra nhiều việc làm, chúng tôi mới có thể thi hành luật pháp và làm sạch đường phố. Chúng tôi cấp giấy phép kinh doanh cho những người bán hàng rong và chuyển họ từ lề đường vào trung tâm dành cho những người bán hàng rong với hệ thống nước cống rãnh và chỗ đổ rác. Mãi đến đầu những năm 80, chúng tôi mới tái ổn định tất cả những người bán hàng rong… Những tài xế taxi bất hợp pháp đã bị trục xuất khỏi đường phố chỉ sau khi chúng tôi tái tổ chức lại hệ thống xe buýt phục vụ và tạo cho họ những việc làm khác”.

Hạ Ly

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/xa-hoi/phan-hang-rong-sau-chien-dich-via-he.html