Ông Trump muốn thể hiện điều gì với Triều Tiên khi thả 'mẹ của các loại bom'?

Thái độ quyết đoán của Tổng thống Mỹ Donald Trump và sự khó lường của chính quyền Bình Nhưỡng đang khiến tình hình bán đảo Triều Tiên diễn biến phức tạp.

Triều Tiên duyệt binh hôm 15.4

Bài trắc nghiệm lớn nhất với Mỹ

Ngày 13.4, “mẹ của các loại bom” được Mỹ ném xuống một đường hầm của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Afghanistan là một quả bom lớn, có sức công phá của hơn 11 tấn thuốc nổ TNT. Tên chính thức của quả bom này là GBU-43/B Massive Ordnance Air Blast (MOAB).

Trên thực tế, MOAB được thiết kế để tiêu diệt một lượng lớn người thông qua phát nổ gần mặt đất. Nó được chế tạo trước khi Mỹ xâm lược Iraq vào năm 2003, nhằm mục đích khiến quân đội Iraq hoảng sợ và đào ngũ. Tuy nhiên, kể từ đó, loại bom này chưa được sử dụng và chỉ có khoảng hơn chục quả. Nếu cho rằng vụ nổ MOAB nhằm thể hiện sự cứng rắn của Mỹ để răn đe Triều Tiên thì Bình Nhưỡng có thể đang tự hỏi thông điệp thực sự của Mỹ là gì, vì loại bom này sẽ không có giá trị quân sự khi muốn phá hủy các nhà máy sản xuất vũ khí hạt nhân dưới lòng đất.

MOAB được vận chuyển bằng máy bay vận tải Hercules di chuyển chậm (và do đó dễ bị bắn hạ), được thả xuống từ đằng sau máy bay với một chiếc dù và bay tới mục tiêu. Nếu Mỹ thực sự đang ngắm tới các cơ sở hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên thì loại bom này không hiệu quả. Tất nhiên, ông Trump hiểu được điều đó. Giá trị lớn nhất của vụ ném bom là thể hiện ông Trump là một nhà lãnh đạo chiến tranh quyết đoán. Bên cạnh những quan chức quân đội cao cấp, Tổng thống Trump đã tuyên bố: "Nếu bạn nhìn vào những gì đã xảy ra trong 8 tuần qua và so sánh với những gì đã xảy ra trong 8 năm qua, bạn sẽ thấy có một sự khác biệt to lớn".

Tuyên bố của ông Trump đúng một phần. Trong nhiệm kỳ cuối của cựu Tổng thống Barack Obama, Mỹ có nhiều chiến lược song quá ít bom để khẳng định sức mạnh của mình. Ngược lại, cho tới nay ông Trump có nhiều bom nhưng không có chiến lược rõ ràng. Chưa có cách tiếp cận nào thực sự giúp tìm ra giải pháp cho chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên, vốn đang nổi lên như bài trắc nghiệm lớn nhất trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của ông Trump.

Nỗ lực bất chấp rào cản của Bình Nhưỡng

Triều Tiên có ý định phát triển năng lực vũ khí hạt nhân kể từ đầu những năm 1990. Ước tính có khoảng 20 thiết bị hạt nhân và mỗi năm thêm khoảng 6 vũ khí vào kho hạt nhân của nước này. Mục tiêu chính của Triều Tiên là thu nhỏ vũ khí hạt nhân, gắn vào đầu tên lửa đạn đạo liên lục địa có thể tấn công Mỹ và làm cho loại vũ khí này trở nên chính xác và đáng tin cậy.

Đây là những thách thức kỹ thuật đáng kể nhưng rõ ràng Triều Tiên đang tăng tốc để có được vũ khí hạt nhân. Tiến trình thử nghiệm tên lửa cho thấy Triều Tiên có một tên lửa tầm trung có thể vươn tới Nhật Bản và Hàn Quốc. Việc phóng tên lửa nhiều lần cho thấy Bình Nhưỡng không chỉ kiểm tra độ tin cậy của tên lửa mà còn tìm cách kiểm soát việc bắn đồng thời nhiều tên lửa. Gần đây, Bình Nhưỡng cũng đã phóng hai vệ tinh cho thấy họ đang trên đà chế tạo các tên lửa có thể đạt đến tốc độ cần thiết để bay xuyên lục địa. Để bảo vệ vũ khí trước cuộc tấn công bất ngờ của Mỹ, Triều Tiên đang phát triển các bệ phóng tên lửa cơ động khó xác định và sử dụng nhiên liệu rắn để quá trình chuẩn bị phóng nhanh hơn. Triều Tiên cũng phát triển tên lửa chống tàu ngầm.

Triều Tiên tin rằng có một kho vũ khí hạt nhân mạnh và phương tiện mang vũ khí hạt nhân là biện pháp đảm bảo tốt nhất cho sự tồn tại của mình. Việc thế giới đã không có các biện pháp hữu hiệu nhằm ngăn chặn nỗ lực hạt nhân của Triều Tiên trong vòng 1/4 thế kỉ qua đã thúc đẩy nước này tiếp tục theo đuổi mục tiêu. Người Mỹ cho rằng có thể mất khoảng 4 năm Triều Tiên sẽ có vũ khí có thể vươn tới lục địa Mỹ. Tần suất các vụ thử nghiệm vũ khí cho thấy Bình Nhưỡng đang cố gắng rút ngắn thời gian đó.

Không có hành động tấn công nào của Washington có thể ngăn cản Triều Tiên tiến hành các cuộc tấn công ồ ạt nhằm vào Hàn Quốc, và có thể là Nhật Bản. Ở vùng núi phía Bắc khu phi quân sự, hàng nghìn khẩu pháo của Triều Tiên nhằm hướng Seoul và có thể nã hàng chục nghìn quả đạn vào thành phố này chỉ sau vài phút nhận lệnh tấn công.

Như vậy, câu hỏi đặt ra rằng Mỹ và các đồng minh có thể làm gì sau cuộc gặp giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và ông Donald Trump tại Florida vừa qua. Dường như Mỹ và Trung Quốc sẽ tiến tới một nỗ lực cuối cùng nhằm áp đặt lệnh trừng phạt cứng rắn hơn, làm kiệt quệ Triều Tiên. Một số bài báo gần đây trên New York Times của tác giả David Sanger và William Broad chỉ ra rằng Mỹ đã sử dụng các cuộc tấn công mạng khiến các vụ thử tên lửa thất bại. Tuy nhiên việc này chỉ làm chậm lại chứ không ngăn cản được việc thử nghiệm của Triều Tiên.

Bước kế tiếp của Mỹ có thể là bắn hạ tên lửa của Triều Tiên sau khi phóng. Tàu chiến Mỹ ở biển Nhật Bản và các căn cứ quân sự khác có khả năng làm điều này, mặc dù không thể đảm bảo hoàn toàn rằng tất cả các tên lửa sẽ bị phá hủy. Sự quyết đoán của Donald Trump và sự khó lường của chính quyền Triều Tiên khiến tình hình trên bán đảo Triều Tiên càng diễn biến phức tạp.

Thu Hiền (TG&VN)

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/the-gioi-c-79/ong-trump-muon-the-hien-dieu-gi-voi-trieu-tien-khi-tha-me-cua-cac-loai-bom-60986.html