Ở nơi khơi nguồn cây dừa Việt

Sau lễ cưới giản dị và ấm cúng của hai cháu, ông và tôi ngồi trong vườn dừa lai láng ánh trăng cuối Xuân đầu Hạ trao đổi đủ thứ chuyện, nhưng chuyện gì rồi cũng trở lại với cây dừa Tam Quan.

Dừa Tam Quan

Nắm chặt tay tôi, ông hỏi thật thân tình: “Anh cưới vợ cho cháu chi mà xa xôi dữ vậy?”. Giọng của ông vừa thông cảm, vừa ngạc nhiên. Ông là ông nội của cháu dâu tôi, ở Hoài Nhơn, Bình Định. Tôi là cậu ruột của chú rể, ở tít trong huyện Cầu Kè, Trà Vinh.

Quả là xa xôi thật, nhưng thời trẻ ông và tôi còn “yêu vạn dặm”, thì nay con cháu yêu “vượt biên giới” cũng là lẽ thường. Thời ông, cha mẹ đặt đâu con ngồi đó, bây giờ con cháu bảo đi cưới ai là gia đình phải nghe theo. Tôi nhủ thầm và nghĩ chắc ông cũng “thoáng” như tôi.

Sau lễ cưới giản dị và ấm cúng của hai cháu, ông và tôi ngồi trong vườn dừa lai láng ánh trăng cuối Xuân đầu Hạ trao đổi đủ thứ chuyện, nhưng chuyện gì rồi cũng trở lại với cây dừa Tam Quan.

Từ thời tiểu học tôi đã được biết dừa Tam Quan qua câu ca:

Công đâu công uổng công thừa
Công đâu gánh nước tưới dừa Tam Quan

Nhưng tận đến hôm nay mới thấy cả một vùng phía bắc tỉnh Bình Định rợp bóng dừa. Sao gọi là dừa Tam Quan mà không là dừa Hoài Nhơn, vì Tam Quan chỉ là một trong hai thị trấn của huyện này, mà đã là thị trấn thì nhà nhiều hơn vườn?

Tôi “đem thắc mắc” này hỏi, ông nói: Hồi còn con nít, ông nội đã dạy tôi leo dừa. Ông nội tôi kể, vườn dừa nhà mình có từ thời ông nội của ông nội. Anh tính đi, năm nay tôi 82 tuổi, như vậy, vườn dừa này đã quá cổ! Vườn thì cổ nhưng chỉ vài chục cây trên dưới 70 năm, còn thì được trồng thay thế dần.

Theo tôi, người ta lấy địa danh Tam Quan để đặt tên cho vùng dừa Hoài Nhơn là do hồi xửa hồi xưa, Tam Quan là nơi có cây dừa đầu tiên, trước xa thời đất Bình Định ngày nay còn là của Vương quốc Chămpa với thành Vijaya, hơn 1.000 năm trước.

Khi chiếm được thành Vijaya, ngày 2 tháng 3 năm 1471, vua Lê Thánh Tông đã sáp nhập các địa khu Amaravati và Vijaya, lập nên thừa tuyên Quảng Nam và duy trì vệ quân Thăng Hoa ở đây, có lẽ vùng Tam Quan đã rợp bóng dừa.

Vậy thì từ đâu mà có dừa Tam Quan? Tôi nhớ các nhà thực vật học từng tranh cãi về nguồn gốc cây dừa. Người thì cho rằng nó xuất xứ ở khu vực Đông Nam Á, người khác khẳng định nó khởi thủy ở miền tây bắc Nam Mỹ.

Hồ nhân tạo Mỹ Bình, nơi cung cấp nước sinh hoạt cho thị trấn Tam Quan

Các mẫu hóa thạch tìm thấy ở New Zealand cho thấy, các loại thực vật tương tự như cây dừa đã mọc ở khu vực này khoảng 15 triệu năm trước. Thậm chí những hóa thạch về loại thực vật này có niên đại sớm hơn cũng đã được phát hiện tại Rajasthan và Maharashtra, Ấn Độ.

Như vậy, không phụ thuộc vào nguồn gốc của nó, dừa đã phổ biến khắp vùng nhiệt đới do quả dừa nổi được trên mặt nước và được bảo vệ rất kỹ bằng nhiều lớp vỏ nên đã phát tán rộng khắp nhờ các dòng hải lưu, và có lẽ cũng nhờ những người đi biển xa xưa.

Tại quần đảo Hawaii, người ta cho rằng những người đi biển gốc Polynesia lần đầu tiên đem dừa từ quê hương của họ ở nam Thái Bình Dương tới đây.

Dừa phát triển tốt trên đất pha cát và có khả năng chống chịu mặn cũng như ưa thích nơi có nhiều nắng và lượng mưa hằng năm từ 750 đến 2.000mm, điều này giúp nó trở thành loại cây định cư bên các bờ biển nhiệt đới một cách dễ dàng.

Và biết đâu, có những trái dừa trôi nổi hằng tháng ròng, thậm chí là hằng năm trên đại dương, đã tấp vào biển Tam Quan và nẩy mầm, nhân giống, bởi Tam Quan hội đủ mọi điều kiện cho cây dừa phát triển. Từ Tam Quan, dừa lan rộng ra cả huyện Hoài Nhơn ngày nay.

Cũng giống dừa Tam Quan này, nhưng đem trồng ở bốn huyện quanh Hoài Nhơn là Đức Phổ (Quảng Ngãi), Phù Mỹ, An Lão, Hoài Ân (Bình Định) thì ít trái, trái nhỏ và chất lượng thấp. Lại nữa, chỉ có tắm nước dừa Tam Quan thì con gái vùng này mới có nước da trắng hồng!

Suối Vàng, một thắng cảnh của Hoài Nhơn

Cách trung tâm thủ đô Hà Nội khoảng 20km về phía Tây có làng Yên Sở, quê hương của võ tướng Phạm Tu, từng một thời được gọi là làng Dừa vì trồng rất nhiều dừa.

Tương truyền đây là loại dừa mà mùa Hạ năm 543, sau khi tiêu diệt quân Lâm Ấp xâm phạm bờ cõi, Phạm Tu đem về trồng tại nơi mình sinh ra.

Những năm 60-70 của thế kỷ trước, Hãng Phim truyện Việt Nam đã quay những bộ phim Nổi gió, Chị Tư Hậu, Chị Út Tịch, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm... với cảnh những hàng dừa bên dòng kinh y như ở Nam bộ chính là dừa của làng Yên Sở.

Dừa Yên Sở ngày nay không còn nhiều, chính quyền địa phương đã có chủ trương trồng lại dừa, cũng là cách ghi nhớ công ơn của vị tướng tài Phạm Tu đã có công đưa cây dừa từ phương Nam về trồng trên quê hương mình, để ngày nay có nhiều gia đình giàu lên từ nghề buôn dừa và làm bánh gai đặc sản.

Tôi nghĩ, biết đâu dừa Yên Sở chính là dừa lấy từ Tam Quan, vì có khi Phạm Tu truy đuổi quân Lâm Ấp vào tận đất Bình Định ngày nay, nên đã được vua Lý Nam đế phong là Lý Phục Man (thắng giặc Man, Man Di chỉ giặc Lâm Ấp) ngay sau khi thành lập nước Vạn Xuân, tháng giêng năm Giáp Tý (544).

Một huyện với diện tích tự nhiên chưa đến 42.000ha thì dù dừa có phủ kín cũng chưa phải là nhiều so với Bến Tre (52.000ha) và Trà Vinh (14.000ha), mà nhiều học giả cho rằng, trong quá trình mở cõi, dừa từ Tam Quan theo người lan dần xuống phương Nam, nhưng với gần 3.600ha cho trái quanh năm thì Hoài Nhơn đã thu được mỗi năm khoảng 40 tỷ đồng từ tiền bán dừa trái, chưa kể toàn bộ cây dừa đều rất hữu ích trong cuộc sống thường nhật của con người, dù khó tính thành tiền.

Trong đám cưới của hai cháu tôi tại thôn Cự Lễ, xã Hoài Phú, cách thị trấn Tam Quan về hướng Trường Sơn khoảng 3km đường chim bay, lần đầu trong đời tôi được ăn một món rất lạ là nước mắm dừa.

Cứ nghĩ đây là một loại nước mắm được làm từ cá theo cách thông thường, chủ nhà pha chế thêm một loại gia vị nào đó được chế biến từ cơm dừa nên có vị tuyệt hảo.

Nhưng không phải vậy, nước mắm dừa - đúng như tên gọi của nó - được làm từ nước dừa già, mà chỉ là dừa Tam Quan mới được, với công thức 20 lít nước dừa, đun nhỏ lửa suốt ngày cho đến khi còn lại khoảng 2 lít thì cho muối vừa ăn.

Đơn giản vậy mà sao nó ngon đến mức cứ muốn ăn hoài! Điều thú vị nữa của nước mắm dừa là không chỉ được dùng làm nước chấm, mà còn được dùng như một loại gia vị đặc biệt trong các món chay.

Khi tôi hỏi mua vài lít nước mắm dừa đem vô Sài Gòn làm quà thì không thể có vì ngày nay ít ai làm, do tốn quá nhiều thời gian, với lại giá thành quá cao.

Cánh đồng Hoài Nhơn, nơi cấy giống nếp ngự "siêu đặc sản"

Hoài Nhơn còn có một “siêu đặc sản”, đó là nếp ngự. Xa xưa, loại thực phẩm nào kèm chữ “ngự” thì quý hiếm lắm, dùng để tiến vua, như “chuối ngự”, “nhãn ngự”.

Riêng nếp ngự của Hoài Nhơn cho đến bây giờ vẫn quý hiếm vì không có nhiều và chất lượng tuyệt hảo: Hạt tròn mẩy, bột nhiều, màu trắng tinh, nấu xôi thì hương thơm bay khắp xóm, vừa dẻo vừa bùi, gói bánh tét, bánh chưng thì để mươi ngày vẫn như bánh vừa nguội sau khi vớt ra, làm bánh hồng thì phải “áo” một lớp bột (bột của chính thứ nếp này) không thì bánh dính vào đồ đựng khó mà gỡ ra.

Vì thế mà nếp ngự trở thành vật phẩm không thể thiếu trong lễ cầu hôn, tiệc cưới vì nó tượng trưng cho sự dẻo dai, bền bỉ, không thể rời nhau của lứa đôi khi đã xe tơ kết tóc. Hèn chi mà đám cưới hai cháu tôi có đến ba món làm từ nếp ngự, là xôi, bánh tét, bánh hồng.

Phải chăng vì thế mà các bà mẹ vùng lân cận thường tìm đến Hoài Nhơn mua nếp ngự về làm tiệc trong ngày hỏi vợ cho con!

Với 15.210ha đất nông nghiệp, mỗi người dân Hoài Nhơn chỉ được chia 600m 2 vừa ở vừa sản xuất, nên dù nếp ngự quý như thế, gia đình nào cũng cấy đủ dùng cho ngày giỗ, ngày Tết, bởi phải mất 6 tháng mới thu hoạch, năng suất lại không cao.

Nhưng dừa Tam Quan còn thì nếp ngự Hoài Nhơn chẳng bao giờ mất!

Nguồn DNSG: http://doanhnhansaigon.vn/online/doanh-nhan/di-nghi-viet/2012/04/1063442/o-noi-khoi-nguon-cay-dua-viet/