Phải làm gì để bắt kịp?

Sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (gọi tắt là cuộc CMCN 4.0) đã đặt nền giáo dục truyền thống nói chung và đặc biệt là giáo dục đại học (ĐH) Việt Nam trước nhiều thách thức và bất bình đẳng rất lớn.

Một trong những thách thức lớn đó là nguy cơ phá vỡ thị trường lao động cũng như phương thức đào tạo giáo dục truyền thống Việt vốn được đánh giá là chậm đổi mới.

Nền giáo dục nước nhà phải làm gì để vừa đem lại cho người học những kỹ năng và kiến thức cơ bản lẫn tư duy sáng tạo, khả năng thích nghi với các thách thức và yêu cầu công việc thay đổi liên tục để tránh nguy cơ bị đào thải?

Đồ họa mô tả cuộc CM công nghệ 4.0 với giáo dục ĐH. Ảnh minh họa

Những nguy cơ hiện hữu

Tháng 1/2016, tại Diễn đàn Davos (Thụy Sĩ), một chủ đề được các nhà kinh tế thế giới quan tâm là Cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0. Theo đó, nhiều quốc gia đã bắt đầu hướng đến việc áp dụng và triển khai cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 này vào các chương trình phát triển kinh tế của mình.

Ngày càng có nhiều tập đoàn công nghệ lớn có tiềm lực công nghệ, con người và nguồn tài chính hùng hậu đã ở tuyến đầu trong cuộc chạy đua biến tri thức thành sản phẩm phục vụ cuộc sống và họ có nhiều trải nghiệm quý giá mà giới hàn lâm đại học không có.

Theo TSKH. Phan Quang Trung – Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam: “Giới nghiên cứu cũng chỉ ra CPS (Cyber Physical System) sẽ không chỉ đe dọa việc làm của công nhân trình độ thấp mà ngay cả những người có bằng cấp (cao đẳng, đại học trở lên) cũng có thể bị ảnh hưởng. Trong tương lai tài năng tri thức sẽ đại diện cho yếu tố quan trọng của sản xuất hơn là yếu tố vốn. Điều này sẽ luôn phát sinh ra một thị trường việc làm ngày càng tách biệt…”

(Trích tại cuộc Hội thảo "Cách mạng công nghiệp 4.0 và giáo dục" do Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam tổ chức)

Chính điều đó đã làm giảm đáng kể ranh giới và khoảng cách về tri thức và khả năng sáng tạo giữa khu vực đại học & công nghiệp. Đồng thời, nó khiến các hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học từ các trường đại học đối mặt với các yêu cầu cải cách và cạnh tranh mới.

Theo TSKH. Phan Quang Trung - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, nếu so sánh với các cuộc cách mạng công nghiệp trước đây thì cuộc CMCN 4.0 đang phát triển với tốc độ vượt bậc, có tính đột phá mạnh mẽ được hiện thực hóa như: Xe tự lái, ứng dụng của trí tuệ nhân tạo rô bốt, Internet vạn vật (IOT) khoa học vật liệu, sinh học, công nghệ di động không dây mang tính liên ngành sâu rộng…

Tuy nhiên, cũng như mọi cuộc cách mạng công nghiệp trước đây, cuộc CMCN 4.0 có thể đưa đến tình trạng bất bình đẳng lớn hơn, đặc biệt là nguy cơ phá vỡ thị trường lao động. Đơn cử, năm 2015, tập đoàn đồ ăn nhanh Mc Donald công bố sẽ xây dựng thêm 25.000 nhà hàng hoạt động hầu như bằng Robot.

Như vậy, thay vì mỗi nhà hàng cần từ 10 - 20 nhân viên thì nay chỉ còn 2-3 người để quản lý. Hay như tháng 5/2016, tập đoàn Foxconn cũng tuyên bố sẽ cắt giảm 60.000 nhân công và sẽ thay thế bằng các công nhân robot.

Còn một dự báo của Ngân hàng Anh Quốc đưa ra hồi tháng 11/2015 cũng cho hay, sẽ có khoảng 95 triệu lao động phổ thông bị mất việc trong vòng 10 - 20 năm tới tại riêng nước Mỹ và Anh, tương đương 50% lực lượng lao động tại hai nước này.

Cùng với thị trường lao động, những thách thức lớn mà cuộc CMCN 4.0 tạo ra cho ngành giáo dục, nhất là giáo dục ĐH và đào tạo nghề không hề ít. Cụ thể, sự ứng dụng công nghệ thông tin và sự ra đời các thiết bị công nghệ số thông minh đã khích thích sự phát triển của hình thức đào tạo trực tuyến tồn tại song song với hình thức giáo dục ĐH truyền thống với nhiều ưu điểm thuận tiện hơn cho việc dạy và học.

Thậm chí, "Hiện nay, trên thế giới đã xuất hiện hình thức kết hợp giữa mô hình ĐH truyền thống và phương thức đào tạo trực tuyến. Trước đây học sinh học ở trường và về nhà để làm bài tập. Bây giờ ngược lại, kiến thức thầy giáo dạy, học trò học sẽ học ở nhà theo hình thức trực tuyến. Học sinh đến lớp chỉ để học cái mà ở nhà họ không học được" – bà Phạm Thị Ly (ĐHQG TP.HCM) cho hay.

Không chỉ thay đổi phương thức đào tạo, bà Ly cho biết, cuộc CMCN 4.0 cũng đang dần thay đổi hoàn toàn quan niệm về trường ĐH. Trước đây, nói tới nghiên cứu khoa học thường mọi người nghĩ đến các trường ĐH nhưng nay chức năng nghiên cứu và đào tạo đang có sự chuyển dịch khu vực doanh nghiệp.

Rất nhiều các doanh nghiệp, tập đoàn lớn hiện nay đều đầu tư phòng thí nghiệm riêng, có đội ngũ nghiên cứu thực hiện các nghiên cứu tốn kém. “Như vậy, ĐH không còn là nơi duy nhất nghiên cứu nữa, đặc biệt là các nghiên cứu ứng dụng" - bà Ly khẳng định.

Đồng quan điểm, TS Phan Quang Trung cho biết thêm, nhiều tập đoàn công nghệ ngày nay có tiềm lực công nghệ, con người và tài chính rất lớn, họ lại ở tuyến đầu trong cuộc chạy đua biến tri thức thành sản phẩm phục vụ cuộc sống vì thế họ có nhiều trải nghiệm quý giá mà giới hàn lâm ĐH không có được.

Chính điều đó đã làm giảm đáng kể ranh giới và khoảng cách về tri thức và khả năng sáng tạo giữa khu vực Đại học & công nghiệp.

Bên cạnh đó, theo các chuyên gia giáo dục, trong bối cảnh đại chúng hóa giáo dục đại học, từ chỗ coi giáo dục ĐH là hàng hóa công mà chính phủ có bổn phận cung cấp cho người dân, thì nay người ta phải coi giáo dục ĐH là sự đầu tư của cá nhân và xã hội.

Đặc biệt, cùng với sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ trong cuộc CMCN 4.0 đã đòi hỏi giáo dục phải đem lại cho người học những kỹ năng và kiến thức cơ bản lẫn tư duy sáng tạo, khả năng thích nghi với các thách thức và yêu cầu công việc thay đổi liên tục để tránh nguy cơ bị đào thải. Tất cả tạo ra một bức tranh giáo dục đào tạo sinh động mà các phương thức giáo dục truyền thống chắc chắn sẽ không thể đáp ứng.

Đối đầu trước “bão”

Trước những nguy cơ của cuộc CMCN 4.0 đối với giáo dục ĐH, TS Lê Viết Khuyến - Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam cho rằng, ngành Công nghiệp và Kinh tế Việt Nam còn cách khá xa với cuộc CMCN 4.0.

Dẫn chứng cho quan điểm của mình, TS Lê Viết Khuyến đã trích dẫn lại số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, hiện tại 84,6% lực lượng lao động của Việt Nam hiện nay là lao động giản đơn. Do đó, nền sản xuất trình độ thấp chính là nguyên nhân khiến hàng ngàn tiến sĩ, cử nhân thất nghiệp chứ không hẳn là do việc đào tạo của giáo dục ĐH không đáp ứng…

“Hầu hết các DN nước ngoài đầu tư vào Việt Nam là đầu tư vào lĩnh vực lắp ráp và chế biến nên chỉ đòi hỏi lao động trình độ thấp. Còn những lao động trí tuệ như trong lĩnh vực chế tạo họ cần rất ít và chủ yếu đưa từ nước họ sang” - TS Lê Viết Khuyến nhìn nhận.

Song ông cũng thừa nhận chất lượng giáo dục ĐH vẫn cần phải nâng cao hơn nữa và giáo dục phải đi trước một bước để đào tạo nguồn nhân lực thúc đẩy nền kinh tế được nâng cao thì mới có thể tiến lên nền cách mạng công nghiệp 4.0.

Còn theo Hiệu trưởng trường ĐH Bách Khoa Hà Nội Hoàng Minh Sơn, nói đến CMCN 4.0 thì không chỉ nói đến CNTT hay những lớp học trực tuyến mà cuộc cách mạng này tác động trực tiếp và trước tiên đến những trường đào tạo về kỹ thuật công nghệ (vốn là nền tảng của cuộc cách mạng này).

Để đáp ứng và phù hợp với những yêu cầu, đòi hỏi do cuộc cách mạng này đặt ra, các trường ĐH cần phải có sự dịch chuyển trong cơ cấu đào tạo vào lĩnh vực nghiên cứu. Bên cạnh đó, chương trình đào tạo cũng cần phải có sự thay đổi.

Các chương trình cần có tính liên ngành, hướng tới đào tạo ngành rộng để sinh viên có kiến thức nền tảng để có thể thích ứng với nhiều công việc khác nhau. "Hiện nay, tính quan trọng của đào tạo ngành rộng ngày càng được khẳng định chứ không phải là đào tạo chuyên ngành sâu như suy nghĩ của một số nhà giáo dục" - ông Sơn khẳng định.

Nhìn nhận sâu hơn về vấn đề này, PGS. TS Thái Bá Cần - Hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng cho rằng, sự thay đổi của giáo dục trước làn sóng của cuộc CMCN 4.0 phải thực hiện từ nhiều góc độ khác nhau: Từ cấp quản lý, giảng viên, chương trình đào tạo cho tới người học đều phải có sự thay đổi. Tức là phải biết chọn lọc cái gì để dạy, cái gì để học và không chỉ có dạy và học mà phải biết phát huy được sức sáng tạo của từng cá nhân, cơ sở đào tạo.

Ngoài ra, theo các chuyên gia giáo dục, với cuộc CMCN này, các trường ĐH trong nước đang đứng trước thách thức rất lớn đó là cạnh tranh nguồn lực không chỉ trong nước mà cả toàn cầu như chảy máu chất xám. Cụ thể, rất nhiều sinh viên giỏi của trường ĐH đi nghiên cứu tiến sĩ ở nước ngoài không trở về.

Vì thế, làm thế nào để thu hút giảng viên trẻ, nhà nghiên cứu, chuyên gia tới hợp tác nghiên cứu, giảng dạy tại các trường ĐH là cách để khi cuộc CMCN 4.0 bước vào thì các trường đã sẵn sàng tâm và thế để thực hiện.

K.Thoa

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/phai-lam-gi-de-bat-kip-44282.html