Ông Đỗ Bá Tỵ: Tình hình căng mà chậm đối thoại với dân sẽ bất lợi

Thống kê của cơ quan thuộc Ủy ban thường vụ Quốc hội cho thấy, 80% khiếu nại của người dân liên quan tới đất đai, tăng gần 20% so với trước đây.

Ngày 15/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội năm 2016 và những tháng đầu năm 2017.

Đề cập đến công tác quản lý đất đai tại các địa phương trên cả nước, Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng: "Nếu chính quyền giải trình thuyết phục thì không đến nỗi người dân bức xúc, xảy ra sự việc đáng tiếc như vừa qua".

Nêu vấn đề các vụ việc phát sinh "có phải do thiếu luật pháp không?", bà Phóng thẳng thắn nói: "Không phải. Đó là do cách thực thi của chúng ta chưa tốt". Theo Phó chủ tịch Quốc hội, người dân "chẳng sung sướng gì khi phải ra đường" để phản đối một sự việc cụ thể nào đó.

Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ (bìa phải)

Chia sẻ với ý kiến nêu trên, ông Đỗ Bá Tỵ - Phó chủ tịch Quốc hội cũng nhìn nhận, qua vụ Đồng Tâm vừa rồi cho thấy quản lý đất đai có vấn đề, do vậy các cơ quan chức năng cần tiến hành rà soát để thực thi pháp luật chặt chẽ, đúng nguyên tắc. "Quan trọng nhất để cho người dân thấy chính sách là đúng và có trách nhiệm”, ông nói.

Phó chủ tịch Đỗ Bá Tỵ băn khoăn, dù không mong muốn nhưng nếu tình huống tương tự vụ Đồng Tâm xảy ra xử lý thế nào? "Nếu tình hình căng mà đối thoại với dân chậm thì sẽ bất lợi", ông Tỵ nói.

Trưởng ban dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho biết, hơn 80% khiếu nại của người dân liên quan tới đất đai, tăng gần 20% so với trước đây. Qua giám sát công tác tiếp công dân cho thấy nhiều nơi không thực hiện đúng luật. Cụ thể, theo quy định thì chủ tịch tỉnh mỗi tháng tiếp công dân một lần, như vậy một năm là 12 lần. Song thực tế trung bình mỗi năm chủ tịch tỉnh chỉ trực tiếp tiếp dân 3 lần, còn lại giao cho các phó chủ tịch tỉnh.

Theo bà Hải, khi nào chủ tịch tỉnh tiếp, dân tới rất đông và ngược lại; tình trạng tiếp dân "hời hợt" xảy ra phổ biến ở cấp huyện, xã.

"Khi chúng tôi đề nghị lãnh đạo huyện, xã đưa ra lịch tiếp công dân thì đều không có, thậm chí tại một số xã giao cho người không đủ thẩm quyền", Trưởng ban dân nguyện nói.

Bà Hải cho rằng nếu tiếp công dân tốt, đối thoại tốt thì không bao giờ dẫn tới điểm nóng, sự việc đáng tiếc.

Ngày 15/4, một số người dân thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức (Hà Nội) bị bắt gần đồng Sênh thuộc xã này. Cùng ngày, người dân giữ 38 cán bộ, cảnh sát cơ động.

7 ngày sau, những người thi hành công vụ được thả khi Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cam kết làm rõ đất tại khu vực đồng Sênh có phải đất quốc phòng; điều tra đúng sai việc bắt người nêu trên và không truy cứu hình sự với toàn thể người dân trong sự việc giữ cán bộ, cảnh sát cơ động.

Theo Anh Minh/Vnexpress

Nguồn PNNews: http://phununews.vn/tin-tuc/ong-do-ba-ty-tinh-hinh-cang-ma-cham-doi-thoai-voi-dan-se-bat-loi-175340/