Phá vỡ hợp đồng đào tạo: Phải bồi hoàn!

Thời gian qua, nhiều tỉnh, thành đã đưa hàng loạt học viên, nghiên cứu sinh đi đào tạo ở trong nước và nước ngoài để về phục vụ sự phát triển của địa phương. Thế nhưng, rất nhiều trường hợp đã phá vỡ hợp đồng đào tạo

Các trường hợp được đưa đi đào tạo nếu không trở về địa phương làm việc hoặc làm việc một thời gian ngắn rồi bỏ giữa chừng phải bồi hoàn kinh phí cho ngân sách nhà nước theo hợp đồng dân sự đã ký kết.

Chấp nhận nghỉ việc

Ông Lê Huỳnh Phúc, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Thuận, cho biết từ đầu năm đến nay đã có 16 bác sĩ tại đơn vị nghỉ việc, trong đó có 6 bác sĩ diện hợp đồng, 8 bác sĩ trong biên chế và 2 bác sĩ thuộc diện được gửi đi đào tạo sau đại học. Lý do các bác sĩ tại đây nghỉ việc vì họ muốn tìm kiếm môi trường làm việc mới với thu nhập tốt hơn. "Với 2 bác sĩ thuộc khối ngoại trong hợp đồng được tỉnh cử đi đào tạo có ràng buộc sẽ làm việc tối thiểu 10 năm. Song, 2 bác sĩ này làm việc tại bệnh viện được 8 năm rồi xin nghỉ khiến bệnh viện gặp khó khăn do khoảng trống chuyên môn" - ông Phúc nói.

Theo thống kê, từ năm 2012 đến nay, tỉnh Bình Thuận cử đi đào tạo 426 bác sĩ, trong đó sau đại học là 157 bác sĩ. Nhưng hơn 10 năm qua, tỉnh có 124 bác sĩ ở các cơ sở y tế công lập nghỉ việc, trong đó có 37 bác sĩ được cử đi đào tạo có địa chỉ. Ngoài nguyên nhân thu nhập trong khối cơ sở y tế công kém hấp dẫn, còn có tình trạng các bác sĩ mới ra trường xin vào làm đủ thời gian 18 tháng để lấy chứng chỉ hành nghề rồi chuyển công tác.

Theo Sở Y tế tỉnh Bình Thuận, các bác sĩ đào tạo bằng ngân sách nhà nước là những học sinh trúng tuyển kỳ thi đại học chuyên ngành y chính quy, có đơn xin hỗ trợ kinh phí đào tạo và cam kết bằng văn bản trở về công tác tại tỉnh từ 10 năm trở lên, chấp nhận sự phân công công tác của cơ quan liên quan. Trong quá trình học, tỉnh chi trả 100% học phí cho mỗi sinh viên theo hợp đồng đào tạo đã ký kết giữa hai bên.

Để giải quyết tình trạng bác sĩ đào tạo bằng ngân sách nhà nước phá vỡ hợp đồng, trước năm 2018, tỉnh Bình Thuận quy định bồi thường gấp 5 lần tổng số tiền hỗ trợ cho toàn khóa học nếu ai vi phạm như tự ý bỏ học, bỏ việc, chuyển công tác, không hoàn thành nhiệm vụ. Từ năm 2019 đến nay, tỉnh bổ sung quy định giữ bằng tốt nghiệp với thời gian 180 tháng, thu hồi tất cả chứng chỉ, thông báo cho các cơ sở đào tạo không cấp bản sao, chứng chỉ hoặc văn bản xác nhận liên quan bằng tốt nghiệp nếu phá vỡ hợp đồng.

Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Thuận trong đợt phòng chống dịch COVID-19Ảnh: CHÂU TỈNH

Bắt buộc bồi hoàn kinh phí

Mới đây, qua thanh tra hành chính Trường ĐH Cần Thơ, Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã chỉ ra nhiều hạn chế về tuyển sinh, quan hệ quốc tế… Cụ thể, qua kiểm tra 12 hồ sơ viên chức đang theo học tại nước ngoài, có du học sinh Nguyễn Quốc Nghi và Nguyễn Đỗ Châu Giang được Bộ GD-ĐT cử đi học tiến sĩ tại Bỉ và Đức đã gia hạn thời gian đào tạo 2 lần và hết thời gian gia hạn học tập tại nước ngoài từ tháng 8-2020 và tháng 1-2023. Do đó, Thanh tra Bộ GD-ĐT đề nghị Trường ĐH Cần Thơ đưa vào danh sách bồi hoàn kinh phí đối với 2 trường hợp trên. Đối với du học sinh Lý Thanh Phương không hoàn thành chương trình đào tạo tiến sĩ cũng phải đưa người này vào danh sách bồi hoàn. Đồng thời, tiếp tục làm thủ tục để thu hồi kinh phí đào tạo đối với 3 giảng viên khác.

Là địa phương có nhiều chính sách trong việc đưa học viên, nghiên cứu sinh đi đào tạo ở trong nước và nước ngoài, ông Võ Ngọc Đồng, Giám đốc Sở Nội vụ TP Đà Nẵng, cho hay tiêu chí cử đi học nước ngoài từ ngân sách nhà nước có quy định cụ thể. Ở TP Đà Nẵng thường lấy nguồn từ Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, những học sinh đoạt giải cao trong các kỳ thi quốc gia hoặc theo các ngành nghề thành phố đang có nhu cầu để đưa đi đào tạo. Thành phố sẽ xây dựng chương trình đào tạo cụ thể, sau đó các học viên, nghiên cứu sinh xem xét và chấp nhận thì ký vào hợp đồng mà thành phố đưa ra. Trong hợp đồng có những điều khoản ràng buộc chặt chẽ như quy định thời gian làm việc cho TP Đà Nẵng sau khi trở về, nếu không làm đủ thời gian quy định thì phải đền bù.

Ông Võ Ngọc Đồng cho biết trước đây, TP Đà Nẵng quy định mức đền bù gấp 5 lần đối với số tiền ngân sách đã bỏ ra. Nhưng hiện nay chiếu theo nghị định của Chính phủ, các học viên, nghiên cứu sinh không thực hiện đúng hợp đồng chỉ phải bồi thường bằng số tiền ngân sách đã bỏ ra, tùy từng giai đoạn cụ thể.

Cũng theo ông Đồng, việc quản lý học viên, nghiên cứu sinh dựa vào hợp đồng dân sự. Trong đó có ràng buộc với cha mẹ của học viên, nghiên cứu sinh qua việc họ phải ký vào hợp đồng để trường hợp xảy ra tình trạng học viên không quay về thì trách nhiệm bồi hoàn thuộc về phụ huynh. Đối với những người trở về nhưng làm không đủ thời gian theo quy định thì được tính trừ các năm đã làm việc, chỉ bồi thường phần thời gian còn lại. Tất cả điều khoản này đều được quy định cụ thể tại hợp đồng dân sự giữa hai bên.

"Trên thực tế, xây dựng chương trình đào tạo mà người học không thực hiện đúng thì ảnh hưởng đến mục tiêu ban đầu. Điều quan trọng là thành phố cần người giỏi để làm việc, cống hiến cho địa phương. Nếu xảy ra tình trạng bỏ dở giữa chừng thì thành phố vẫn có phương án thay thế" - ông Võ Ngọc Đồng nhấn mạnh.

Phụ thuộc nhiều yếu tố

Ông Lê Huỳnh Phúc, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Thuận, cho rằng bác sĩ là ngành nghề đặc thù, sau khi ra trường phải qua 18 tháng huấn luyện, cầm tay chỉ việc, cọ xát thực tế. Vì vậy, nếu áp dụng đơn thuần theo Luật Viên chức và ràng buộc hợp đồng cử đi đào tạo thì chưa thể giữ chân họ được.

Còn theo ông Đặng Thức Anh Vũ, Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế tỉnh Bình Thuận, để giữ chân đội ngũ bác sĩ, ngoài chính sách hỗ trợ của tỉnh còn phụ thuộc nhiều yếu tố khác như môi trường làm việc, thu nhập tăng thêm, hỗ trợ đào tạo chuyên sâu…

CHÂU TỈNH - BÍCH VÂN - CA LINH

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thoi-su/pha-vo-hop-dong-dao-tao-phai-boi-hoan-20231023211748929.htm