Phải cam kết tính an toàn đối với đầu máy, toa xe được điều chỉnh niên hạn

Bộ Giao thông vận tải thống nhất định hướng sửa quy định niên hạn đầu máy, toa xe và yêu cầu Tổng cục Đường sắt Việt Nam chịu trách niệm với các phương tiện này

Bộ Giao thông vận tải vừa có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ về quy định niên hạn đầu máy, toa xe cũng như đề xuất sửa Nghị định số 65/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đường sắt.

Qua tình hình thực tế vận hành và kinh nghiệm từ các quốc gia khác, Bộ Giao thông vận tải nhận thấy đề xuất của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp về định hướng sửa đổi nội dung liên quan đến niên hạn là có cơ sở và cần thiết phải xem xét, điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế tại Việt Nam.

Bởi theo tính toán, đến năm 2025 đường sắt sẽ thiếu trầm trọng đầu máy, toa xe để phục vụ vận tải với khoảng 60 đầu máy, hơn 500 toa xe và cần đến khoảng 8.000 tỷ đồng để đầu tư thay thế đầu máy, toa xe sử dụng dầu diesel.

Đảm bảo tính an toàn đối với đầu máy, toa xe được điều chỉnh niên hạn

Thực hiện quy định về niên hạn đầu máy, toa xe, tính đến ngày 31/12/2025, Tổng công ty và các công ty vận tải đường sắt sẽ phải dừng hoạt động khoảng 114 đầu máy, 1.472 toa xe hàng và 168 toa xe khách.

Bên cạnh đó, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải đang rà soát, tổng kết Luật Đường sắt. Trong quá trình rà soát, tổng kết Luật Đường sắt, các chủ thể có liên quan đã đề cập đến các khó khăn, bất cập liên quan đến quy định về niên hạn phương tiện giao thông đường sắt và Bộ Giao thông vận tải đã đưa nội dung này vào dự thảo Báo cáo tổng kết Luật Đường sắt.

Bộ Giao thông vận tải kiến nghị Chính phủ trong thời gian đang tiến hành tổng kết, đánh giá và sửa đổi Luật Đường sắt, cần xem xét chỉnh sửa quy định tại Nghị định 65/2018, Nghị định 01/2022 theo hướng điều chỉnh thời điểm áp dụng niên hạn đối với phương tiện giao thông đường sắt cho đến khi Quốc hội thông qua Luật Đường sắt sửa đổi. Dự kiến Bộ Giao thông vận tải đề xuất Chính phủ đưa Luật Đường sắt sửa đổi vào chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2025.

Đồng thời, Bộ kiến nghị Thủ tướng giao Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam xây dựng lộ trình để chuyển đổi năng lượng xanh trong lĩnh vực đường sắt. Cùng với đó, rà soát, ban hành bổ sung các nội dung trong các quy định liên quan nhằm tăng cường trong công tác sửa chữa, bảo dưỡng định kỳ đối với phương tiện giao thông đường sắt trong quá trình khai thác vận hành, đặc biệt đối với các phương tiện có thời gian khai thác vận hành trên 40 năm.

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật về công tác đảm bảo an toàn của phương tiện giao thông đường sắt trong quá trình khai thác vận hành.

Hải Linh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/phai-cam-ket-tinh-an-toan-doi-voi-dau-may-toa-xe-duoc-dieu-chinh-nien-han-250290.html