OPEC+ cắt giảm sản lượng dầu: 'Đòn đau' với các quốc gia tiêu thụ và một 'canh bạc' phải trả giá cao?

Quyết định của liên minh các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC+) nhằm cắt mạnh sản lượng và tăng giá dầu thô đã giáng 'đòn đau' vào các quốc gia tiêu thụ mặt hàng này.

OPEC+ đòng ý cắt giảm sản lượng dầu ở mức hai triệu thùng/ngày, bắt đầu từ tháng 11. (Nguồn: Business Insider)

OPEC+ đòng ý cắt giảm sản lượng dầu ở mức hai triệu thùng/ngày, bắt đầu từ tháng 11. (Nguồn: Business Insider)

Quyết định này cũng dấy lên cáo buộc rằng, các nhà sản xuất vùng Vịnh đang đứng về phía Nga để gây thiệt hại cho Mỹ và các đồng minh phương Tây.

Ngày 5/10, nhóm Tổ chức các nước xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và OPEC+ đã đồng ý cắt giảm sản lượng tại một cuộc họp ở Vienna (Áo) ở mức hai triệu thùng/ngày, bắt đầu từ tháng 11.

Mức cắt giảm do OPEC+ công bố cao gấp hai lần so với số lượng mà Mỹ đã giải phóng hàng ngày từ kho dự trữ dầu mỏ chiến lược. Đây cũng là mức cắt giảm lớn nhất kể từ đỉnh điểm của đại dịch Covid-19 năm 2020, gần tương đương với 2% nguồn cung toàn cầu.

Trong nhiều tháng, Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nỗ lực ngăn cản các đồng minh Trung Đông cắt giảm sản lượng dầu.

Ngay trước thềm cuộc họp của OPEC+, có thông tin nói rằng, chính phủ Mỹ đang tìm cách thuyết phục nhóm này không tiến hành cắt giảm sản lượng sâu. Tuy nhiên, tổ chức này vẫn khiến Mỹ thất vọng.

Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre cho rằng, quyết định của OPEC+ là "thiển cận" vì nền kinh tế toàn cầu vẫn đang suy yếu do tác động tiêu cực của xung đột Nga-Ukraine.

Theo Quyền Bộ trưởng Dầu mỏ Kuwait Mohammed al-Fares, OPEC hiểu mối quan tâm của người tiêu dùng về giá cả tăng vọt, tuy nhiên, mối quan tâm chính của tổ chức này là "duy trì sự cân bằng giữa cung và cầu".

Tuy nhiên, Carole Nakhle, người đứng đầu công ty tư vấn Crystol Energy nhận định: “Thị trường luôn tự cân bằng, đó là điều cơ bản của sự tương tác giữa cung và cầu”.

Các nhà phân tích coi động thái này có thể tăng áp lực lạm phát ở Mỹ, châu Âu và tăng nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu. Nhà phân tích năng lượng Clyde Russell viết: “OPEC+ có lẽ cảm thấy rằng, họ có thời gian để xem liệu nền kinh tế thế giới có thể tránh được suy thoái hay không”.

Phó Chủ tịch Jorge Leon của công ty nghiên cứu Rystad Energy thì nói rằng: “Chúng tôi tin tác động đến giá dầu trước quyết định mà OPEC+ đã công bố sẽ rất đáng kể. Đây sẽ là một 'canh bạc' đắt đỏ của tổ chức này".

Các chuyên gia dự đoán rằng, giá dầu sẽ giảm vào cuối năm nay. Tuy nhiên, sau quyết định của OPEC+, giá dầu Brent có thể tăng đến mức 100 USD/thùng vào tháng 12, từ mức 89 USD/thùng.

Song song với đó, Nga có thể được hưởng lợi từ giá dầu cao và điều này có thể tiếp tục giúp Điện Kremlin chịu được cú sốc từ các lệnh trừng phạt của phương Tây.

Trong cuộc họp báo ngày 9/10, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov mô tả, quyết định cắt giảm sản lượng là một công việc đã được tính toán kỹ lưỡng và đầy trách nhiệm.

Ông nói: "OPEC+ đang cố gắng ổn định lại tình trạng hỗn loạn mà người Mỹ gây ra. Người Mỹ đang cố gắng thao túng trữ lượng dầu mỏ bằng cách tung thêm dầu vào thị trường".

Quyết định của OPEC+ được đưa ra một ngày sau khi Liên minh châu Âu (EU) đồng ý áp đặt một vòng trừng phạt mới với Nga vì chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, bao gồm việc giới hạn giá bán dầu Moscow và lệnh cấm đối với hầu hết các hoạt động nhập khẩu dầu thô trong những tháng tiếp theo.

Ông Ole Hansen từ ngân hàng Saxo nhận định, người chiến thắng là Nga và người thua cuộc là người tiêu dùng toàn cầu. Moscow thực chất sẽ không phải cắt giảm sản lượng vì nước này đang sản xuất thấp hơn mục tiêu đã thỏa thuận trong khi sẽ được hưởng lợi từ giá dầu còn cao hơn nữa thông qua quyết định cắt giảm.

Theo thỏa thuận của OPEC+, Nga được cho là sẽ giảm sản lượng xuống 10,5 triệu thùng/ngày - cắt giảm 600.000 thùng so với mức cam kết, tuy nhiên thực tế sản lượng của Nga đang thấp hơn so với mức này. Bởi vậy, Điện Kremlin sẽ chỉ càng hưởng lợi vì giá dầu sẽ bật tăng.

Còn theo Công ty môi giới BCS Express có trụ sở tại Nga: "Nga sẽ không phải cắt giảm bất cứ thứ gì. Đây là một tin tích cực cho các công ty dầu mỏ nước này, họ sẽ được hưởng lợi từ giá cao hơn trong khi giữ sản lượng ổn định".

(theo Al Jazeera, Bloomberg)

Linh Chi

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/opec-cat-giam-san-luong-dau-don-dau-voi-cac-quoc-gia-tieu-thu-va-mot-canh-bac-phai-tra-gia-cao-201361.html