Phấn đấu nâng cao kiến thức về chuyển đổi số cho 100% doanh nghiệp trên toàn quốc

Chuỗi đào tạo tại 40 tỉnh, thành đã thu hút sự quan tâm, tham gia của chủ các doanh nghiệp, quản lý các bộ phận phòng ban trong doanh nghiệp.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, một trong các mục tiêu quan trọng của Chương trình Hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025 là nâng cao nhận thức, kiến thức về chuyển đổi số cho 100% doanh nghiệp trên toàn quốc.

Để thực hiện mục tiêu này, trong các năm 2021 và 2022, Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) thông qua dự án Thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của doanh nghiệp nhỏ và vừa (USAID LinkSME), các địa phương, hiệp hội tổ chức chuỗi buổi đào tạo trực tiếp cho cộng đồng doanh nghiệp tại 40 tỉnh thành trên cả nước như: Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Bình Thuận, Gia Lai, Vĩnh Long...

Chuỗi đào tạo tại 40 tỉnh, thành đã thu hút sự quan tâm, tham gia của chủ các doanh nghiệp, quản lý các bộ phận phòng ban trong doanh nghiệp. Các chủ đề chính bao gồm chuyển đổi tư duy lãnh đạo khi chuyển đổi số, tái thiết kế quy trình, chuyển đổi số mô hình kinh doanh, ứng dụng công nghệ số để mở rộng thị trường, chuyển đổi số trong chuỗi giá trị nông nghiệp, logistics…

Các giải pháp công nghệ trong giáo dục được giới thiệu tại sự kiện. Ảnh: Tiến Lực – TTXVN

Các buổi đào tạo được tổ chức diễn ra trực tiếp trong 2 ngày tại các địa phương. Qua đó, các doanh nghiệp được cung cấp các kiến thức nền tảng và chuyên sâu, được thực hành cụ thể cùng các giảng viên giàu kinh nghiệm mà Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư lựa chọn.

Chuỗi đào tạo đã góp phần tạo ra sự chuyển biến trong nhận thức, hành động của các doanh nghiệp nhỏ và vừa về chuyển đổi số, giúp doanh nghiệp hiểu rõ lợi ích của việc ứng dụng chuyển đổi số trong mô hình kinh doanh và sản xuất.

Thêm vào đó, các khóa đào tạo đã hỗ trợ kết nối các tổ chức, hiệp hội, cơ quan nhà nước với đội ngũ chuyên gia và các doanh nghiệp tại địa phương, nhằm giúp đỡ các doanh nghiệp trong quá trình áp dụng, triển khai chuyển đổi số và nắm bắt những thông tin, xu thế mới.

Đặc biệt, có định hướng ứng cộng công nghệ số trong chuyển đổi mô hình kinh doanh, mở rộng thêm các kênh bán hàng mới, tiếp cận thêm khách hàng mới. Đây là hoạt động quan trọng khi doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn về thị trường đầu ra, thiếu hụt các đơn hàng.

Bà Bùi Lan, đại diện doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp tại tỉnh Gia Lai chia sẻ, “nghĩ lớn, làm thật và hành động nhanh là câu nói mà tôi rất tâm đắc qua khóa đào tạo 2 ngày vừa qua. Xuyên suốt khóa học, tôi đã học được rất nhiều kiến thức như: xây dựng mô hình kinh doanh tinh gọn, hoặc ứng dụng một số phần mềm để quản lý doanh nghiệp hiệu quả hơn”.

Ông Nguyễn Hoàng, đại diện doanh nghiệp sản xuất cơ khí tại tỉnh Quảng Ngãi bày tỏ, đối với các doanh nghiệp nhỏ trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, việc chuyển đổi số vẫn còn rất mơ hồ, chưa có lộ trình rõ ràng.

“Doanh nghiệp của tôi cũng đã sử dụng 2 phần mềm về ERP, nhưng vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình quản lý công việc. Sau khóa học của Chương trình, tôi cũng có hình dung một cách sơ bộ những gì mình cần và phải chuẩn bị cho những bước tiếp theo. Tôi cũng như các doanh nghiệp tại đây mong muốn sẽ tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của Chương trình trong quá trình thực hiện chuyển đổi số cho doanh nghiệp”, ông Nguyễn Hoàng cho hay.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết thêm, trong giai đoạn đầu, Cục Phát triển doanh nghiệp đã phối hợp với Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) thông qua dự án Thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của doanh nghiệp nhỏ và vừa (USAID LinkSME) tập trung xây dựng các công cụ, tài liệu hướng dẫn, triển khai các hoạt động nâng cao nhận thức và đào tạo chuyển đổi số cho doanh nghiệp. Nhiều công cụ, nội dung đào tạo cũng được Chương trình số hóa, xây dựng thành các video để phổ biến cho toàn người dân, doanh nghiệp truy cập một cách dễ dàng, thuận lợi.

Chương trình đã đạt được một số kết quả tích cực như: hơn 2 triệu lượt truy cập các tài liệu hướng dẫn, video đào tạo, chia sẻ kinh nghiệm về chuyển đổi số của Chương trình; hơn 1.600 doanh nghiệp tự đánh giá mức độ sẵn sàng chuyển đổi số để có phương hướng triển khai; hơn 10.000 doanh nghiệp tại 40 địa phương được đào tạo trực tiếp về chuyển đổi số./.

Thúy Hiền/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/phan-dau-nang-cao-kien-thuc-ve-chuyen-doi-so-cho-100-doanh-nghiep-tren-toan-quoc/294286.html