Phạm nhân tù chung thân được viện Kiểm sát kháng nghị hủy án

(ĐSPL) - Sau hơn 10 năm ròng rã gửi đơn kêu oan, cuối cùng, may mắn đã mỉm cười với phạm nhân Hòa. Ngày 19/8/2014, VKSND Tối cao đã ra kháng nghị giám đốc thẩm đề nghị TAND cùng cấp hủy bản án kết tội phạm nhân này để điều tra lại.

Lấy ông Chấn làm động lực kêu oan

Tại buổi tiếp xúc với PV báo Đời Sống và Pháp Luật , phạm nhân Nguyễn Văn Hòa cho biết, mình đang phải chịu mức án chung thân về tội giết người, thụ án tại trại giam Vĩnh Quang từ năm 2005.

Tuy nhiên, phạm nhân Hòa cũng nói: "Tôi bị oan. Suốt 10 năm qua, gia đình tôi ngược, xuôi khắp nơi nhưng tất cả vẫn vô vọng. Vợ tôi vì buồn chán quá mà bỏ con đi. Nay, ông Chấn là người ở cùng trại giam với tôi đã được chứng minh vô tội, tôi càng có thêm động lực để kêu oan".

Bị án Nguyễn Văn Hòa: "Tôi tha thiết mong vụ án của tôi được xét xử lại".

Hòa kể: "Ngày 1/8/2004, gia đình tôi có đám hỏi nên để nhờ một chiếc taxi tại quán nhà anh Nguyễn Hữu C. cùng xóm. Khoảng 13h cùng ngày, sau khi uống rượu về, anh C. cùng Vũ Trọng Hiển, Bùi Huy Tuyên và người bạn khác thấy thế liền gọi Vũ Công Sơn (cháu họ) và Nguyễn Hợp Tác (lái xe taxi) ra đòi tiền gửi xe. Giữa các bên xảy ra mâu thuẫn, Sơn bị đánh nên chạy vào nhà bố đẻ tôi là ông Nguyễn Văn Lãm cầu cứu. Bố và tôi cùng một vài thanh niên trong nhà chạy ra. Lời qua tiếng lại, hai bên đã lao vào xô xát, đánh nhau. Sự việc chỉ dừng lại khi anh C. bỗng dưng gục xuống với một vết đâm trên ngực và chết trên đường đi cấp cứu. Quá trình giám định cho thấy, anh C. tử vong bởi một vết đâm thấu tim; Vũ Trọng Hiển bị thương 3%; Bùi Huy Tuyên bị thương 12%".

Hòa và ông Lãm cùng bị bắt và khởi tố về hành vi giết người. Tuy nhiên, ông Lãm được đình chỉ điều tra sau 4 tháng bị tạm giam. Hòa bị tuyên án tù chung thân, mặc dù đã liên tục kêu oan. Do không thể chứng minh được liệu Hòa có phải là "tác giả" của những thương tích trên cơ thể anh Hiển và Tuyên hay không, HĐXX cũng quyết định tách riêng vụ án này ra để điều tra sau.

Tại phiên tòa sơ thẩm diễn ra ngày 20/5/2005, TAND tỉnh Quảng Ninh cho rằng, những lời chối tội kêu oan của bị cáo Hòa là quanh co, nại ra các lý do để đổ lỗi cho người khác hòng trốn tránh trách nhiệm nên cần phải xử phạt thật nghiêm.

Liên tục viết thư kêu oan

Trong các đơn thư kêu oan gửi đi và cũng trong buổi tiếp xúc với PV, Nguyễn Văn Hòa nhiều lần khẳng định, mình không đâm ai, bởi lúc đó anh không hề có hung khí và cũng không tiếp xúc với nạn nhân C. trong suốt quá trình xô xát.

Theo lời phạm nhân này, nhóm người xô xát chia làm hai tốp đứng tách biệt. Hòa cùng bố đánh nhau với nhóm anh Hiển, anh Tuyên. Quá trình va chạm, Hòa còn bị đấm gãy răng, máu chảy đầy áo rồi được mẹ đẻ là bà Vũ Thị Miến dìu vào nhà. Trong khi đó, anh C. đánh nhau ở một nhóm khác.

Hàng xấp đơn từ kêu oan và thư viết tay của phạm nhân Hòa đều cho thấy khát khao được xử lại vụ án.

"Tôi hoàn toàn không biết chuyện gì đã xảy ra với nhóm của anh C.. Lúc tôi đang nghỉ ngơi trong nhà thì bị bắt lên Công an huyện Yên Hưng. Tại đây, tôi mới biết anh C. bị đâm và tử vong. Sau đó, tôi bị đưa ra xét xử và chấp hành án cho đến tận bây giờ", anh Hòa nói.

Nguyễn Văn Hòa buồn bã kể, quá trình gần 10 năm ở tù, mặc dù khả năng đọc viết rất kém (Hòa chỉ học hết lớp 3) nhưng vẫn nhẫn nại, viết hàng trăm bức thư tay gửi đi khắp nơi, nhưng chẳng mấy khi nhận được hồi âm. Ngoài những bức thư kêu oan gửi tới các cơ quan chức năng, Hòa cũng thường xuyên gửi thư về cho gia đình, nạn nhân và cho gia đình một số người mà Hòa tin rằng, sự thành thật của họ sẽ giúp mình được minh oan.

Tài liệu điều tra thể hiện, các cơ quan tố tụng tỉnh Quảng Ninh đã căn cứ vào bản giám định vết thương và lời khai của các nhân chứng gồm: Vũ Trọng Hiển (bạn anh C., người bị thương 3%); Vũ Thị Thu (bác ruột anh C.) và hai trẻ em 12 tuổi để buộc tội Hòa. Con dao, hung khí gây án, cơ quan công an không thu giữ được. Các chiếc áo dính máu của bị cáo và bị hại cũng không được đem xét nghiệm, xác định mẫu máu trên áo mà lại tiêu hủy ngay.

Sự vắng mặt khó hiểu của người liên quan

Cũng trong buổi trao đổi với PV, theo lời phạm nhân Nguyễn Văn Hòa (quan điểm này cũng được thể hiện trong bản án phúc thẩm số 1115/2005 ngày 26/10/2005 của TAND Tối cao - PV), Hòa tin rằng, hung thủ đã ra tay đâm chết anh Nguyễn Hữu C. chính là tài xế taxi Nguyễn Hợp Tác. Theo phạm nhân, mặc dù là thành phần hết sức quan trọng trong vụ án, là người đã khởi đầu cho cuộc xô xát nhưng trong cả hai phiên xét xử, anh Tác đều được tòa chấp thuận vắng mặt.

Chính sự vắng mặt khó hiểu này của Tác đã khiến cho người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị cáo Nguyễn Văn Hòa là luật sư Phạm Hồng Hải (đoàn Luật sư Hà Nội ) phản ứng dữ dội. Luật sư Hải đề nghị hoãn phiên tòa, chờ đến khi anh Tác có mặt thì xử tiếp.

Bên cạnh đó, luật sư Hải cũng kiến nghị phải có bản giám định chiếc áo dính máu của bị cáo, xem có đúng là máu của nạn nhân C. vương ra hay không và yêu cầu bổ sung nhân chứng. Tuy nhiên, tất cả các kiến nghị trên đều không được tòa chấp thuận, Nguyễn Văn Hòa bị tuyên phạt mức án tù chung thân.

Sau hơn 10 năm ròng rã gửi đơn kêu oan, cuối cùng, may mắn đã mỉm cười với phạm nhân Hòa. Ngày 19/8/2014, VKSND Tối cao đã ra kháng nghị giám đốc thẩm đề nghị TAND cùng cấp hủy bản án kết tội phạm nhân này để điều tra lại.

Theo quyết định kháng nghị số 27/QĐ-VKSTC-V3 của VKSND Tối cao ngày 19/8/2014, cơ quan này đã đề nghị Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm, hủy hai bản án đã tuyên trước đó đối với phạm nhân Nguyễn Văn Hòa để điều tra lại theo đúng quy định của pháp luật.

Quyết định kháng nghị nhận định: Nguyễn Hợp Tác và Vũ Công sơn là những người xô xát đầu tiên với anh C., đồng thời có nhân chứng khẳng định Tác với Sơn là người tiếp xúc với C. trước khi anh này bị đâm (Tác cầm tô vít). Tại các phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm, bị cáo Hòa và ông Lãm cho rằng Tác và Sơn mới là người đâm chết anh C. nhưng Nguyễn Hợp Tác lại không có mặt tại tòa.

Ngoài ra, thống kê tài liệu từ CQĐT Công an tỉnh Quảng Ninh và VKSND tỉnh Quảng Ninh đều thiếu nhiều bút lục (138; 193 đến 208; 304; 398 đến 402; 411 đến 419) trong đó có các Biên bản ghi lời khai của Tác và Sơn.

Chính vì các lẽ trên, VKSND Tối cao cho rằng, để có căn cứ vững chắc xác định hành vi phạm tội của Nguyễn Văn Hòa phải hủy bán án sơ thẩm và bản án phúc thẩm đối với Hòa để điều tra lại làm rõ những phân tích trên.

Nhiều vấn đề chưa được làm rõ

Theo quyết định kháng nghị số 27/QĐ-VKSTC-V3 của VKSND Tối cao, vụ án của Nguyễn Văn Hòa có nhiều vấn đề chưa được làm rõ như: Quá trình xét xử chỉ căn cứ vào lời khai của các nhân chứng nhưng bản thân lời khai này tại các thời điểm khác nhau là không đồng nhất; bị cáo không nhận tội nhưng cơ quan chức năng lại không tiến hành đối chất; quá trình điều tra không thu giữ được hung khí gây án, không tiến hành giám định mẫu máu trên áo của Nguyễn Văn Hòa có đúng là máu của nạn nhân không...

Và quan trọng hơn cả, bản kháng nghị cũng nêu rõ: Tại hai phiên xử, Nguyễn Văn Hòa và bố đẻ là Nguyễn Văn Lãm đều cho rằng Tác và Sơn mới là người tiếp cận với nạn nhân và đâm nạn nhân nhưng anh Tác lại không có mặt tại tòa. Nhiều nhân chứng nhìn thấy Tác cầm tô vít nhưng đã không được mời đến làm chứng...

LONG NGUYỄN

Đọc báo Pháp luật Đời Sống trong ngày cập nhật liên tục từng giờ tại chuyên mục Pháp Luật

Xem thêm video clip : Clip xử án: Sát hại dã man người cùng làng trong đám cưới

Nguồn ĐS&PL: http://www.doisongphapluat.com/phap-luat/ho-so-vu-an/pham-nhan-tu-chung-than-duoc-vien-kiem-sat-khang-nghi-huy-an-a53054.html