Phải dẹp tình trạng báo chí 'bán mình', 'sáng đưa - trưa gặp - chiều rút'

Nhân kỷ niệm 92 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, ngày 20.6, đồng chí Võ Văn Thưởng - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đã có những chia sẻ với lãnh đạo các cơ quan báo chí, qua đó đánh giá cao những nỗ lực của báo chí cũng như đặt ra nhiều vấn đề nóng của báo chí hiện nay cần phải chỉnh đốn để đáp ứng yêu cầu về thông tin của Đảng, Nhà nước và góp phần làm lành mạnh xã hội.

Đồng chí Võ Văn Thưởng - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: PV

Trao đổi với lãnh đạo các cơ quan báo chí, đồng chí Võ Văn Thưởng cho rằng: “Qua 92 năm, đến nay, báo chí góp phần vào công cuộc giải phóng dân tộc cũng như công cuộc xây dựng bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Cùng với những ghi nhận đó, còn nhiều điều báo chí phải nỗ lực, cố gắng hơn, đáp ứng yêu cầu mới”.

“Năm 2017 là năm thứ hai thực hiện Nghị quyết 12 của Đảng. Với nỗ lực cố gắng của Đảng, Nhà nước, nhân dân, chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu. Báo chí cũng đã tham gia, đồng hành tích cực, lực chọn vấn đề tuyên truyền sáng tạo, nhiều phát hiện của báo chí đóng góp tích cực trên các khía cạnh, lĩnh vực" - đồng chí Võ Văn Thưởng khẳng định, đồng thời cũng đưa ra nhiều vấn đề còn tồn tại trong các lĩnh vực quản lý báo chí hiện nay.

Về vấn đề quan hệ giữa cơ quan chủ quản và báo chí, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng nhận định: “Thời gian qua, nhiều cơ quan chủ quản thể hiện tốt vai trò của mình để cơ quan báo chí phát triển về nội dung, hình thức. Nhưng còn nhiều cơ quan chủ quan chưa thực quan tâm đến việc xây dựng cơ quan báo chí. Nhiều nơi giao khoán, bỏ mặc. Còn có tình trạng khoán trắng công việc, khoán cả kinh phí thu nộp. Đáng nói, khoản tiền khoán đó không phải trên nền tảng kinh tế của tờ báo khiến các tờ báo phải "tự bơi, tự nuôi", thậm chí bằng biện pháp mà người ta không khuyến khích. Cần tăng cường trách nhiệm của cơ quan chủ quản. Nhiều cơ quan chủ quản không đặt ra vấn đề tôn chỉ mục đích như vấn đề tối thượng với cơ quan báo chí, điều này khiến nhiều cơ quan báo chí chỉ đưa những thông tin có lợi cho mình, thỏa mãn bạn đọc mà xa rời tôn chỉ mục đích của tờ báo”.

Lãnh đạo Bộ TT&TT, Ban Tuyên giáo TƯ và Hội nhà báo tại cuộc giao ban báo chí ngày 20.6. Ảnh: PV

Liên quan đến đội ngũ báo chí, đồng chí Võ Văn Thưởng đưa ra thực trạng: Hiện nay, lực lượng báo chí còn chưa phát triển kịp theo yêu cầu phát triển. Có một số báo, nhất là báo Hội lập ra chỉ có một vài người, sau đó tuyển biên tập viên, phóng viên theo dạng "vơ bèo gạt tép", thậm chí có phóng viên bị kỷ luật ở cơ quan khác cũng nhận về. Tình trạng này là phổ biến. Có tờ báo sử dụng phóng viên bị kỷ luật, vi phạm pháp luật vào những vị trí cao trong tờ báo. Vì vậy, lực lượng phóng viên có độ hụt hẫng nhất định. Thời gian tới, Ban Tuyên giáo, Bộ TT&TT, Hội Nhà báo cùng các trường đào tạo báo chí sẽ tìm cách nâng cao, phát triển lực lượng nhà báo.

Cũng liên quan tới vấn đề tư tưởng của nhà báo khi tham gia mạng xã hội, đồng chí Võ Văn Thưởng nhận định: Hiện nay, một số tờ báo bị mạng xã hội dẫn dắt. Cần xem xét vấn đề phóng viên tham gia mạng xã hội. Có thực tế, phóng viên viết báo và phóng viên viết mạng xã hội là hai người khác nhau về tư tưởng, về cách nhìn nhận xã hội, như là người hai mặt. Bộ TT&TT và các tờ báo cần có quy định quy chế về phóng viên tham gia mạng xã hội".

Một trong những nội dung “nóng” mà đồng chí Võ Văn Thưởng nêu ra, đó chính là tình trạng tiêu cực trong hoạt động báo chí. Về vấn đề này, đồng chí Võ Văn Thưởng nói: “Vừa qua, có nhiều tờ báo dũng cảm phản ánh vấn đề nóng, đụng chạm nhiều, góp phần thực hiện, đưa Nghị quyết TƯ 4 vào cuộc sống, cũng như tham gia tích cực vào công cuộc phòng chống tham nhũng, lãng phí của Đảng và Nhà nước. Thế nhưng vẫn có một hiện thực quan ngại, là tình trạng “sáng đưa - trưa gặp - chiều rút”. Bất thường trong việc rút bài nhiều quá.

Quan điểm của tôi là phải chủ động thông tin định hướng kịp thời, không có chuyện rút bài. Chỉ rút bài trong trường hợp đặc biệt liên quan đến đường lối, liên quan đến chính sách đối ngoại, liên quan đến an ninh chính trị. Mà ngay cả những vấn đề đó, quan điểm của tôi là đẩy vào trong, hoặc cho trôi đi chứ không rút bởi có nhiều vấn đề khi đưa bài lên rồi rút bài xuống còn nguy hiểm hơn, tác hại hơn là không đưa.

Có tình trạng một số tờ báo người ta dùng từ “bị mua” theo kiểu là người ta tới, chào hỏi, đưa phong bì sau đó là rút bài. Cũng có người nói rằng không phải những tờ báo đó bị mua mà là những tờ đó tự rao bán mình theo kiểu, chuẩn bị một bài, đến gặp, người bị phản ánh hoảng hồn, sau đó là trao đổi thương lượng… Có trường hợp viết bài sau đó là hợp đồng quảng cáo, hợp đồng truyền thông. Đó là những trường hợp “bán mình”, gần như là bán nhân phẩm”.

Đồng chí Võ Văn Thưởng đưa ra quan điểm: “Để nâng cao uy tín của những tờ báo cách mạng thì phải vượt qua những vấn đề thường tình đó; đồng thời cũng để đảm bảo sứ mệnh người làm báo. Gần đây nhất có các vụ Đồng Tâm, Sơn Trà…, tôi cũng luôn đi động viên anh em phải khách quan. Có những thông tin nói đủ rồi thì dừng lại, không mở rộng. Nguyên tắc chỉ đạo thông tin: Đảng là cơ quan chỉ đạo thông tin và định hướng thông tin, đưa hay không đưa, mức độ liều lượng thế nào là Ban Tuyên giáo Trung ương quyết định, còn tất cả mọi sự can thiệp của cơ quan khác đều có thể coi là sự can thiệp không đúng quy định của pháp luật, vi phạm nguyên tắc thông tin của Đảng”.

P.V

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/thoi-su-xa-hoi/phai-dep-tinh-trang-bao-chi-ban-minh-sang-dua-trua-gap-chieu-rut-675237.bld