Phá lò sản xuất văn bằng, chứng chỉ giả

(CATP)l Thu 245 dấu, mộc công an tỉnh, thành phố, sở giáo dục đào tạo và ủy ban nhân dân các cấp, cùng nhiều loại văn bằng khác.

GIẤY GÌ CŨNG LÀM GIẢ

Nhiều cơ quan cho biết tình trạng làm giả chứng minh nhân dân (CMND), bằng tốt nghiệp, chứng chỉ nghề, giấy khám sức khỏe, giấy khai sinh... gần đây được phát hiện khá nhiều. Trước thông tin trên, Ban chỉ huy Phòng CSĐTTP về TTXH CATPHCM đã chỉ đạo Đội chống trộm cắp và lừa đảo (Đội 4) nhanh chóng lập phương án đấu tranh, loại trừ.

Phùng Quốc Thái, Lương Thị Bích Thủy và Đỗ Hữu Thọ

Sau một thời gian theo dõi, lúc 16 giờ ngày 13-9-2013 trinh sát Đội 4 bắt quả tang Phùng Quốc Thái (SN 1978, ngụ Q5) đang đi giao giấy tờ giả tại đường Phạm Hùng (P4Q8). Tang vật gồm một sổ khám sức khỏe giả mang tên Nguyễn Thị Huỳnh N. Thái khai nhận: Năm 2012, khi hành nghề xe ôm, y được một mối quen là Lý Thị Kiều D. (SN 1990, quê Cà Mau) than vãn do mất CMND nên không thể xin Visa đi du lịch. Từng quen biết với một đầu nậu làm giấy tờ giả ở quận Bình Thạnh nên Thái nhận lời làm giấy CMND giả cho D. với giá 1.100.000 đồng. Trên thực tế Thái chi hết 1 triệu đồng, hưởng công môi giới 100.000 đồng. Ngoài làm CMND giả cho D., Thái còn làm “cò” thêm ba CMND khác với giá 1.200.000 đồng/giấy và 26 sổ khám sức khỏe với giá 200.000 đồng/sổ cho nhân viên các nhà hàng Hồng P., Tân Thượng H., Hương X.2 và Quảng C. với công môi giới từ 70.000 đồng đến 200.000 đồng, tùy theo yêu cầu. Theo Thái, việc gặp gỡ giao thông tin cá nhân, hình ảnh và nhận lại giấy tờ giả đều được một người phụ nữ trung niên hoặc một thanh niên trẻ giao ở ngoài đường, nhân thân, lai lịch họ ra sao, “cò” này không rõ.

Kiểm tra bốn nhà hàng trên, Đội 4 thu giữ 26 sổ khám bệnh (đã xác minh được 22 sổ giả) do các quản lý Nguyễn Thanh G. (SN 1955, quê Long An), Mai Văn Ch. (SN 1954, ngụ Q8) và Nguyễn Thanh H. (SN 1969, ngụ Tiền Giang) đang bảo quản. Quản lý các nhà hàng cho biết họ chỉ là người quản lý sổ sách người tiền nhiệm giao lại hoặc nhân viên mới xin vào làm việc giao nộp, nên không biết đó là giấy tờ giả.

Cơ quan điều tra lấy lời khai của Đỗ Hữu Thọ

Khá vất vả trong truy tìm nhưng bốn ngày sau trinh sát đã xác định được người cung cấp giấy tờ giả cho Thái chính là Trương Thị Bích Thủy (SN 1965, quê Tiền Giang, trú tại hẻm 146 Vũ Tùng, P2, Q.Bình Thạnh) và Lê T. (SN 1993, con trai Thủy). Ngày 17-9-2013, tại nhà Thủy, công an thu 11 CMND (trong đó có hai giấy mang tên Trương Thị Bích Thủy), máy in-copy-Scan, máy ép mộc nổi (dùng làm chứng chỉ, bằng cấp), máy ép nhựa, 5 mộc tròn của Bệnh viện quận 1, Bệnh viện Đại học Y dược, Trường Cao đẳng Y tế Đồng Nai, 40 dấu tên bác sĩ, 23 chứng chỉ hành nghề của Trường Cao đẳng Y tế Đồng Nai, 140 sổ khám sức khỏe của các bệnh viện trong thành phố, cùng một số máy móc khác dùng phục vụ việc in ấn giấy tờ giả. Tại nhà T., công an thu thêm 200 sổ khám sức khỏe, 150 sổ học bạ và 1.500 phiếu xét nghiệm máu của Bệnh viện Bình Thạnh. Lý giải về số tang vật trên, T. khai đều do mẹ mình nhờ cất giấu. Lệnh bắt khẩn cấp Trương Thị Bích Thủy và Phùng Quốc Thái được thực hiện ngay sau đó.

Kể về hành trình làm giấy tờ giả, Thủy khai: tự mua sắm máy móc, đặt làm con dấu đem về nhà làm giả các loại giấy tờ thông thường như sổ khám bệnh, chứng chỉ nghề các loại. Từ tháng 12-2012 đến nay, Thủy giúp Thái làm giả 11 cuốn sổ khám bệnh và 3 CMND. Với các giấy tờ cao cấp hơn như CMND, văn bằng tốt nghiệp các loại thì Thủy phải nhờ một người tên Hải làm giúp. Sau khi làm xong giấy tờ giả, Thủy trực tiếp hoặc nhờ con trai đi giao. T. thừa nhận biết mẹ làm giấy tờ giả nhưng vẫn giúp. Từ tháng 6-2013 đến nay, cậu này đã nhận và giao 40 cuốn sổ khám bệnh và ba CMND từ Thái cho mẹ và ngược lại.

NGỰA QUEN ĐƯỜNG CŨ

Tang vật vụ án (máy in và giấy tờ giả)

Kết hợp nhiều biện pháp nghiệp vụ, Đội 4 xác định được Hải - đối tượng cung cấp giấy tờ giả với kỹ thuật cao cho Thủy - chính là Đỗ Hữu Thọ (SN 1975, ngụ xã Suối Trầu, H.Long Thành, Đồng Nai). Thọ không còn cư ngụ ở địa phương nên buộc trinh sát lại phải truy tìm. Công sức bỏ ra không uổng khi Đội 4 lần ra Thọ có nguyên một lò sản xuất giấy tờ giả tại gia và cả đường dây phân phối đồ gian của hắn.

Phối hợp với CAP Linh Trung, Q.Thủ Đức, Đội 4 đã thực hiện lệnh kiểm tra nhà Thọ vào ngày 31-10-2013, thu giữ một lượng lớn giấy tờ, con dấu gồm: 29 dấu mộc tròn của CA các tỉnh, thành (CATPHCM có 3 mộc), 25 mộc tròn của bộ, sở, phòng giáo dục và đào tạo, 36 mộc tròn của CA các phường xã TPHCM và Đồng Tháp, 33 mộc tròn của trường, bệnh viện, trung tâm y tế, 6 mộc quốc huy nước CHXHCN Việt Nam, 113 mộc tròn của UBND các tỉnh, thành; 68 mộc tên các loại, 14 mộc sao y và chứng nhận sao y bản chính, 20 mộc hình chữ nhật các loại, nhiều bằng tốt nghiệp, chứng chỉ nghề, học bạ các loại cùng máy vi tính, máy in, máy scan, ép nhựa, khung kéo lụa, bản phim, bột màu... dùng sản xuất giấy tờ giả. Riêng 2 CMND giả Võ Thị L. và Phan Thanh P., Thọ khai vừa hoàn tất chưa kịp giao cho Thủy.

Phôi CMND giả do Thọ làm

Thọ là đầu nậu chuyên cung cấp giấy tờ giả từ nhiều năm về trước. Năm 2006 khi kết hợp làm ăn phi pháp với V. (chị gái của Thủy) và một số đối tượng khác, Thọ đã bị Đội 4 bắt và bị tòa án tuyên phạt 4 năm tù giam. Mãn hạn trở về được một thời gian, Thọ quay lại nghề cũ và nối lại quan hệ làm ăn với một số mối cũ, trong đó có Thủy là em gái V. Bạn hàng của Thọ gồm nhiều thành phần, có người nằm trong các đường dây chuyên cung cấp giấy tờ giả, có kẻ do người quen giới thiệu, không ít “thượng đế” đặt hàng qua điện thoại. Chỉ cần giá cả ngon lành là Thọ nhận lời “sản xuất” ngay bất kể giấy đó cực khó làm.

Không qua trường lớp đào tạo, nhưng vốn khéo tay và nhanh trí nên sau một thời gian làm thuê tại cơ sở in bao bì, Thọ đã học lóm được nghề in lụa và nuôi mộng tách ra làm ăn riêng. Qua “nghiên cứu” thị trường, nhận thấy nhiều người có nhu cầu cần các loại giấy tờ tùy thân, văn bằng để đăng ký tạm trú, xin việc, hợp thức hóa chức vụ... nên Thọ nảy sinh “sáng kiến” làm giấy tờ giả.
Để hành nghề, Thọ đến Chợ Lớn tìm mua một số dụng cụ rồi về mày mò “sáng chế” phục vụ theo yêu cầu của khách. Lúc đầu tay nghề chưa cao, Thọ chỉ nhận làm một số giấy tờ đơn giản. Từ giữa năm 2011, Thọ bắt đầu “xuất xưởng” các loại giấy tờ, văn bằng có dấu mộc quốc huy, mộc tròn của cơ quan công an như CMND, bằng tốt nghiệp, chứng chỉ nghề... Tùy theo yêu cầu khó hay dễ, mỗi giấy tờ giả sẽ có giá từ 300.000 đồng đến 600.000 đồng. Cá biệt Thọ còn nhận làm giả con dấu, chữ ký các loại giấy tờ cách nay cả thế kỷ.

Theo đó, trung bình mỗi tháng Thọ cung cấp khoảng 5 - 7 văn bằng, giấy tờ giả các loại. Việc giao nhận hàng do Thọ tự thực hiện hoặc nhờ cha ruột là ông Đỗ Trung Đ. (SN 1945) đi giao. Ông Đ. cho biết đã 5 lần đi giao hàng giúp con, nhưng không biết đó là giấy tờ giả. Tổng cộng Thọ đã cung cấp theo “đơn đặt hàng” cho Thủy khoảng 50 CMND với giá 400.000 đến 500.000 đồng một giấy và 10 chứng chỉ nghề với giá 300.000 đồng một chứng chỉ.

Thọ tái hiện quy trình làm giả giấy tờ

Tái diễn lại hành vi làm giả giấy tờ để thực nghiệm điều tra, chúng tôi thấy trong một loáng Thọ đã hoàn tất một giấy tờ rất khó làm giả. Việc làm của Thọ gây tác hại không nhỏ về mặt ANTT, quản lý con người cho xã hội. Vụ việc đang được Phòng CSĐTTP về TTXH kết hợp với CAQ.Bình Thạnh tiếp tục điều tra mở rộng. Đội trưởng Nguyễn Thanh Huyền cho biết: vụ án được khám phá khá trọn vẹn nên anh em trong đội ai cũng vui.

Nguồn CA TP.HCM: http://www.congan.com.vn/?catid=703&id=506924&mod=detnews&p=