Phấn đấu tăng tỷ lệ che phủ rừng lên 42% vào năm 2020

Ngày 20-7, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội nghị triển khai Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016-2020; tổng kết bốn năm thực hiện Dự án “Tổng điều tra, kiểm kê rừng toàn quốc giai đoạn 2013-2016”. Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng dự và chủ trì hội nghị.

Theo báo cáo của ngành lâm nghiệp, sau bốn năm thực hiện kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng, giá trị sản xuất lâm nghiệp tăng bình quân 6,57%/năm; tình trạng vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng giảm dần, từ 39.165 vụ/năm (giai đoạn 2006 - 2010), xuống còn 26.205 vụ/năm (giai đoạn 2013-2016).

Phát biểu ý kiến tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ ra những hạn chế, yếu kém của ngành lâm nghiệp trong thời gian qua, đó là vẫn tồn tại những điểm nóng về phá rừng, vận chuyển, tàng trữ lâm sản trái phép và chống người thi hành công vụ; kết quả trồng rừng phòng hộ, đặc dụng còn thấp. Đóng góp của ngành lâm nghiệp với nền kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng; việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng quản lý còn thiếu chặt chẽ; nhận thức của chính quyền cơ sở một số địa phương về bảo vệ và phát triển rừng chưa cao. Phó Thủ tướng yêu cầu thời gian tới ngành lâm nghiệp cần tập trung phấn đấu tăng tỷ lệ che phủ rừng lên 42% vào năm 2020. Ngành lâm nghiệp cần đạt được các mục tiêu chủ yếu, đó là bảo vệ rừng gắn với bảo tồn thiên nhiên; nâng cao năng suất, chất lượng rừng và nâng cao hiệu quả các sản phẩm lâm nghiệp gắn phát triển rừng. Bên cạnh đó, cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh, phát triển lâm nghiệp toàn diện theo chuỗi giá trị, bảo đảm bền vững cả về kinh tế, xã hội và môi trường; tạo việc làm, tăng thu nhập, góp phần xóa đói, giảm nghèo, cải thiện sinh kế cho người dân làm nghề rừng, gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an ninh - quốc phòng và trật tự an toàn xã hội…

★ Theo Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống thiên tai (PCTT), cùng với việc xả lũ tại hai nhà máy thủy điện Sơn La và Hòa Bình, ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ tiếp tục có mưa diện rộng, một số nơi mưa rất to, như Phù Yên (Sơn La) 129 mm, Hoàng Su Phì (Hà Giang) 114 mm, Bãi Cháy (Quảng Ninh) 66 mm, Quỳ Châu (Nghệ An) 71 mm… khiến mực nước hạ lưu sông Hồng, sông Thái Bình tiếp tục lên.

★ Nhằm bảo đảm an toàn khi hồ thủy điện Hòa Bình xả lũ, các tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Bắc Ninh, Hải Dương và TP Hà Nội có văn bản, công điện chỉ đạo các sở, ngành, địa phương và tổ chức các đoàn công tác kiểm tra, chỉ đạo công tác ứng phó với mưa lũ; tổ chức lực lượng tuần tra canh gác đê.

★ Lúc 8 giờ ngày 20-7, Nhà máy thủy điện Bắc Hà (Lào Cai) tiến hành xả nước qua đập tràn với lưu lượng 1.520 m3/giây, cho nên lũ trên sông Chảy đoạn qua huyện Bảo Yên đang lên nhanh. Dự báo đỉnh lũ cao nhất khả năng lên trên báo động 2 khoảng 0,7 đến 1 m. Tỉnh nghiêm cấm người dân không đánh bắt cá, vận chuyển bè mảng, vớt củi, gỗ trôi trên sông để phòng ngừa nguy hiểm.

★ Những ngày qua, do mưa lớn, tại TP Sơn La (Sơn La) xảy ra sạt lở đá làm hai người bị thương. Lực lượng chức năng xuống hiện trường cứu các nạn nhân và khắc phục hậu quả. Đồng thời rà soát tất cả các điểm có nguy cơ sạt lở đá, tổ chức di dời các hộ dân ra khỏi khu vực nguy hiểm.

★ Để chống ngập cho khoảng 4.000 ha cây trồng do mưa lớn nhiều ngày qua, TP Hà Nội đang vận hành 224 trạm bơm với tổng lưu lượng khoảng 2,9 triệu m3/giờ để tiêu úng. Mưa lớn những ngày qua cũng khiến 21.360 ha lúa mùa tại Nam Định bị ngập úng, trong đó 9.046 ha ngập trắng. Tỉnh Nam Định đang huy động toàn bộ hệ thống máy bơm điện, bơm dầu, mở cống tiêu rút nước chống úng cho lúa; phân công cán bộ kiểm tra hướng dẫn nhân dân các biện pháp chăm sóc diện tích lúa khi nước rút.

★ Tại tỉnh Hà Tĩnh, bão số 2 đã làm 21 nhà dân bị hư hỏng hoàn toàn, 1.050 ngôi nhà bị tốc mái và hư hỏng nặng, 4.328 nhà hư hỏng nhẹ, 9.122 ha lúa hè thu bị ngập, 14.347 con gia cầm chết...

★ Mưa lớn trong những ngày qua khiến lũ đầu nguồn tràn về, gây ngập lụt nhiều diện tích cà-phê, nhà cửa của người dân tại xã Đinh Lạc, thị trấn Di Linh, huyện Di Linh (Lâm Đồng). Nước lũ dâng cao khiến một số khu vực bị ngập úng cục bộ và chia cắt.

★ Tại các tỉnh Đồng Tháp, Cần Thơ, Trà Vinh, An Giang, Bến Tre, mưa dông kèm lốc xoáy đã làm 32 nhà bị sập hoàn toàn; 1.657 ha lúa và hoa màu bị ảnh hưởng. Ước tổng thiệt hại khoảng 1,64 tỷ đồng.

★ Ngày 20-7, Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Bình Thuận cho biết, khoảng 13 giờ ngày 19-7, tàu cá BTh-96967 Ts, công suất 340 CV hành nghề vây rút chì, trên tàu có 11 lao động. Khi đang hành nghề cách cửa La Gi khoảng 20 hải lý về phía nam thì một lao động bị rơi xuống biển mất tích. Lực lượng chức năng thông tin cho các tàu thuyền, ngư dân đang hoạt động gần khu vực phối hợp tìm kiếm, cứu vớt.

★ Ngày 20-7, tai huyện Hoàng Su Phì và Xín Mần (Hà Giang) có mưa to kèm theo sét, làm chết một người ở thôn Tả Sử Choóng, xã Tả Sử Choóng. Mưa lớn, sạt lở đất làm sập hoàn toàn một nhà dân; ba nhà bị đất đá sạt lở hỏng 70%; 21 hộ dân phải di dời khẩn cấp; sạt lở 213 vị trí với khối lượng đất đá khoảng 17 nghìn m3. Nhiều diện tích hoa màu bị ngập úng, hàng chục công trình công cộng, kênh mương bị hư hỏng. Ước tổng thiệt hại do mưa lũ hơn hai tỷ đồng.

★ Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) ngày 20-7 cho biết, Công ty Điện lực (CTĐL) Hà Tĩnh đã khắc phục hoàn toàn sự cố và đóng điện đến 100% khách hàng trên địa bàn. CTĐL Thanh Hóa đã cung cấp điện trở lại cho khoảng 98% khách hàng; 7 trong số 630 xã bị ảnh hưởng, tập trung tại huyện Tĩnh Gia; CTĐL Nghệ An đã khôi phục vận hành 113 trong số 115 lộ đường dây trung áp, hơn 4.300 trạm biến áp phân phối để cung cấp điện trở lại cho gần 900 nghìn khách hàng. Đối với một số khu vực còn ngập nước, khi có đủ điều kiện kỹ thuật an toàn, công ty sẽ cấp điện trở lại cho khoảng 10% khách hàng còn lại trong thời gian sớm nhất.

Thủ tướng Chính phủ vừa giao Bộ Tài chính xuất cấp trang thiết bị từ nguồn dự trữ quốc gia cho Ủy ban quốc gia Tìm kiếm cứu nạn để bảo đảm cho các bộ, ngành, địa phương thực hiện công tác ứng phó sự cố, thiên tai, tìm kiếm cứu nạn. Cụ thể, Bộ Tài chính sẽ xuất cấp cho Ủy ban quốc gia Tìm kiếm cứu nạn 78 bộ xuồng và 261 nghìn chiếc phao cứu sinh các loại. Thủ tướng yêu cầu Ủy ban quốc gia Tìm kiếm cứu nạn có trách nhiệm quản lý, phân bổ, sử dụng số trang thiết bị trên phù hợp với nhu cầu của từng đơn vị và theo đúng quy định hiện hành.

Tìm thấy thi thể đại phó tàu VTB 26

Sáng 20-7, lực lượng thợ lặn của Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam (Vietnam MRCC) đã tìm được thi thể đại phó Nguyễn Văn Xuân (SN 1982, quê Thanh Hóa) trong tàu VTB 26, đưa về bờ để bàn giao cho cơ quan chức năng, đại diện chủ tàu VTB 26. Đến 17 giờ cùng ngày, vẫn chưa tìm được hai thuyền viên còn mất tích của tàu VTB 26.

PV

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/item/33531802-phan-dau-tang-ty-le-che-phu-rung-len-42-vao-nam-2020.html