Ông Vương Đình Huệ: Thí điểm cho phá sản NHTM yếu kém

Cần bảo đảm quyền lợi người gửi tiền nhưng không thể mãi chạy theo ngân hàng yếu kém.

Ngân hàng “bết bát quá thì cứu mãi sao được”

Chiều 21/10, giải đáp những thắc mắc liên quan tới đề xuất sử dụng ngân sách để xử lý nợ xấu và tái cơ cấu ngân hàng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng thẳng thắn nói: sẽ không dùng ngân sách trực tiếp để xử lý nợ xấu và tái cơ cấu các tổ chức tín dụng, nhưng ngân sách gián tiếp thì có thể.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ

Ông Dũng giải thích, lâu nay cách dùng ngân sách gián tiếp như tăng dự phòng rủi ro của hệ thống ngân hàng lên. Việc này làm cho chi phí ngân hàng thương mại tăng lên thì không thể nào hạ lãi suất thấp xuống, điều đó thì người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế phải chịu.

Thứ hai là trích lập dự phòng rủi ro tăng lên thì ảnh hưởng đến lợi tức, đến thu nhập doanh nghiệp và ảnh hưởng đến ngân sách, đó là sử dụng gián tiếp.

Từ thực tế đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính nhắc lại: "Tôi nghĩ sẽ không chi khoản nào trực tiếp”.

Đối với những ngân hàng thương mại yếu kém, ông Dũng nói thẳng phải chấp nhận cho giải thể, phá sản theo đúng tinh thần, định hướng của nền kinh tế thị trường.

Theo ông Dũng, trách nhiệm bảo đảm an toàn hệ thống ngân hàng, bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền là chính đáng. Tuy nhiên, với những ngân hàng quá bết bát thì không thể để tồn tại mãi được.

“Bết bát quá thì cứu mãi sao được, người dân và xã hội thì cần ồn định, nhưng thị trường cần minh bạch chỗ này, mình cứ chạy theo các ngân hàng yếu kém là thiếu minh bạch”, ông nói.

Quan điểm của Bộ trưởng Bộ Tài chính phù hợp với một trong 5 nội dung tái cơ cấu kinh tế trọng tâm Chính phủ vừa trình bày trước Quốc hội.

Trong đó, một trong những nội dung đặc biệt được chú ý trong giai đoạn 2017-2018 mà Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày là nhiệm vụ kiên quyết xử lý nợ xấu tại các tổ chức tín dụng, lành mạnh hóa thị trường tài chính, đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu một cách hiệu quả và thực chất.

Theo đó, Chính phủ cũng đề xuất áp dụng các biện pháp phá sản đối với các ngân hàng thương mại yếu kém.

Cũng tại đây, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đề xuất, trong một số ít trường hợp có khả năng sử dụng một số nguồn lực nhà nước nhất định để thực hiện các nhiệm vụ tái cơ cấu kinh tế, đặc biệt là việc tái cơ cấu các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu. Với tổng nguồn lực dự kiến cho giai đoạn 2016 - 2020, khoảng 10.567.000 tỷ đồng theo giá thực tế.

Thí điểm cho phá sản ngân hàng thương mại yếu kém

Tại diễn biến liên quan, phát biểu thảo luận tại phiên họp tổ bàn về Đề án tái cơ cấu nền kinh tế 2016-2020 sáng 22/10, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng nêu vấn đề dùng nguồn lực nhà nước để xử lý nợ xấu.

Theo ông Huệ, nguồn lực nhà nước không có nghĩa là ngân sách nhà nước. Ông nêu ví dụ, trong 100 đồng mà các ngân hàng sử dụng để trích lập dự phòng rủi ro thì có tới 25 đồng là tiền thuế nhẽ ra phải nộp cho Nhà nước. Đây chính là một cách gián tiếp Nhà nước hỗ trợ tái cơ cấu ngân hàng, hay nói cách khác là đã dùng 25 đồng nguồn lực Nhà nước trong xử lý nợ xấu.

Trong trường hợp chuyển nợ xấu sang cho Công ty Quản lý tài sản của các Tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), Phó Thủ tướng cho biết, với việc cho VAMC cơ chế phát hành trái phiếu đặc biệt và vay tái cấp vốn từ Ngân hàng Nhà nước với lãi suất chỉ 3% (trong khi lãi suất vay thông thường là 7-8%), như vậy, cũng chính là đang dùng nguồn lực Nhà nước hỗ trợ xử lý nợ xấu.

5 nội dung tái cơ cấu kinh tế trọng tâm

Vấn đề lần này theo ông là phải dùng tới nguồn lực lớn hơn nữa để xử lý nợ xấu. Nguồn lực đó bao gồm, nguồn lực từ nguồn thu ngoại tệ, nguồn thu từ huy động vàng trong dân, lập quỹ dự phòng rủi ro tín dụng, sử dụng bảo hiểm tiền gửi...

Cùng với những giải pháp nêu trên, Phó thủ tướng mạnh dạn đề nghị nghiên cứu thí điểm cho phép phá sản một ngân hàng nào đó trên nguyên tắc đã chuẩn bị kỹ lưỡng, đảm bảo quyền lợi người gửi tiền và không để xảy ra hiệu ứng "donimo". Nếu đạt được những điều kiện trên thì có thể cho ngân hàng đó "đổ vỡ".

Như vậy, với những ngân hàng còn có thể phục hồi được thì gọi là tái cơ cấu, còn với những ngân hàng không phục hồi được thì chúng ta gọi là xử lý ngân hàng yếu kém.

Theo ông, nếu mạnh dạn làm được như vậy thì sẽ có tác dụng "cảnh tỉnh" hơn nhiều so với việc cứ cho thành lập ngân hàng cổ phần, hoạt động yếu kém, rồi nhà nước phải mua lại 0 đồng như hiện nay.

An An

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/tai-chinh/ong-vuong-dinh-hue-thi-diem-cho-pha-san-nhtm-yeu-kem-3321372/