Phải đạt 10-15% giảng viên trình độ tiến sĩ, trường đào tạo nghệ thuật giãi bày

Mặc dù thực tế hiện nay còn nhiều khó khăn nhưng quy định về tỉ lệ GV toàn thời gian có trình độ tiến sĩ là có cơ sở cho các đơn vị đào tạo đặc thù phấn đấu.

Tiêu chí 2.3 của Tiêu chuẩn 2 về Giảng viên tại Thông tư số 01/2024/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo về Chuẩn cơ sở giáo dục đại học yêu cầu các trường đào tạo ngành đặc thù có đào tạo tiến sĩ, tỉ lệ giảng viên toàn thời gian có trình độ tiến sĩ không thấp hơn 10% (tính từ năm 2025) và từ năm 2030 không thấp hơn 15%.

Trường đặc thù khó vận động giảng viên đi học nghiên cứu sinh

Trước quy định trên, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Trần Minh Đặng – Chủ tịch Hội đồng trường Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh bày tỏ:

“Chúng tôi rất tán thành việc quy định về tỉ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ với mục đích nhằm chuẩn hóa đội ngũ giảng viên về số lượng, trình độ và lộ trình thực hiện trong các trường đặc thù có đào tạo tiến sĩ tại Chuẩn cơ sở giáo dục đại học mới ban hành.

Bởi, việc xác định tỉ lệ như vậy sẽ giúp cho các cơ sở đào tạo có mục tiêu phấn đấu cụ thể; có kế hoạch thực hiện chiến lược nâng cao trình độ giảng viên để từ đó phát triển chất lượng đào tạo cho người học".

Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh trong một chương trình biểu diễn nghệ thuật (Ảnh: Website nhà trường).

Thầy Trần Minh Đặng chia sẻ thêm, Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh là đơn vị chuyên đào tạo các ngành học về sáng tác, biểu diễn, giảng dạy và nghiên cứu khoa học về lĩnh vực âm nhạc với gần 40 chuyên ngành đào tạo bậc đại học và sau đại học. Thế nhưng, trên thực tế, hầu hết người học tập trung thi vào các chuyên ngành biểu diễn.

Đối với chương trình đào tạo tiến sĩ, trường chỉ đào tạo duy nhất 1 ngành là Âm nhạc học. Đây là đặc điểm chung của cả 2 cơ sở tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam và Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh.

Do số lượng lớn sinh viên đại học và học viên cao học được đào tạo về biểu diễn, sau khi tốt nghiệp, họ không muốn học lên nghiên cứu sinh ngành Âm nhạc học.

Và trên thực tế, việc viết luận án tiến sĩ cũng không phải là sở trường của các giảng viên chuyên ngành biểu diễn. Bởi họ vừa phải giảng dạy, vừa tham gia biểu diễn cống hiến cho xã hội, vừa học tập nâng cao trình độ vừa phải đảm bảo cuộc sống. Vậy nên, hầu như họ có rất ít thời gian để viết và khó quen với viết luận án tiến sĩ (công trình nghiên cứu khoa học cấp quốc gia).

Những nguyên nhân trên đã dẫn đến tình trạng nhiều thầy cô có tâm lý e ngại đối với việc nộp nộp hồ sơ xét tuyển để trở thành nghiên cứu sinh (thực tế, mỗi năm chỉ có 1 đến 2 người xét tuyển đầu vào, thậm chí có năm không có học viên nào).

Về phía cơ sở đào tạo, thầy Đặng chia sẻ thêm, khó khăn của Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh là không có đủ kinh phí để hỗ trợ cho tất cả các thầy cô đang học nghiên cứu sinh mà chỉ cố gắng thực hiện được việc hỗ trợ đối với giảng viên cơ hữu còn giảng viên thỉnh giảng phải tự túc mọi chi phí.

Thầy Đặng cho biết thêm, hiện nay Nhạc viện có đủ số lượng tiến sĩ để đáp ứng nhu cầu đào tạo nhưng hầu hết đều lớn tuổi hoặc cận kề độ tuổi nghỉ hưu; các giảng viên trẻ - lực lượng kế thừa đang cố gắng để có bằng tiến sĩ, đảm bảo yêu cầu về trình độ của giảng viên sau đại học.

Mặc dù thực tế hiện nay còn nhiều khó khăn về số lượng giảng viên toàn thời gian có trình độ tiến sĩ nhưng trong tương lai, Chủ tịch Hội đồng trường Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, quy định về tỉ lệ giảng viên toàn thời gian có trình độ tiến sĩ không thấp hơn 10% đến 2025 và không thấp hơn 15% đến năm 2030 đối với các trường đặc thù như trong Chuẩn cơ sở giáo dục đại học nêu là cơ sở cho các đơn vị phấn đấu vì đã có lộ trình cụ thể để đơn vị từng bước hoàn thiện chiến lược phát triển đào tạo.

Để góp phần nâng cao số lượng giảng viên toàn thời gian có trình độ tiến sĩ, thầy Đặng cho biết, hiện đơn vị đã và đang chú trọng công tác tư tưởng để giảng viên có điều kiện thuận lợi học tập nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn; tích cực vận động các giảng viên trẻ học tập nâng cao trình độ ngoại ngữ, tạo điều kiện thuận lợi cho các giảng viên trẻ học bổ sung các môn học đối với các ứng viên xét tuyển nghiên cứu sinh ngành Âm nhạc học và hỗ trợ một phần kinh phí học tập sau khi tốt nghiệp.

Tuy nhiên, thầy Đặng cũng cho rằng, bản thân các giảng viên cần phải có sự tự nguyện và quyết tâm học tập nâng cao trình độ đồng thời bộ, ngành chủ quản cần tạo cơ chế và điều kiện về cơ sở vật chất, quy hoạch, khen thưởng… cho các cơ sở đào tạo trực thuộc.

Khó khăn, thách thức đối với một số trường đào tạo ngành đặc thù

Trong khi đó, theo Tiến sĩ Phạm Hùng Cường - Hiệu trưởng Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội, tỉ lệ giảng viên toàn thời gian có trình độ tiến sĩ không thấp hơn 10% ( từ năm 2025) và không thấp hơn 15% (từ năm 2030) là khá phù hợp với các trường đào tạo ngành đặc thù có đào tạo trình độ tiến sĩ.

Bởi thực tế hiện nay, trường đã đạt tiêu chuẩn là không thấp hơn 10% đối với tỉ lệ giảng viên toàn thời gian có trình độ tiến sĩ.

Tuy nhiên, để duy trì và tăng tỉ lệ này nhằm đáp ứng yêu cầu từ năm 2030 của Chuẩn cơ sở giáo dục đại học, thầy Cường cho rằng, nhà trường sẽ cần có giải pháp ưu đãi hơn nữa đối với những giảng viên đăng ký tham gia học tập nâng cao trình độ chuyên môn. Đơn cử như tăng phần trăm giảm định mức giờ dạy đối với giảng viên đi học nâng cao trình độ; tăng kinh phí hỗ trợ học tập cho đối tượng nghiên cứu sinh.

Mặt khác, thầy Cường cho biết thêm, giảng viên của những trường đặc thù như Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp thường đầu tư cho sáng tác chuyên môn, tham gia các hoạt động triển lãm nghệ thuật, ít chú trọng cũng như dành thời gian cho việc học tập, nghiên cứu.

Chính vì vậy, tỉ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ là thấp hơn so với mặt bằng chung; việc vận động giảng viên của những đơn vị này đi học nâng cao trình độ cũng gặp nhiều khó khăn. Vậy nên, thầy Cường mong rằng, các cấp có liên quan luôn quan tâm nghiên cứu xây dựng các tiêu chuẩn, tiêu chí đối với những trường đào tạo ngành đặc thù một cách phù hợp nhất.

Cùng bàn về quy định trên, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Phạm Trí Thành - Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội bày tỏ, yêu cầu về tỷ lệ tiến sĩ là hoàn toàn hợp lý, bởi, đối với cơ sở giáo dục đại học, đặc biệt là với các trường có đào tạo tiến sĩ đòi hỏi phải có nhiều đội ngũ giảng viên toàn thời gian có trình độ tiến sĩ để có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực đào tạo, lý luận, nghiên cứu. Từ đó, mới có định hướng đúng đắn, đảm bảo cho việc đào tạo một cách chuyên sâu.

Tiến sĩ Phạm Trí Thành - Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội (Ảnh: Website nhà trường).

Theo thầy Thành, các trường sẽ cố gắng để có thể đạt được tiêu chuẩn trên, tuy nhiên, đây cũng sẽ là khó khăn, thách thức đối với một số trường đào tạo ngành đặc thù hẹp.

Đối với những đơn vị như Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội mặc dù là trường đào tạo ngành đặc thù nhưng lại tương đối rộng với 3 lĩnh vực và hàng chục ngành/chuyên ngành đa dạng như sân khấu, điện ảnh, truyền hình, mỹ thuật, nhiếp ảnh,… cùng truyền thống đào tạo lâu đời.

Do vậy, việc để phấn đấu, nâng cao đội ngũ giảng viên toàn thời gian có trình độ tiến sĩ cũng không phải khó khăn với nhà trường. Tuy nhiên, có một số ngành rất đặc thù như múa và thanh nhạc, mỹ thuật của các trường sẽ hơi khó hơn so với các ngành học khác để có được đội ngũ giảng viên toàn thời gian trình độ tiến sĩ.

Cũng theo thầy Thành, hiện nhà trường đã có sự chuẩn bị rất tốt đối với đội ngũ kế cận nên có lực lượng giảng viên cả cơ hữu đến hợp đồng đều khá hùng hậu. Bản thân Ban Giám hiệu Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội đã đưa ra quy chế đặt mục tiêu tới năm 2025, tới năm 2030 bắt buộc có bao nhiêu phần trăm số giảng viên của mỗi khoa phải đăng ký học nâng cao trình độ. Điều này thể hiện sự chuẩn bị rất tốt của nhà trường trong việc nâng cao chất lượng giảng dạy và đào tạo.

Để đạt được tiêu chuẩn trên, thầy Thành cho rằng, các trường đại học đào tạo ngành đặc thù cần phải có kế hoạch dài hơi, nghiêm túc và đầu tư cho việc tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao bằng cách động viên và tạo điều kiện cho giảng viên đi học tập nâng cao trình độ.

Bên cạnh đó, cần tìm ra các định hướng phù hợp như mở ngành thuận lợi có nguồn nhân lực giảng viên trình độ tiến sĩ thay vì chọn ngành quá hẹp, quá đặc thù sẽ gặp nhiều khó khăn.

Ngoài ra, muốn tuyển được đội ngũ giảng viên có trình độ tiến sĩ, bản thân các trường phải đảm bảo được không gian nghiên cứu, điều kiện để giảng viên phát huy được các công trình nghiên cứu để đáp ứng được nhu cầu nâng cao chất lượng đào tạo và đảm bảo về kinh tế - đời sống cho họ.

Tường San

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/phai-dat-10-15-giang-vien-trinh-do-tien-si-truong-dao-tao-nghe-thuat-giai-bay-post241387.gd