Ông Diệp Dũng lý giải về việc lấy 1.000 tỷ đồng mua lại Big C

Tại tòa, bị cáo Diệp Dũng khai, trước khi huy động vốn để thực hiện thương vụ mua lại Big C, Saigon Co.op đã gửi văn bản xin ý kiến UBND thành phố và đã được chấp thuận với chủ trương này.

Chiều 28/12, phiên xét xử bị cáo Diệp Dũng (cựu Chủ tịch HĐQT Công ty Liên hiệp HTX Thương mại TP.HCM (tức Saigon Co.op), Võ Thành Trung (Tổng GĐ Công ty CP Đầu tư Phát triển Đô Thị Mới) và Tôn Thất Hào (Tổng GĐ Công ty CP Địa ốc Đại Á) và các đồng phạm bước vào phần xét hỏi.

Bị cáo buộc tự ý ký hợp đồng hợp tác với Công ty Đại Á số tiền 300 tỷ đồng và hợp đồng hợp tác đầu tư với Công ty Đô Thị Mới số tiền 700 tỷ đồng; ký ủy nhiệm chi 1.000 tỷ đồng trong số 3.000 tỷ đồng của Saigon Co.op huy động vốn để thực hiện thương vụ mua lại chuỗi siêu thị Big C và mở rộng mạng lưới Saigon Co.op (là tài sản của Saigon Co.op) cho Công ty Đại Á và Công ty Đô Thị Mới.

Bị cáo Diệp Dũng tại tòa

Theo hợp đồng hợp tác đầu tư với 2 công ty này, Saigon Co.op được nhận tỷ lệ lợi nhuận cố định 7%/năm. Tuy nhiên, sau đó bị cáo Diệp Dũng cũng tự ý ký thỏa thuận bổ sung điều chỉnh tỷ lệ lợi nhuận từ 7%/năm xuống còn 0%/năm, gây thiệt hại cho Saigon Co.op hơn 115 tỷ đồng (trong đó thiệt hại về thuế là gần 30 tỷ đồng).

Tại tòa, bị cáo Dũng khai, trước khi thực hiện huy động vốn để thực hiện thương vụ mua lại Big C, Saigon Co.op đã gửi văn bản xin ý kiến UBND thành phố và được UBND thành phố chấp thuận chủ trương mua lại Big C. Trên cơ sở đó Saigon Co.op đã ban hành Nghị quyết để thực hiện huy động vốn từ các thành viên trong hợp tác xã và các nhà đầu tư quan tâm đến thương vụ này.

Cũng theo lời khai của ông Dũng, để thực hiện huy động vốn Saigon Co.op đã phát hành văn bản gửi các nhà đầu tư và cam kết khi các nhà đầu tư góp vốn vào Saigon Co.op nếu thương vụ mua lại Big C không thành công thì các nhà đầu tư sẽ có hai lựa chọn. Nếu các nhà đầu tư muốn rút vốn thì Saigon Co.op sẽ trả lại phần vốn góp trong 3 ngày kể từ ngày các nhà đầu tư này có văn bản xin rút vốn góp.

Các bị cáo tại tòa

Nếu các nhà đầu tư không rút vốn thì Saigon Co.op sẽ dùng số vốn góp này để củng cố và phát triển mạng lưới, đồng thời sẽ kết nạp thành viên mới này Saigon Co.op.

Lý giải về quyết định dùng 1.000 tỷ đồng của Saigon Co.op đi đầu tư, bị cáo Dũng khai nhận sau khi thương vụ mua Big C thất bại, kèm theo đó là không có nhà đầu tư nào rút vốn nên trong khi chờ xin ý kiến của cơ quan chức năng để kết nạp thêm thành viên mới, nếu số vốn để đó sẽ gây lãng phí nên đã quyết định đưa 1.000 tỷ đồng này vào lưu thông để tạo ra thêm lợi nhuận cho Saigon Co.op.

"Dưới góc độ là một người làm kinh tế, với mong muốn tạo thêm một chút lợi nhuận cho Saigon Co.op, tạo thêm công ăn việc làm, thu nhập cho cán bộ công nhân viên nên sau khi nghe phòng tài chính đề xuất bị cáo đã quyết định sử dụng số tiền này để đầu tư.

Tuy nhiên, điều kiện mà bị cáo đặt ra đối với các đối tác là phải có tài sản đảm bảo. Sau khi sàng lọc thì lựa chọn ra được hai doanh nghiệp là Công ty Đô Thị Mới và Công ty Đại Á", bị cáo Diệp Dũng khai.

Về lý do điều chỉnh giảm lợi nhuận từ 7% xuống 0%, bị cáo Dũng khai sau được phòng tài chính báo cáo đối tác sử dụng dòng vốn không hiệu quả, điều này dẫn đến nguy cơ cao mất vốn hoặc bị đối tác chiếm dụng vốn chiếm dụng vốn nên trong đầu chỉ nghĩ thu hồi vốn về một cách nhanh nhất nên điều chỉnh giảm lợi nhuận xuống.

"Nếu không có biện pháp ngăn chặn rủi ro ngay thì thiệt hại có thể sẽ lớn hơn con số 115 tỷ đồng, bởi để xử lý tài sản của đối tác theo quy định phải trải qua quá trình kiện tụng mất rất nhiều thời gian, khi đó thời gian thu hồi lại vốn là rất lâu và thiệt hại có thể sẽ rất lớn", ông Dũng trình bày.

Thanh Phương

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/ong-diep-dung-ly-giai-ve-viec-lay-1-000-ty-dong-mua-lai-big-c-2232473.html