Phân cấp quản lý đăng kiểm, địa phương lo 'không đủ người làm'

Theo Nghị định 30, việc thẩm định, cấp phép, giám sát hoạt động các trung tâm đăng kiểm do Sở GTVT đảm nhận. Tuy nhiên, nhiều địa phương nêu thực tế không đủ nhân sự làm việc này.

Ngày 8/6, Nghị định 30 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 139 quy định về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới chính thức có hiệu lực.

Một trong những điểm mới tại Nghị định 30 là việc phân cấp rõ ràng, minh bạch về trách nhiệm quản lý Nhà nước ở Trung ương và địa phương trong việc cấp phép, quản lý các đơn vị đăng kiểm, đăng kiểm viên.

Theo đó, Nghị định 30 quy định Cục Đăng kiểm Việt Nam sẽ không còn nhiệm vụ cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định xe cơ giới cho các trung tâm đăng kiểm trên toàn quốc.

Nhiều địa phương lo ngại khi thêm nhiệm vụ quản lý lĩnh vực đăng kiểm (Ảnh: N. Huyền)

Thay vào đó, Sở GTVT sẽ thực hiện nhiệm vụ này tại các đơn vị đăng kiểm trên địa bàn. Hồ sơ xin thành lập trung tâm đăng kiểm và các thủ tục có liên quan đến hoạt động đăng kiểm đều chuyển về Sở GTVT giải quyết thay vì Cục Đăng kiểm như trước đây.

Ngoài ra, Sở GTVT sẽ chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát hoạt động của các trung tâm đăng kiểm tại địa phương.

Tại hội nghị phổ biến Nghị định 30 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 139 về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới do Cục Đăng kiểm Việt Nam vừa tổ chức, đã có những băn khoăn về việc phân cấp này.

Theo đó, nhiều địa phương cho biết, hiện khối lượng công việc rất nhiều, giờ tiếp tục “gánh” thêm việc quản lý hoạt động đăng kiểm trong khi nhân sự không được tăng lên sẽ rất vất vả cho đội ngũ cán bộ.

Nêu dẫn chứng tại địa phương, đại diện Sở GTVT tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu cho biết, tỉnh sẽ giao lĩnh vực đăng kiểm về phòng quản lý phương tiện người lái.

Tuy nhiên, hiện nhân lực của phòng “rất mỏng”. Phòng Quản lý phương tiện người lái có 5 người gồm 1 trưởng phòng, 1 phó phòng và 3 nhân viên.

Phòng chỉ có 3 nhân viên vừa thực hiện nhiệm vụ quản lý phương tiện người lái, công tác đào tạo lái xe giờ thêm đăng kiểm với khối lượng công việc nhiều (thẩm định, cấp phép (thành lập hội đồng), kiểm tra, giám sát các trung tâm đăng kiểm)…là rất nặng nề.

Chung băn khoăn, lãnh đạo Sở GTVT tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng nêu vấn đề: Tại Công văn số 9128 ngày 13/6/2023 của Bộ GTVT có nội dung: Trong trường hợp Sở GTVT chưa đủ điều kiện thực hiện các nhiệm vụ của Nghị định 30 thì có văn bản đề nghị Cục Đăng kiểm Việt Nam tiếp tục thực hiện…”.

“Tuy nhiên, tại Nghị định 139 và Nghị định 30 chưa thể hiện rõ các điều kiện này là gì, đề nghị làm rõ?", đại diện Sở GTVT Thừa Thiên - Huế nêu.

Trả lời các băn khoăn này, Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, tại điểm đ khoản 2 Điều 3 của Nghị định 30 quy định kể từ ngày nghị định này có hiệu lực, nếu Sở GTVT chưa thực hiện được các nhiệm vụ này thì có văn bản đề nghị Cục Đăng kiểm Việt Nam tiếp tục thực hiện.

“Điều kiện ở đây là điều kiện về nguồn nhân lực của Sở GTVT để thực hiện các quy định tại nghị định”, đại diện Cục Đăng kiểm nói.

Ông Nguyễn Chiến Thắng, Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam cũng giải đáp băn khoăn về nhân sự thành lập hội đồng thẩm định cấp chứng nhận cơ sở đăng kiểm đủ điều kiện, đánh giá duy trì hoạt động các đơn vị đăng kiểm tại địa phương,

Theo ông Thắng, Nghị định 30 quy định rõ, Sở GTVT là đơn vị đầu mối, chủ trì thực hiện. Bên cạnh đó cần có sự phối hợp của các Sở Tài nguyên & Môi trường, Sở Xây dựng, Sở Khoa học Công nghệ, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Cục Thuế để đánh giá tổng thể các hạng mục (đất đai, vị trí xây dựng, trang thiết bị kiểm định, nhân lực, thuế,…) theo quy định pháp luật.

Ông Thắng cũng lưu ý các Sở GTVT khi phát sinh nhiệm vụ không phát sinh thêm tổ chức bộ máy thực hiện.

N. Huyền

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/phan-cap-quan-ly-dang-kiem-dia-phuong-lo-khong-du-nguoi-lam-2155784.html