Ông Trump biến việc tiếp nhận quyền lực thành chuyện gia đình?

Những hình ảnh chính thức về cuộc gặp đầu tiên của tổng thống đắc cử Donald Trump với một nguyên thủ nước ngoài trong ngày thứ Năm vừa qua đã làm dấy lên một loạt chỉ trích.

Cô con gái của ông Trump là Ivanka cùng chồng là doanh nhân Jared Kushner đã cùng ngồi trò chuyện với thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. (Nguồn: Reuters)

Sau khi ứng viên Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ, những hoạt động gần đây trong giai đoạn chuyển giao quyền lực đã làm tăng thêm những quan ngại về xung đột lợi ích và sự thiếu kinh nghiệm trong hàng ngũ thân cận của ông.

Theo tờ The Japan Times, các hình ảnh chính thức về cuộc gặp đầu tiên của tổng thống đắc cử với một nguyên thủ nước ngoài hôm thứ Năm vừa qua đã làm dấy lên một loạt chỉ trích.

Trong những bức ảnh đó, cô con gái của ông Trump là Ivanka cùng chồng là doanh nhân Jared Kushner đã trò chuyện với thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và đoàn đại biểu đi cùng ông tại tháp Trump.

"Xung đột lợi ích là một cách nói giảm nhẹ," Matt Ortega, một thành viên nhóm truyền thông kỹ thuật số của bà Hillary Clinton, đối thủ đảng Dân chủ bị ông Trump đánh bại, nhận định trên Twitter.

"OMGOMGOMGOMGOMG" (ôi Chúa ơi) là phản ứng của tạp chí phe cánh tả Mother Jones.

Mặc dù luôn khẳng định các con Ivanka, Donald (con) và Eric sẽ không giữ chức vụ chính thức nào trong chính quyền của mình, nhưng từ ngày 8/11 đến nay, vị tỷ phú đắc cử đã khiến dân Mỹ tin vào điều ngược lại. Thậm chí, họ còn có lý do để tin rằng các con ông sẽ nắm vai trò quan trọng trong chính quyền.

Và với việc đóng vai trò then chốt trong hoạt động thiết lập chính quyền mới của ông Trump đã khiến Kushner không thoát khỏi cặp mắt săm soi của dư luận. Gần đây, nhiều nguồn tin cho biết các cuộc kiểm tra chứng nhận an ninh đã được thực hiện, để Kushner có thể tham gia các buổi họp báo cáo mật với tổng thống mỗi ngày.

Hôm thứ Năm vừa qua, The New York Times đã dẫn lời một nguồn tin giấu tên nói rằng Kushner còn tham vấn với một luật sư về khả năng tham gia nội các của bố vợ mà không vi phạm luật chống gia đình trị.

Kết hợp gia đình và chính trị không phải là một chuyện đơn giản ở Mỹ.

Năm 1967, Mỹ đã ban hành một đạo luật ngăn chặn những người thân thích hoặc có quan hệ gia đình với tổng thống Mỹ nắm giữ những chức vụ được trả công ăn lương trong cơ quan liên bang. Việc này diễn ra sau khi ông John F. Kennedy đắc cử tổng thống và bổ nhiệm em trai Bobby làm tổng chưởng lý .

Tuy nhiên đạo luật này tỏ ra ít rõ ràng hơn khi nói đến các vị trí cố vấn tại Nhà Trắng.

Theo Sam Abrams, một giáo sư khoa học chính trị thuộc trường cao đẳng Sarah Lawrence ở New York, quan điểm coi chính trị như chuyện gia đình của tổng thống không phải là điều mới mẻ ở Mỹ.

Từ thời Đệ nhất phu nhân Eleanor Roosevelt tới thời bà Michelle Obama, nhiều người vợ và con cái của các tổng thống Mỹ đã thường xuyên giữ vị trí then chốt nhưng không chính thức trong chính quyền mà không gây quan ngại về chủ nghĩa gia đình trị.

Tuy nhiên, với gia đình Trump, câu chuyện lại hoàn toàn khác. Daniel DiSalvo, một chuyên gia tới từ trường Cao đẳng thành phố New York, đánh giá : "Sự nổi tiếng của thương hiệu Trump, gia tài khổng lồ và số lượng đông đảo con cái đã trưởng thành đều có ảnh hưởng đến các công việc của ông Trump."

"Vấn đề là: Ở mức độ nào thì những yếu tố này sẽ tạo ra xung đột lợi ích?" DiSalvo đặt câu hỏi.

Mặc dù Trump nói rằng các con của mình - những người đang tham gia đội ngũ chuyển giao quyền lực - sẽ không giữ vị trí chính thức nào trong bộ máy chính quyền của mình, nhưng ông đã lên kế hoạch cho họ tiếp tục điều hành việc kinh doanh của gia đình. Các chuyên gia tin rằng việc này ẩn chứa tiềm năng xung đột lợi ích.

Đơn cử như khi Ivanka lần đầu xuất hiện trên truyền hình cạnh cha trong chiến dịch tranh cử, tại một cuộc phỏng vấn phát vào khung giờ vàng, cô gây tranh cãi khi đeo chiếc vòng vàng trị giá 10.000 USD và qua đó đã ngầm quảng cáo cho công ty thời trang của mình.

Abrams tin rằng ông Trump đang phạm sai lầm khi cho các thành viên trong gia đình trở nên quá nổi bật, từ trước cả khi ông chính thức đảm nhiệm công việc tổng thống và hoàn thành việc xây dựng một đội ngũ hỗ trợ có trình độ ở quanh mình.

Các chuyên gia cũng bày tỏ sự ngạc nhiên rằng ông Trump không yêu cầu một buổi họp với bộ Ngoại giao trước khi có cuộc gặp với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe - lãnh đạo của một trong những đồng minh thân cận nhất với Washington - nhưng lại để cho Ivanka và Kushner xuất hiện.

"Khi bạn sắp có cuộc gặp gỡ với Shinzo Abe, một đồng minh đáng tin cậy của Mỹ, bạn phải nói chuyện với các chuyên gia thay vì tìm tới Jared và hỏi, 'Con nghĩ gì về việc này?'" Abrams nhận định./.

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/ong-trump-bien-viec-tiep-nhan-quyen-luc-thanh-chuyen-gia-dinh/416919.vnp