Ổ 'cát tặc' bị triệt phá, xóm làng lại bình yên

Sau những lùm xùm khai thác cát trái phép ở An Giang, người dân xã Bình Phước Xuân, huyện Chợ Mới, nơi Công ty cổ phần Đầu tư Trung Hậu - Tổng 68 hút hàng triệu m3 cát đã bình yên trở lại.

Người dân bớt lo

Ngồi đong đưa võng trước cửa nhà, ông N.V.L (80 tuổi, xã Bình Phước Xuân, huyện Chợ Mới) thấy khỏe hơn vì không còn tiếng máy xáng cạp múc cát đinh tai nhức óc.

"Vui lắm, ngưng khai thác cát, bớt tiếng ồn của máy móc và không còn nơm nớp lo sợ bị sạt lở đất bờ sông", ông L nói.

Xáng cạp và sà lan chở cát tại mỏ cát Bình Phước Xuân, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang.

Ông L cho biết, trước đó ở đây cũng có khai thác cát sông nhưng chưa bao giờ thấy làm rầm rộ như đợt vừa rồi. Đó là đợt khai thác cát của Công ty cổ phần Đầu tư Trung Hậu - Tổng 68, vừa bị dừng và công an bắt các lãnh đạo của công ty do hút cát lậu, hút nhiều hơn khối lượng cấp phép.

Khai thác cát sông.

Gần đó, bà T.T.N.E (70 tuổi, xã Bình Phước Xuân, huyện Chợ Mới) cũng góp chuyện. Bà nói "sống ở đây mấy chục năm rồi, chưa bao giờ thấy tình trạng khai thác cát mà nhiều xáng cạp và sà lan đến vậy".

Ông Đ (83 tuổi) là người phản ứng mạnh nhất khi thấy nhiều xáng cạp và sà lan khai thác cát ào ạt trên sông Tiền thời gian qua.

Ông cho biết, việc khai thác cát phục vụ cho các công trình, dự án để thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển thì dân ai cũng thuận. Nhưng khai thác quá mức, lỡ có sạt lở xảy ra, ảnh hưởng đời sống, "lúc đó chỉ có dân khổ".

Lo quá nên ông ghi tấm bảng treo trước nhà: "Khu vực sạt lở bờ sông nguy hiểm. Đề nghị: Dừng khai thác cát sông".

"Mấy bữa liền cán bộ xã có đến kêu gỡ mà tôi đâu có chịu", ông Đ nói.

Lòng sông lặng sóng

Xã Bình Phước Xuân, huyện Chợ Mới (An Giang) là một vùng làng quê có không gian yên bình, thơ mộng với những vườn xoài xanh ngát.

Giữa không gian yên bình đó, khách lạ sẽ giật mình bởi bảng cảnh báo "Khu vực sạt lở. Nguy hiểm!" được treo đã lâu, bạc màu, rỉ sét.

Hướng con đường đến khu vực Công ty cổ phần Đầu tư Trung Hậu - Tổng 68 khai thác cát không đúng quy định.

Ghé lại nhà dân hỏi khu vực khai thác cát lùm xùm vừa rồi ở đâu, ai cũng biết rành và chỉ dẫn rất tận tình. Có rất nhiều xáng cạp và ghe chở cát khẳm đang neo đậu giữa dòng sông.

Anh Tâm (xã Bình Phước Xuân, huyện Chợ Mới), người chuyên lái ghe đi mua nhu yếu phẩm cho công nhân múc xáng cạp ngoài sông cho biết, thời gian gần đây... thất thu vì mọi hoạt động khai thác cát bị tạm ngưng.

Là người chứng kiến tận mắt cảnh bắt những đối tượng khai thác cát trái phép, anh Tâm kể: "bữa đó bắt dữ lắm, bo bo, vỏ lãi chạy ầm ầm trên sông.

"Chừng 1 tiếng đồng hồ, lực lượng chức năng đã bắt hết những đối tượng đang khai thác lậu số lượng ngoài kia. Mấy ngày qua tuy thất thu nhưng tôi cũng vui vì hết lo sợ cảnh sạt lở", anh Tâm nói.

Lòng sông Tiền mấy ngày qua lặng sóng. Anh Tuấn, người đã 10 năm gắn bó với bến đò ngang đưa người dân từ xã Bình Phước Xuân, huyện Chợ Mới (An Giang) qua tỉnh Đồng Tháp cho biết, việc khai thác cát diễn ra nhiều năm qua, nhưng thời gian gần đây mới rầm rộ.

Bến đò ngang anh Tuấn lái đưa khách qua sông.

Ban đầu chỉ có 2 đến 3 xáng cạp múc cát. Khoảng một năm nay, số lượng xáng cạp tăng lên 13 chiếc. Thời gian hoạt động tùy bữa, có bữa từ 6h sáng đến 6h chiều. Còn có bữa sớm hơn từ 5h sáng đến 5h chiều, không múc ban đêm.

"Mấy ngày nay ngưng hoạt động, người dân ở đây cảm thấy yên tâm. Trước ai cũng sợ khai thác quá mức dẫn đến sạt lở, coi như mất trắng tài sản", anh Tuấn tâm sự.

Đa số người dân đều cho rằng, hoạt động khai thác cát đúng mức để phục vụ cho các dự án, công trình là cần thiết, nhưng phải đảm bảo cuộc sống của người dân và không làm ảnh hưởng đến môi trường mới cần thiết hơn.

Cơ quan điều tra Bộ Công an xác định, Công ty Cổ phần đầu tư Trung Hậu - Tổng 68 chỉ được khai thác tổng khối lượng 1,53 triệu m3 cát để cung cấp cho 4 công trình. Nhưng Lê Quang Bình đã chỉ đạo và tổ chức khai thác tới 4,7 triệu m3 cát, vượt trữ lượng được cấp phép trên 3,2 triệu m3, có trị giá tạm tính khoảng 253 tỉ đồng.
Số tiền thu được, Bình chi cho một số cán bộ cơ quan chức năng, trong đó có Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư, Giám đốc Sở TN&MT Nguyễn Việt Trí.
Để có cát phục vụ công trình, An Giang dự kiến mở lại 6 mỏ cát, trong đó có mỏ cát do Công ty Cổ phần đầu tư Trung Hậu - Tổng 68 khai thác trước đó.
Về vấn đề này, ông T.V.B (72 tuổi, xã Bình Phước Xuân, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) cho biết: "Thật ra tôi không có gì phản đối khi cát được khai thác để phục vụ công trình, dự án Nhà nước. Tôi chỉ mong việc khai thác cát sông đúng theo quy định, đừng để lãng phí tài nguyên quốc gia".
"Người dân lo nhất là chuyện sạt lở, mất trắng nhà cửa, đời sống khó khăn. Do vậy, khai thác cát để khơi thông dòng chảy, cát được dùng đúng mục đích thì dân rất đồng tình", ông B.V.T (45 tuổi, xã Bình Phước Xuân, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) nói.

Hương Ngân

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/o-cat-tac-bi-triet-pha-xom-lang-lai-binh-yen-192230907123223286.htm