Ô tô cỡ nhỏ khó 'sống được' với Uber, Grab

Hiện nay Kia Morning, Hyundai i10, Chevrolet Spark đang là những mẫu xe được các tài xế Uber và Grab lựa chọn làm phương tiện sinh nhai. Tuy nhiên, nhu cầu sử dụng dịch vụ 'xe đi nhờ' đang là một thách thức không nhỏ đối với dòng xe này.

Kia Morning

Từ khi khái niệm “xe đi nhờ” ra đời với hãng Uber của Hà Lan và Grab đến từ Malaysia, người tiêu dùng Việt cảm thấy thú vị vì được sử dụng những chiếc xe nguyên bản an toàn với đầy đủ túi khí. Trong suy nghĩ người tiêu dùng khi làm quen với “dịch vụ đi nhờ”, ngoài việc tiết kiệm túi tiền, người ta còn nghĩ đến việc hưởng thụ những chiếc sedan bóng mượt, nội thất tiện nghi với đủ các loại nút bấm giải trí như một chiếc limousine. Đặc biệt, khi đi giao dịch chẳng ai biết mình đi “xe nhờ”.

Tuy nhiên, khi nhìn lại một thời gian qua, người tiêu dùng đang cảm thấy cái gọi là “đi nhờ” này thực sự chưa xứng tầm. Trong khái niệm của phần lớn người tiêu dùng về một chiếc xe “đi nhờ” không phải là chiếc xe con cóc, mà đại đa số muốn bước xuống từ một chiếc xe đẹp, “chất” hơn những chiếc taxi sơn phết xanh đỏ, có “tư thế” trong việc đi giao dịch, dự tiệc. Hẳn đã có nhiều người khi chọn xe Uber X đã nhắn nhủ “xe Kia Morning đừng đến!”.

Chị Huỳnh Thị Ngọc (đường CMT8, quận 10) chia sẻ: “Khi đi giao dịch ở những tòa nhà lớn, thực sự bước xuống từ một chiếc xe con cóc bên cạnh những chiếc xe hạng B hay C đã tới, cảm thấy hơi yếu thế. Nên nếu chọn giữa một chiếc xe con cóc và xe sedan mà cùng giá tiền, thì sao không chọn sedan?”.

Không chỉ giao dịch làm ăn, mà chuyện đi đám tiệc cũng là điều khiến người tiêu dùng cân nhắc chuyện lựa chọn xe. Những chiếc xe con cóc có vẻ khó phù hợp với những chiếc đầm dạ hội hay một bộ veston. Hay chuyện cả nhà đùm đề với cả ông bà cha mẹ và hai đứa trẻ con (6 người) cùng đi dự đám cưới trên một chiếc xe con cóc là điều bất tiện. Cho nên, không thiếu những trường hợp, khách hàng khi thấy hiện lên loại xe “con cóc” trên điện thoại, lập tức họ hủy chuyến đi, và tìm lại xe khác. Chị Thúy Phương (nhà đường Sư Vạn Hạnh, quận 10) cho biết, chỉ khi nào việc thật gấp rút, chị mới chọn xe con cóc cho xong, chứ khi đi đám cưới, ngay đến con gái chị cũng chủ động từ chối trên điện thoại mà không cần hỏi mẹ.

Chevrolet Spark

Những xe khác là xe nào?

Trả lời ngay, đó là những chiếc sedan. Chắc hẳn phần lớn người chưa có xe sẽ không phân biệt được sự khác nhau về tiện nghi cũng như giá trị của một chiếc Toyota Vios, Ford Focus (dòng sedan), Chevrolet Cruze, Honda City… nhưng đều hiểu rằng, đó là những chiếc xe xứng tầm khi dừng trước những tòa cao ốc, hay đại sảnh tiệc tùng. Không gian ngồi trong của những chiếc phân khúc B này cũng rộng rãi hơn, nhồi nhét một chút cũng chẳng sao.

Các tài xế xe con cóc thường cho rằng xe nhỏ dễ luồn lách trong hẻm nhỏ. Nhưng sự thực là các con hẻm hơn 8 m thì xe nào đi cũng được. Còn nhỏ hơn, thì đến xe con cóc cũng chẳng quay đầu được, nói gì đến chuyện “mặn mà” vào tận nhà đón khách. Về tiêu thụ nhiên liệu thì xe sedan tuy có tốn hơn những chiếc xe cỡ nhỏ, nhưng theo chia sẻ của các thành viên hội xe, thì những chiếc sedan dung tích xi lanh 1.5L hơn những chiếc xe cỡ nhỏ (dung tích 1.2L) không đáng là bao, ăn thua cách chạy và chọn tuyến đường phù hợp. Chính vì vậy, tháng 1/2017 vừa qua, doanh số bán xe trong tháng cao nhất thuộc về chiếc Toyota Vios, và những chiếc Kia Morning rớt xuống hạng thứ 6.

Đành rằng, Uber và Grab cũng chia ra phân khúc xe Uber X, và những chiếc xe Uber Black cho người tiêu dùng lựa chọn dịch vụ. Tuy nhiên, trong phân khúc xe Uber X, người ta nhận thấy lượng xe “con cóc” như Kia Morning hay Hyundai i10 (giá dưới 400 triệu đồng) chiếm đa số, trong đó phần lớn là xe cũ mua lại dưới 300 triệu đồng để chạy dịch vụ. Rõ ràng trong phân khúc mà hãng Uber và Grab đưa ra có sự chênh lệch quá lớn về đẳng cấp, giữa một chiếc xe hạng A 300 triệu đồng và chiếc sedan hạng B 500 triệu đồng (xe cũ) mà cùng giá dịch vụ là Uber X, thì người tiêu dùng có quyền lựa chọn. Có lẽ không lâu nữa, số “xe đi nhờ” cỡ nhỏ sẽ sớm nhường chỗ cho xe sedan, bởi các tài xế sẽ tự lựa chọn giải pháp tốt nhất cho khách hàng, cho thu nhập của mình.

Hyundai i10

GARAGE Ô TÔ

Cân mâm bấm chì sau khi vá lốp

Sau một thời gian sử dụng ô tô, bạn có cảm giác tay lái “nặng” khi xe chạy tốc độ cao. Nhiều người vội cho rằng lỗi hệ thống trợ lực lái. Nguyên nhân do khi thợ tháo lốp để vá rồi lắp vào không đúng cách, làm mất trọng tâm của mâm đã được bấm chì trước đó.

Nếu nhìn vào vành bánh xe, bạn sẽ thấy những miếng kim loại trắng được dán không đồng nhất (chỗ nhiều chỗ ít). Đây chính là những miếng chì có tác dụng làm cân bằng lực ly tâm của bánh xe khi chuyển động. Mỗi miếng chì có trọng lượng ít nhất là 5 g.

Các bánh xe đều phải dán những miếng chì này do việc sản xuất vành và lốp xe bằng máy vẫn luôn có những sai số nhất định, dù là sản phẩm của các nước tiên tiến hay quốc gia đang phát triển. Khi vành và lốp lắp vào với nhau lại càng gây ra sai số tích lũy, tạo ra sự mất cân bằng động khi bánh xe quay với tốc độ hàng trăm vòng một phút. Hiện tượng bánh xe bị đảo, khiến lốp bị nóng (dễ nổ) và mòn không đều. Ngoài ra việc mất cân bằng bánh xe cũng gây ra rung lắc lên hệ thống treo, hệ thống vòng bi, làm mòn rotuyn và lệch thước tay lái.

Trước khi lắp cụm bánh xe (vành và lốp) vào để xuất xưởng, các nhà máy đều phải đưa 4 bánh xe qua khâu “cân mâm bấm chì”, bằng một loại máy chuyên dụng. Chiếc máy này sẽ quay ly tâm bánh xe, và đánh dấu chính xác cần bổ sung trọng lượng. Chẳng hạn máy báo rằng bánh xe cần phải bổ sung 15 g, người thợ sẽ dán 3 miếng chì vào vị trí máy đo ấn định bằng tia laser. Cho nên khi bạn mới lấy xe về luôn cảm nhận tay lái nhẹ do bánh xe được cân bằng đều.

Tuy nhiên, sau khi xe bị cán đinh, thợ dọc đường sẽ tháo lốp ra khỏi vành để vá, và khi lắp vào không đúng vị trí đã được cân trước đó, khiến các cục chì này mất tác dụng, thậm chí làm bánh xe lắc nhiều hơn. Chính vì vậy, trước khi tháo ra để vá, bạn hãy yêu cầu thợ dùng bút đánh dấu lốp ở vị trí thẳng trục với van bánh xe và tâm bánh xe, để khi vá xong sẽ lắp đúng vị trí đã đánh dấu. Nếu chẳng may bạn quên đánh dấu, thì sau khi vá vỏ xong, bạn hãy đưa xe đến các các garage có máy cân mâm chuyên dụng để "cân mâm bấm chì" lại chiếc bánh đó. Giá thị trường “cân mâm kẹp chì” hiện chỉ tầm trên 100.000 đồng/bánh. Và công việc kiểm tra này ít khi nào được quan tâm trong khâu bảo dưỡng tại hãng, trừ khi bạn báo xe có hiện tượng rung lắc tay lái.

Xuân Nghĩa

Nguồn Người Tiêu Dùng: http://www.nguoitieudung.com.vn/o-to-co-nho-kho-song-duoc-voi-uber-grab-d54893.html