Ô Diên, thành cũ người xưa

Một ngày cuối năm, từng chùm nắng mùa vàng như tơ óng ánh tỏa xuống mặt đất làm cho màn sương khói mờ ảo của đợt gió lạnh tăng cường tan biến, khiến cho vùng quê ngoại thành Hà Nội trở nên căng tràn nhựa sống.

Đền Văn Hiến

Màu nắng hanh hao chảy dài trên những vòm cây xanh biếc, ruộm vàng những góc tường, vắt ngang những mái ngói thâm nâu, nhảy nhót tung tăng cùng những làn gió thoảng trên cánh đồng hoa cúc vàng mênh mang làm cho chúng tôi quên đi cái lạnh khô se sắt đang nứt nẻ thịt da để tìm về quê hương của Tô Hiến Thành, quan đại thần phụ chính nhà Lý và thăm thú, tìm hiểu, vãng cảnh miền đất một thời từng là kinh đô của nhà nước Vạn Xuân với tên gọi là thành Ô Diên.
Ô Diên thành cũ là một vùng đất rất cổ nay được xác định nằm ở xã Hạ Mỗ huyện Đan Phượng. Cách đây khoảng mười lăm thế kỷ, miền đất từng đóng vai trò là trung tâm chính trị, quân sự quan trọng của triều đình Hậu Lý Nam Đế - Lý Phật Tử. “Đại Việt sử ký toàn thư” của Ngô Sỹ Liên có ghi lại rằng: Năm 557, Lý Phật Tử đem quân xuống miền Đông, đánh nhau với vua Triệu Việt Vương ở huyện Thái Bình, năm lần giáp trận, chưa phân thắng bại mà quân của Phật Tử hơi lùi, ngờ là vua có thuật lạ bèn giảng hòa xin ăn thề. Vua nghĩ rằng Phật Tử là người họ của Lý Nam Đế nên không nỡ cự tuyệt, bèn chia địa giới ở bãi Quân Thần (phường Thượng Cát thuộc quận Bắc Từ Liêm) cho ở phía Tây của nước, Phật Tử dời đến đóng đô ở thành Ô Diên (xã Hạ Mỗ, huyện Đan Phượng). Sau Phật Tử cho con trai là Nhã Lang lấy con gái của vua là Cảo Nương. Vua bằng lòng gả. Vua rất yêu quý Cảo Nương nên cho Nhã Lang ở rể. Trong thời gian ở rể, qua Cảo Nương, Nhã Lang biết được bí mật về sức mạnh móng rồng của Triệu Việt Vương. Sau đó Nhã Lang đã ngầm đổi móng rồng rồi về cùng cha đánh úp nhà vua và chiếm lấy nước. Sau khi chiếm được nước, Lý Phật Tử dời đô về Phong Châu. Lý Phật Tử giao thành Ô Diên cho Biệt suy là Lý Phổ Đỉnh cai quản. Sự kiện chính trị trọng đại này cũng đã được Lê Ngô Cát phản ánh trong “Đại Nam Quốc sử diễn ca” như sau:
“Triệu Vương giáp trận Thái Bình
Lý thua rồi mới thu binh xin hòa
Triệu về Long Đỗ Nhị Hà
Lý về Hạ Mỗ, ấy là Ô Diên
Hai nhà lại kết nhân duyên
Nhã Lang sánh với gái hiền Cảo Nương” …
“Tình con rể nghĩa vợ chồng
Tin nhau ai biết ra lòng lừa nhau
Lâu la mới ngỏ tình đâu
Nhã Lang trộm lấy đầu mâu đổi liền
Trở về giả chước vấn yên
Giáp binh đâu đã băng miền kéo sang
Triệu Vương đến bước vội vàng
Tình riêng còn chửa dứt đường cho qua
Đem con chạy đến Đại Nha
Than thân bách chiến phải ra đường cùng”.

Tượng và đền thờ danh nhân Tô Hiến Thành

Đất Ô Diên thời ấy từng có một vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng khi nằm kề bên ba dòng sông nổi tiếng: sông Hồng, sông Hát, sông Nhuệ. Trước khi trở thành kinh đô của Lý Phật Tử vùng đất này là một địa bàn gắn liền với cuộc kháng chiến chống quân xâm lược nhà Lương của Lý Bí và sau khi Lý Phật Tử dời thành về Phong Châu thì thành Ô Diên vẫn là một quân thành của tướng Lý Phổ Đỉnh. Như vậy ít nhiều đất Hạ Mỗ cũng gắn liền với không ít các sự kiện trọng đại của đất nước trong suốt thế kỷ thứ VI và thứ VII. Đặc biệt, ở vùng đất linh thiêng ấy khoảng năm thể kỷ sau cũng là quê hương của quan Thái úy Tô Hiến Thành (1102 - 1179), một người tài đức vẹn toàn, nổi tiếng là công minh chính trực, từng phụng sự ba triều vua Lý: Lý Thần Tông, Lý Anh Tông, Lý Cao Tông và có nhiều công lao trong việc chống giặc ngoại xâm, mở mang bờ cõi.
Đôi lời nhắc lại về vùng đất đế đô và nhân kiệt một thủa của Hạ Mỗ như vậy cũng là muốn tỏ rõ cái căn cớ, mục đích mà đôi chân đã bị dẫn dụ tìm về. Dường như sự dẫn dụ ấy chẳng phải chỉ riêng mình chúng tôi mà chắc hẳn còn có rất nhiều người cũng vậy từ bao đời nay. Tuy chẳng còn vàng son lộng lẫy nhưng thời nào Hạ Mỗ cũng có không ít những tao nhân mặc khách tìm đến để ngưỡng vọng cùng hoài niệm trong những luyến tiếc:
“Núi sông Lý - Triệu tan tành
Diều bay mấy chốn một mình thương ôi!
Chiến hòa cuộc, phó nước trôi
Cỏ xanh mây biếc loi thoi đầy thành.”
(Ô Diên cổ thành – Khuyết danh)
Chúng tôi dạo bước trên đất Ô Diên thủa nọ thấy Hạ Mỗ hôm nay đã có nhiều đổi thay. Diện mạo của làng quê ngày nào còn thưa thớt dân cư và chưa được trù phú thì nay đã thay da đổi thịt. Nhà cao tầng mọc lên san sát, đường cái rộng thênh thang trải nhựa phẳng lỳ, đen bóng đẹp như phố thị, con mương chảy qua làng và khúc sông thủa xưa sót lại làm thành cái hồ tựa như bán nguyệt được kè đá thoai thoải vững chắc bên đền Văn Hiến, lăng mộ Thái Úy cùng đình Vạn Xuân, chùa Giác Hải, miếu Hàm Rồng … giữa muôn vàn cây xanh đang vươn cành rợp bóng, đêm về lại hòa trong ánh điện tỏa sáng lung linh khiến cho đất Ô Diên xưa đẹp một cách cổ kính mà tráng lệ.
Về Hạ Mỗ hôm nay, ngắm nhìn các công trình, di tích đền đài đã được xếp hạng nhưng mỏi mắt vẫn chẳng thấy dấu vết nào của kinh thành Ô Diên thủa trước. Dấu tích của tiền nhân nay đã vắng bóng. Ngẫm cũng phải thôi, lịch sử đất nước thăng trầm mười lăm thế kỷ đâu phải là ngắn. Ô Diên đi qua tháng năm đằng đẵng với bao bãi bể nương dâu của thời cuộc cùng những với vật đổi sao dời, quân thành vàng son ngày nào cùng những tòa ngang dãy dọc của người xưa khó có thể “trơ gan cùng tuế nguyệt”. Bất giác chúng tôi sực nhớ và đi tìm thành cũ trong nỗi niềm cảm hoài của bao đời thi nhân tiền bối.
“Ô Diên nền cũ dấu khôn tìm
Bia cổ mờ rêu có biếc nêm
Quang Phục hồn thiêng khe suối nghẹn
Cảo Nương mộ vắng tuyết hoa chìm
Được thua sự thể theo hoàn cảnh
Canh cử chòm thôn vẫn cổ kim
Hưng phế người làng đâu hiểu nhẽ
Ngoa truyền vua Triệu tiếng đàn đêm.”
(Quá nhị Mỗ - Ngô Thì Nhậm)
Thế đấy, những dấu tích vật chất thì đã tàn phai và mất đi theo năm tháng nhưng ký ức của người đương thời về thủa xưa thì vẫn còn ẩn hiện đâu đó trong dân gian tựa như lớp trầm tích lắng đọng trong thời gian theo những lời truyền khẩu:
“Làng chúng tôi Đế vương đất cũ
Người chúng tôi Tể phụ ngày xưa”
“Đất này là đất cố đô
Người trung, trung tự thuở xưa đến giờ”.

Lăng mộ Thái sư Tô Hiến Thành

Theo cái mạch chỉ dẫn ấy chúng tôi đi tìm thành cũ đâu đó còn lại trong ký ức của dân gian; trong niềm tự hào của muôn đời con cháu được gửi gắm trên những bức hoành phi, câu đối để ngợi ca tiền nhân còn treo trong những đình, đền, cổ tự; trong sự ngưỡng vọng, tôn thờ của người đời và con dân của Hạ Mỗ.
Bắt đầu là đình Vạn Xuân. Đình nằm ở giữa làng, mặt nhìn về hướng Tây, đối xứng Văn Hiến đường và Tri Chỉ đường. Đình thờ Lý Bát Lang và phối thờ Hậu Nam Đế - Lý Phật Tử và Biệt súy Lý Phổ Đỉnh - đây là các nhân vật nổi tiếng thời Tiền Lý (thế kỷ thứ VI). Đình được xây dựng trên khu đất cao, rộng và có hình thế “quy vờn ngọc”. Đình Vạn Xuân có những nét kiến trúc độc đáo, khác biệt với nhiều ngôi đình nổi tiếng trong vùng. Đình không làm theo kiểu hình chữ nhất, chữ nhị, chữ công, chữ môn mà thiết kế theo kiến trúc kiểu nội công ngoại quốc với các nóc nhà được liên kết chặt chẽ với nhau ở phía trên; hệ thống cửa bức bàn kéo dài, bao quanh mặt trước và cùng tiền sảnh nhà đại đình ở phía dưới tạo thành một hệ thống liên hoàn tựa như một dinh thự, một hành cung của vua chúa thời xưa, nhìn rất cổ kính, sang trọng, trang nghiêm. Trong đình hiện có treo đôi câu đối cổ phản ánh một dấu tích một thời của thành xưa: “Nam Đế Lý triều quốc hiệu Vạn Xuân, diên đình lưu tích thánh/Ô Diên cảnh thắng đô thành nhất thế, quán tự hiển thần linh” (dịch nghĩa: Triều Lý Nam Đế, tên nước là Vạn Xuân, ngôi đình lớn ghi lại tích của đức thánh/ Thắng cảnh đất Ô Diên một thời là Kinh đô, tất cả sự thờ tự rạng rỡ về sự linh thiêng của Thần linh).
Qua đình chúng tôi sang chùa Giác Hải. Đây là ngôi chùa rất cổ, tọa lạc trên một khu đất rộng, bằng phẳng ở phía rìa làng. Theo truyền thuyết, chùa Hải Giác được xây dựng từ thế kỷ thứ VI, cùng thời với kinh đô Ô Diên của nhà nước Vạn Xuân ở Hạ Mỗ. Chùa được kiến trúc theo trục chính là Đông Nam - Tây Bắc. Bên ngoài chùa có hai Tam quan. Tam quan ngoại làm giả theo kiểu hai tầng tám mái. Cổng chùa mở ra phía đường làng. Từ cổng đi vào có con đường dẫn tới một giếng cổ rất to. Giữa giếng có dựng lầu Quan Âm. Bên trái đường là Tam quan nội. Tam quan này xây theo kiểu nghi môn với bốn trụ biểu. Trên thân trụ có các câu đối bằng chữ Hán. Kiến trúc chùa từ Tam quan đi sâu vào bên trong cũng làm theo kiểu nội công ngoại quốc. Phía sân trước có ba bia đá dựng dưới gốc cây bồ đề. Tiếp đến là tòa Phương đình hai tầng tám mái, tầng trên treo bộ chuông, khánh cổ đúc từ thời Gia Long (1802- 1820). Đối diện với Phương đình là nhà Tổ và nhà Mẫu. Hai nhà này có quy mô, kiến trúc giống nhau. Nhà Tổ nằm bên trái, rộng năm gian, xây kiểu tường hồi bít đốc, gian giữa đặt mười tượng sư tổ. Nhà Mẫu nằm ở bên phải, gian giữa có bày bộ tượng Tam phủ (Mẫu Thiên, Mẫu Thủy, Mẫu Nhạc), hai bên là động Sơn Trang và bàn thờ Đức thánh Trần. Sau nhà Mẫu và vườn Tháp. Cách Phương đình một cái sân gạch rộng là tòa Tiền đường. Tiền đường gồm năm gian hai dĩ, gian giữa nối với tòa Thượng điện khá sâu. Hai gian giáp đầu hồi có cửa “thoát tục” dẫn vào hành lang tả và hành lang hữu với dãy tượng gồm mười tám vị La Hán. Hai góc cuối của dãy hành lang nối với tòa Hậu đường rộng bảy gian. Trong Hậu đường có Mật Động. Chùa Hải Giác hiện còn lưu giữ rất nhiều tượng quý, trong đó có năm mươi tượng tròn mang phong cách cuối thời nhà Lê đầu thời nhà Nguyễn. Bên trái Tiền đường có tượng Đức Ông và hai thị giả (Già Lam và Chân Tể); bên phải là Thánh Tăng và hai thị giả là Diệu Nhiên và Đại Sĩ. Góc tường hồi bài trí giống nhau mỗi bên có bốn vị Kim Cương và hai vị Bồ tát. Phía đầu nhà Thiêu hương có Hộ pháp Khuyến Thiện và Hộ pháp Trừng Ác. Dọc theo hai bên là Thập điện Diêm Vương, ở hai góc cuối có Quan Âm Tống tử và Quan Âm Chuẩn đề. Hiện trong chùa cũng còn lưu giữ được đôi câu đối có nội dung ca ngợi thành Ô Diên: “Giáo liệt tam tông Hồng Lạc tảo khai kim thế giới/ Cảnh tiên thập vịnh Ô Diên biệt chiếm ngọc càn khôn” (dịch nghĩa: Ba giáo phái cùng truyền đạo lý, con cháu Lạc Hồng sớm mở hoàn cầu quý như vàng bạc/ Mười bài thơ ca ngợi cảnh về trước, kinh thành Ô Diên giữ riêng trời đất đẹp tựa ngọc ngà).
Kết thúc hành trình vãng cảnh vùng đất đế đô chúng tôi thăm đền Văn Hiến và viếng “Tô Vương lăng Thái sư mộ”. Đền Văn Hiến nằm ở đầu làng, nhìn về hướng Đông, nằm trên khu đất khá cao bên hữu ngạn sông Nhuệ xưa. Cảnh quan đền xanh rợp bóng cây, mát mẻ và thoáng đãng. Khởi đầu đền Văn Hiến là văn chỉ thờ Khổng Tử để biểu dương các vị khoa bảng trong làng. Nhưng sau khi Tô Hiến Thành qua đời, nhân dân Hạ Mỗ đã chôn cất, xây mộ và thờ ông tại đây. Qua nhiều lần sửa chữa, tôn tạo, đền Văn Hiến hiện nay được mở rộng rất nhiều nhưng cơ bản vẫn giữ được những kiến trúc cũ và các giá trị truyền thống như bộ bia Khoa Tràng ghi tên các vị đỗ đạt trong các khoa thi; các bản khắc gỗ in bộ thơ văn “Cổ Kim Truyền lục” do các nhà nho trong làng sáng tác và xuất bản hồi đầu thế kỷ XX cùng nhiều đồ cúng tế, trang trí khác như thần phả, câu đối, hoành phi, long ngai, hương án, đồ tế khí, bia đá, đồ sứ, đồ đồng, tượng gỗ… Tất cả những hiện vật này được xem là những tư liệu văn hóa vô cùng quý giá của Hạ Mỗ.
Đền Văn Hiến ngoài thờ Tô Hiến Thành thì còn thờ Đỗ Trí Trung (đỗ Tiến sĩ năm 1475). Nhìn từ ngoài đường vào ta thấy trên cổng đền có đắp bốn chữ Hán và đôi câu đối. Bốn chữ Hán là “Thánh vực hiền quan” (cõi thánh người hiền). Hai câu đối nội dung cũng lưu ký ức về một thời thành cũ: “Nhuệ thủy giang biên, Văn Hiến thiện đường kim thánh vực/ Ô Diên thành ngoại, Kim Sơn linh tích cổ hiền quan” (dịch nghĩa: Bên bờ sông Nhuệ, Văn Hiến thiện đường nay là cõi thánh/ Ngoài thành Ô Diên, Kim sơn linh tích xưa thuộc cửa hiền. Trong sân đền có tượng danh nhân Tô Hiến Thành. Văn Hiến đường gồm có các nhà: Tiền tế, Bái đường, Hậu cung. Trong Hậu cung có chân dung Khổng Tử và Tam thánh (Văn Xương Đế quân – thần chủ văn chương, Quan Thánh Đế quân (Quan Công), Phu Hựu Đế quân (Lã Đồng Tân, một trong Bát tiên quá hải). Tượng Tô Hiến Thành và Đỗ Trí Trung cùng bài vị Thành hoàng làng. Đặc biệt trong khuôn viên đền còn giữ được lăng mộ của Tô Hiến Thành cùng văn bia bằng đá.
Thái sư Tô Hiến Thành không chỉ là niềm tự hào của làng Hạ Mỗ mà còn của cả đất nước. Đương thời ông là nhà chính trị nổi tiếng. Thời vua Lý Anh Tông ông là tướng chỉ huy dẹp loạn Thân Lợi ở Lạng Sơn. Do có công lao lớn với nhà Lý nên năm 1159 ông được phong chức Thái Úy, ít lâu sau lại được phong Vương. Cùng năm đó giặc Ngưu Hống và Ai Lao xâm chiếm nước ta, ông lại được cử đi ngăn chặn và thắng trận. Năm 1161, ông lại được giao cầm hai vạn quân đi kiểm tra miền Tây Nam và vùng ven biển, trấn áp giặc cướp, giữ yên cương vực. Trong giai đoạn này, ông đã tổ chức cho quân dân khai hoang lấn biển và lập lên nhiều làng mới ven biển thuộc các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa ... Năm 1167, giặc Chiêm lại tấn công nước ta, vua Lý Anh Tông tiếp tục cử ông Nam chinh. Tô Hiến Thành lại một lần nữa ra trận và chiến thắng làm vị thế của quốc gia Đại Việt đương thời trở nên hùng mạnh khiến các nước lân bang phục nể, nhà Tống phải dè chừng. Năm 1175 Khi Lý Anh Tông ốm nặng, trước khi mất, vua có ủy thác cho ông giúp đỡ Thái tử Long Trát. Khi đó Thái tử mới hai tuổi. Bà hoàng hậu Chiêu Linh muốn đưa con mình lên thay đã đem vàng bạc dụ dỗ ông nhưng ông khẳng khái từ chối và nói: “Làm việc bất nghĩa mà được giàu sang; người trung thần nghĩa sĩ lẽ nào lại làm? Huống chi lời nói của vua trước còn văng vẳng bên tai. Tôi không dám vâng lời”. Năm 1179, ông ốm nặng, Tham tri chính sự Vũ Tán Đường ngày đêm hầu hạ chu đáo. Bà Thái hậu họ Đỗ đến thăm nhân tiện hỏi về người thay thế. Ông đáp “Trần Trung Tá có thể làm được”. Thái hậu nói “Tán Đường ngày nào cũng hầu hạ thuốc thang sao ông không nói đến”. Ông đáp “Vì Thái hậu hỏi người thay tôi nên tôi mới cử Trần Trung Tá, nếu hỏi người săn sóc, nuôi dưỡng tôi thì không phải Tán Đường thì còn ai khác nữa!”. Đánh giá về ông, đời sau Phan Huy Chú có viết: “Ông làm quan đầu triều, nhận trọng trách hết lòng hết sức; khéo sử trong khi biến cố, dù sóng đánh đập, lay chuyển mà cột đá vẫn trơ trơ không đổi, cuối cùng khiến cho trên yên, dưới thuận, thực không hổ thẹn với phong độ của bậc đại thần thời xưa”.
Chân bước đi trên đất người xưa, “Cỏ xanh mây biếc loi thoi đầy thành” cũng chẳng còn. Bất chợt trong lòng trào dâng một nỗi niềm hoài cổ và lại nhớ đến câu thơ của Trương Hán Siêu khi dạo chơi trên sông Bạch Đằng thửa xửa:
“Đứng lặng giờ lâu.
Thương nỗi anh hùng đâu vắng tá”
Nghe nói, cách đây vài năm chính quyền Hà Nội công đã công nhận xã Hạ Mỗ là một điểm du lịch. Hy vọng trong tương lai “thành cũ” “người xưa” ở Hạ Mỗ sẽ được nhiều người biết đến và tìm về ngưỡng vọng … Và có cả một ước mơ: “Ô Diên” sẽ được nghiên cứu và phục dựng để cho một thời vàng son không chỉ còn lại trong ký ức.

Phan Anh (Trung tâm GDNN – GDTX Hoài Đức, TP Hà Nội)

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/o-dien-thanh-cu-nguoi-xua-a22567.html