Ô nhiễm không khí tại Hà Nội và nhiều tỉnh thành vượt ngưỡng, nhóm người nhạy cảm cần cẩn trọng

Theo ứng dụng PAM Air, ô nhiễm không khí nhiều điểm tại Bắc Bộ ở mức có hại và rất có hại cho sức khỏe. Chỉ số AQI có hại tập trung chủ yếu ở Hà Nội và nhiều tỉnh lân cận.

Ô nhiễm không khí nhiều nơi vượt mức quy định

Theo ứng dụng PAM Air, sáng nay (6/9), chất lượng không khí (AQI) nhiều điểm tại Bắc Bộ ở ô nhiễm rất cao, tập trung chủ yếu ở Hà Nội và nhiều tỉnh lân cận. Mức độ ô nhiễm không khí này rất có hại cho sức khỏe.

Theo dự báo của IQ Air, mức độ ô nhiễm không khí tại Thủ đô sáng nay ở mức 139 US AQI, chất gây ô nhiễm chính P.M2.5. Chất lượng không khí Hà Nội rất có hại cho sức khỏe.

Nồng độ PM2.5 tại Hà Nội lúc đó cao gấp 10.6 lần giá trị theo hướng dẫn về chất lượng không khí hàng năm của WHO.

Đến thời điểm 10h sáng, chỉ số AQI của một số khu vực tại Hà Nội đo được là: Quảng Bá: 166, Hoàng Quốc Việt: 156, Phường Cự Khối (Long Biên): 152, Tây Hồ: 165, Hoàn Kiếm: 158.

Các khu vực lân cận Hà Nội mức độ ô nhiễm không khí đo được là:

Như Quỳnh (Hưng Yên): 179 AQI.

Thị trấn Hồ (Bắc Ninh): 175 AQI.

Thị trấn Lim (Bắc Ninh): 162 AQI.

Thị trấn Chờ (Bắc Ninh): 160 AQI.

Phố Mới (Bắc Ninh): 157 AQI.

Thị trấn Thứa (Bắc Ninh): 156 AQI.

Thị trấn Neo (Bắc Giang): 152 AQI.

Với mức chỉ số AQI này, không khí Hà Nội và các tỉnh lân cận ở mức xấu rất có hại có sức khỏe của người dân. Đặc biệt nhóm người nhạy cảm với ô nhiễm không khí bị ảnh hưởng nặng hơn.

Theo ứng dụng PAM Air, sáng nay (6/9), chất lượng không khí tại Hà Nội và nhiều tỉnh lân cận ở mức nguy hại cho sức khỏe. Ảnh: TL

Theo các chuyên gia khí tượng, hiện tượng sương mù tại Bắc Bộ cùng với tình trạng ô nhiễm môi trường là một trong những nguyên nhân khiến chất lượng không khí xấu đi. Sương mù làm giảm tầm nhìn, có khả năng gây nguy hiểm đến giao thông, lưu lại khói, bụi, các chất độc hại trong không khí.

Trong khi đó, tại Thư viện tỉnh An Giang, thành phố Long Xuyên (tỉnh An Giang) ô nhiễm không khí ở mức rất cao là 500, mức nguy hiểm. Đây là mức chỉ số ô nhiễm rất cao, thậm chí vượt xa mức cao nhất (chỉ số trên 300), cho thấy mức ô nhiễm không khí đã đến tình trạng báo động, sức khỏe tất cả người dân trong khu vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã ra văn bản đề nghị các địa phương tập trung nguồn lực, tăng cường các biện pháp kiểm soát ô nhiễm bụi trong không khí; tổ chức kiểm tra, giám sát, yêu cầu nghiêm các cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn thực hiện các biện pháp kiểm soát, bảo đảm xử lý khí thải đạt quy chuẩn kỹ thuật về môi trường...

Các chuyên gia khuyến cáo, người dân khi ra đường nên đeo khẩu trang y tế để ngăn ngừa khí độc, bổ sung dinh dưỡng để nâng cao hệ miễn dịch.

Hà Nội và Cà Mau có chỉ số tia cực tím gây hại rất cao

Theo Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia, ngày 6/9, chỉ số tia cực tím (UV) tại khu vực Bắc Bộ ở mức nguy cơ gây hại cao đến rất cao (6.2 - 9.0), khu vực Trung Bộ và Nam Bộ ở ngưỡng trung bình đến cao (5.2 - 7.3), riêng thành phố Cà Mau (Cà Mau) ở ngưỡng cao đến rất cao (6.7 - 9.5).

Cụ thể, từ 10 giờ đến 13 giờ ngày 6/9, chỉ số tia cực tím tại các thành phố ở ngưỡng nguy cơ gây hại rất cao gồm: Thành phố Hạ Long (Quảng Ninh) ở mức 8.8, thành phố Hải Phòng 8.3, Thủ đô Hà Nội 9; thành phố Nha Trang (Khánh Hòa) và thành phố Cần Thơ đều ở mức 7.3, riêng thành phố Cà Mau (Cà Mau) ở mức 9.5.

Dự báo từ ngày 7-9/9, chỉ số tia cực tím cực đại tại các tỉnh, thành phố ở mức nguy cơ gây hại cao đến rất cao (7 - 10), Nam Bộ giảm xuống ngưỡng trung bình đến cao (4 - 6) vào ngày 9/9.

Ngày 6/9, chỉ số nóng bức (Heat - Index) tại thành phố Hạ Long (Quảng Ninh) và thành phố Quy Nhơn (Bình Định) có chỉ số nóng bức ở mức 41-54 (mức nguy hiểm). Với chỉ số này người dân có khả năng say nắng, chuột rút hoặc kiệt sức khi tiếp xúc hoặc hoạt động thể chất kéo dài dưới nắng nóng.

Theo nhiều chuyên gia y tế cho biết, tia cực tím là nguyên nhân lớn gây nên các tình trạng sạm da, tàn nhang, lão hóa... nghiêm trọng hơn, khi tiếp xúc với nắng có chỉ số tia cực tím cao còn có thể gây đục thủy tinh thể và ung thư da.

Để phòng tránh các tác hại của tia cực tím và đề phòng sốc nhiệt, người dân khi làm việc ngoài trời nắng cần trang bị đồ dùng chống nắng như: quần áo bảo hộ lao động, mũ, nón, kính… luôn đảm bảo đủ nước uống, trái cây, rau củ chứa nhiều vitamin C, vitamin A để nâng cao đề kháng.

Nguồn GĐ&XH: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/o-nhiem-khong-khi-tai-ha-noi-va-nhieu-tinh-thanh-vuot-nguong-nhom-nguoi-nhay-cam-can-can-trong-172230906112202554.htm