PCI Hưng Yên - Sự bứt phá từ yếu tố con người

Từ chỗ năm 2020, Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) xếp thứ 53, đến năm 2022, Hưng Yên vươn lên đứng thứ 14/63 tỉnh thành phố về PCI và đứng thứ 5/11 tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Hồng. Điều này cho thấy, sự 'chuyển mình' trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của toàn hệ thống chính trị và bản thân mỗi cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh trên cơ sở thực hiện phương châm 'người dân là trung tâm, doanh nghiệp là đối tác, bạn đồng hành'.

Từ những chuyến “vi hành” để “định vị” tầm nhìn lớn

Khi chúng ta xác định phương châm, người dân là trung tâm, doanh nghiệp là chủ thể cạnh tranh của nền kinh tế thì phải chuyển trạng thái doanh nghiệp là chủ thể quản lý, thành khách thể quản lý; chính quyền từ chính quyền quản lý chuyển thành chính quyền “phụng sự” Nhân dân, “bạn đồng hành của doanh nghiệp”. Trong đó, yếu tố con người đóng vai trò then chốt. Ở tầm địa phương (tỉnh, thành) cũng vậy. Đây chính là quan điểm xuyên suốt để nâng cao năng lực cạnh tranh cho mỗi địa phương.

Đảng bộ tỉnh Hưng Yên luôn quán triệt chủ trương đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với cải cách "lề lối" làm việc của cán bộ, công chức, viên chức nhằm góp phần đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng, thu hút nguồn vốn đầu tư (Ảnh: BHY)

Đảng bộ tỉnh Hưng Yên luôn quán triệt chủ trương đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với cải cách "lề lối" làm việc của cán bộ, công chức, viên chức nhằm góp phần đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng, thu hút nguồn vốn đầu tư (Ảnh: BHY)

Về vấn đề này, có lần lãnh đạo tỉnh Hưng Yên cho hay, khoảng thời gian gần cuối năm 2021, ông đóng giả người dân thực hiện chuyến “vi hành” đến trụ sở UBND xã để tận mắt chứng kiến lề lối, tác phong làm việc của cán bộ trong bộ máy chính quyền gần dân nhất ra sao. Khi đến nơi, dù đang trong giờ làm việc, nhưng không thấy lãnh đạo xã ở đâu. Chỉ một cô nhân viên ra hỏi: “Anh cần gặp ai?”. Đồng chí lãnh đạo tỉnh nói muốn gặp chủ tịch xã để giải quyết công việc, song cô nhân viên trả lời, lãnh đạo xã đi vắng. Trả lời là vậy, nhưng lãnh đạo tỉnh biết Chủ tịch xã vẫn đang ở hội sở... Chờ khoảng thời gian khá lâu, mới bốc máy điện thoại... Khi lãnh đạo xã “hay tin” người đến trụ để giải quyết công việc chính là đồng chí lãnh đạo tỉnh, vị lãnh đạo xã kia mới “phân vân”… xin nhận trách nhiệm và rút kinh nghiệm!

Nắm bắt tình hình tại một số cơ quan, đơn vị xong, không lâu sau đó Thường trực Tỉnh ủy tổ chức cuộc họp trực tuyến với các địa phương về đôn đốc triển khai các nhiệm vụ kinh tế - xã hội và chấn chỉnh hoạt động công vụ. Trong đó, lãnh đạo tỉnh có đưa ví dụ về trường hợp lãnh đạo xã nọ trong chuyến “vi hành” để mục đích “làm gương” và rút ra bài học phải khắc phục ngay cho tất cả cán bộ, công chức, viên chức trong tỉnh.

Chính qua những chuyến “vi hành” phát hiện những yếu tố bất cập, Tỉnh ủy Hưng Yên đã kịp thời nắm bắt tình hình và có những chỉ đạo sát sao để kịp thời chấn chỉnh hoạt động của toàn thể hệ thống chính trị, bộ máy chính quyền trên địa bàn tỉnh, đồng thời “định vị” cho những tầm nhìn lớn hơn với định hướng rõ ràng: Cái gì tốt thì tiếp tục, cái gì chưa tốt phải kịp thời khắc phục.

Trong đó, bên cạnh rà soát lại toàn bộ hệ thống văn bản trong công tác chỉ đạo, điều hành, quản lý Nhà nước thì phải chấn chỉnh phong cách, lề lối làm việc của cán bộ, công chức trên cơ sở “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm”, lấy hiệu quả công việc là thước đo; Lấy sự hài lòng của Nhân dân và doanh nghiệp là “chỉ số” quan trọng nhất trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, thực thi công vụ của toàn hệ thống chính trị và các cấp chính quyền, sở, ngành. Đồng thời, tiếp tục tiến hành quy hoạch bài bản diện tích sử dụng đất để phát triển công nghiệp - nông nghiệp - dịch vụ… gắn với đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, kết nối, lan tỏa…

PCI thành quả của cộng đồng trách nhiệm

Từ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ủy Ban nhân dân tỉnh đã nhanh chóng rà soát, ban hành các văn bản triển khai. Đáng chú ý là Chỉ thị số 12/CT-CTUBND ngày 23/9/2021 về thực hiện có hiệu quả các giải pháp; nâng cao ý thức trách nhiệm, tinh thần, thái độ, chất lượng thực thi công vụ của cán bộ, công chức nhằm cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh Hưng Yên. Gần một năm sau, UBND tỉnh tiếp tục ban hành Kế hoạch số 125 ngày 7/7/2022 về nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của tỉnh Hưng Yên năm 2022.

Lãnh đạo tỉnh luôn xem doanh nghiệp là "bạn đồng hành" trên chặng đường xây dựng và phát triển tỉnh nhà, nên luôn luôn lắng nghe những ý kiến, nguyện vọng của cộng đồng doanh nghiệp để kịp thời giải quyết.

Lãnh đạo tỉnh luôn xem doanh nghiệp là "bạn đồng hành" trên chặng đường xây dựng và phát triển tỉnh nhà, nên luôn luôn lắng nghe những ý kiến, nguyện vọng của cộng đồng doanh nghiệp để kịp thời giải quyết.

Với sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị, các cấp chính quyền, sở ngành đã tạo nên sự chuyển biến rõ rệt trong công tác cải cách hành chính và “cải cách” năng lực thực thi công vụ của cán bộ, công chức; đặc biệt là những quy trình liên quan đến người dân và cộng đồng doanh nghiệp, đến nay đã thu được những kết quả đáng ghi nhận. Đơn cử, như thủ tục điều chỉnh thời hạn thuê đất đã được thực hiện giảm từ 15 ngày còn 7 ngày; thủ tục giao đất, thuê đất giảm từ 30 ngày còn 20 ngày; thủ tục thẩm định nhu cầu sử dụng đất đồng thời với điều kiện giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất giảm từ 30 ngày còn 15 ngày.

Đặc biệt, việc tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, minh bạch, thân thiện cho các thành phần kinh tế tham gia đầu tư trên địa bàn tỉnh được xác định là nhiệm vụ quan trọng nhằm xây dựng nền hành chính công công khai, minh bạch, phát triển kinh tế - xã hội. Những con số ấn tượng trong bảng PCI năm 2022 của tỉnh là minh chứng sống động. Cụ thể, chỉ số tiếp cận đất đai (+0,69 điểm) tăng 36 bậc, tính tăng động (+0,23) tăng 19 bậc, chi phí không chính thức (+1,05) tăng 41 bậc và thiết chế pháp lý (+1,1) tăng 33 bậc. Chỉ số tiếp cận đất đai của Hưng Yên đứng thứ 5 cả nước chỉ sau Đồng Tháp, Thái Nguyên, Lâm Đồng và Bà Rịa – Vũng Tàu.

Hướng tới tỉnh phát triển nhanh, bền vững

Thành tựu trong phát triển kinh tế- xã hội thời gian qua nói chung, sự bứt phá chỉ số PCI nói riêng cũng mới chỉ là những kết quả bước đầu. Để Hưng Yên trở thành một trong những cực tăng trưởng của Vùng Thủ đô, vùng kinh tế trọng điểm Đồng Bằng sông Hồng, có thu nhập cao, lãnh đạo tỉnh cho rằng, còn rất nhiều việc phải làm. Trong đó, phải tiếp tục thấm nhuần quan điểm chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong chuyến thăm và làm với việc tỉnh nhân kỷ niệm 190 năm thành lập tỉnh, 80 năm thành lập Đảng bộ tỉnh, 25 năm tái lập tỉnh Hưng Yên, đó là: “Tuyệt đối không được chủ quan, tự mãn… trước những thành tích, kết quả đã đạt được và cũng không hoang mang, bi quan, quá lo lắng trước những khó khăn, thách thức đang đặt ra hoặc nảy sinh. Để từ đó, cụ thể hóa mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ thành các chương trình, kế hoạch, đề án với tinh thần quyết tâm cao, quyết liệt hơn, mạnh mẽ hơn”.

Đồng thời, tiếp tục cụ thể hóa những định hướng lớn mà Tổng Bí thư đề ra: “Tập trung ưu tiên đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hệ thống giao thông đồng bộ, hiện đại và mang tính kết nối cao với các tỉnh trong khu vực và cả nước. Phát triển có trọng tâm, trọng điểm, cân đối, hài hòa giữa các địa phương, giữa khu vực đô thị và nông thôn; phát triển công nghiệp gắn với phát triển thương mại, dịch vụ và đô thị…”.

Đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ gắn với phát triển các khu công nghiệp sạch theo tiêu chuẩn khu vực và quốc tế là một trong những trụ cột để cụ thể hóa mục tiêu phát triển nhanh, bền vững (Ảnh: BQLKCN Hưng Yên)

Đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ gắn với phát triển các khu công nghiệp sạch theo tiêu chuẩn khu vực và quốc tế là một trong những trụ cột để cụ thể hóa mục tiêu phát triển nhanh, bền vững (Ảnh: BQLKCN Hưng Yên)

Với quyết tâm chính trị cao nhất, đến nay trong chiến lược phát triển, tỉnh đã cơ bản hoạch định chính sách theo 3 trụ cột: Công nghiệp- nông nghiệp- dịch vụ, dựa trên nền tảng “công nghiệp xanh, nông nghiệp xanh và dịch vụ xanh” thân thiện với môi trường. Đáp ứng các tiêu chí về môi sinh, hàm lượng công nghệ và các tiêu chuẩn về an thực phẩm (đối với linh vực nông nghiệp). Để 3 trụ cột này trở thành đòn bẩy trong chuyển dịch thành công mô hình tăng trưởng, tỉnh đã và đang tiếp tục đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng giao thông hiện đại, đồng bộ xem đây là “chìa khóa” khơi thông mạch máu kinh tế.

Tuy nhiên, việc đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển các khu công nghiệp tập trung có quy mô lớn, xanh thân thiện với môi trường, mở rộng quy mô cánh đồng mẫu lớn trong nông nghiệp gắn với mô hình kinh tế hợp tác, phát triển hệ thống giao thông hiện đại, đồng bộ… cơ bản đây mới chỉ là yếu tố cần, còn yếu tố đủ chính là vấn đề con người. Vì vậy, thời gian tới, Hưng Yên tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, đẩy mạnh chuyển đổi số trên cơ sở giảm tối đa các thủ tục, thời gian giải quyết công việc cho người dân, doanh nghiệp gắn với đẩy mạnh tác phong, “lề lối” làm việc của cán bộ, công chức, viên chức trong toàn hệ thống chính trị, bộ máy công quyền nhằm hiện thực hóa mục tiêu: “Người dân là trung tâm, doanh nghiệp là đối tác”; xây dựng chính quyền phụng sự, bạn đồng hành của doanh nghiệp… Đây chính là những yếu tố quan trọng không chỉ đưa chỉ số PCI của tỉnh lên mức cao hơn mà còn là sức mạnh “nội sinh” góp phần đưa Hưng Yên trở thành địa phương có kinh tế phát triển nhanh, bền vững như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ của Tỉnh đã đề ra.

H. Lê

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/pci-hung-yen-su-but-pha-tu-yeu-to-con-nguoi-154597.html