Nuôi lợn rừng dưới tán cây cho thu nhập cao

Tận dụng tán cây ở khu vực rừng sản xuất, người dân thôn Ngọc Sơn, xã Hà Bình (Hà Trung) đã xây dựng và phát triển thành công nhiều mô hình chăn nuôi lợn rừng mang lại thu nhập cao.

Đàn lợn của gia đình anh Hoàng Kim Cương.

Đầu năm 1999 anh Đỗ Văn Thuân quyết định phát triển kinh tế bằng mô hình chăn nuôi lợn rừng. Theo chia sẻ của anh, khi còn đang dạy học tại huyện Bá Thước, mỗi lần về quê vào dịp tết anh đều mua lợn rừng về quê cùng người thân và bạn bè ăn tết. Nhờ đó, giúp anh hiểu được chất lượng, hiệu quả kinh tế của việc nuôi lợn rừng cũng như nhu cầu của người tiêu dùng. Vì vậy, sau khi chuyển công tác về dạy học tại quê nhà, sẵn có kiến thức về chăn nuôi lợn rừng, anh quyết định đầu tư mô hình này.

Trên diện tích 7.000m2 đất rừng sản xuất của gia đình, nằm dưới chân núi Rào, trong đó khoảng 1/4 diện tích đã được trồng lim, lát và cây ăn quả, tận dụng dưới tán cây anh mua thép B40 quây xung quanh đề thả lợn. Diện tích còn lại anh trồng ngô, cỏ voi và chuối, phục vụ cho việc chăn nuôi. Lứa lợn đầu tiên, anh nuôi 8 con, sau 1 năm nuôi thả, đàn lợn có trọng lượng 28kg với giá bán 130.000 đồng/kg, anh thu về trên 32 triệu đồng.

Từ thành công ban đầu, anh quyết định tăng đàn. Để phục vụ việc chăn nuôi, ngoài học hỏi kinh nghiệm của những người chăn nuôi lợn nái sinh sản, anh còn tìm hiểu qua các tài liệu sách báo, qua truyền hình (Chuyên mục Nhà nông)... nhờ đó đàn lợn rừng của gia đình sinh trưởng tốt, hiện có 100 con, vừa nuôi thương phẩm, vừa kết hợp với bán con giống. Theo anh Thuân, từ khi triển khai mô hình nuôi lợn rừng đến nay, mỗi năm gia đình anh có thu nhập hàng trăm triệu đồng.

Anh Hoàng Kim Cương ở cùng thôn cũng phát triển mô hình chăn nuôi lợn rừng dưới tán cây. Anh Cương cho biết: "Trên diện tích 2ha đất trồng keo của gia đình, năm 2019 tôi quyết định đầu tư, chăn nuôi lợn rừng. Để có nguồn thức ăn cho đàn lợn, ngoài dành phần diện tích nhất định để trồng cỏ voi, chuối, tôi còn hợp đồng với hộ kinh doanh chuyên cung cấp bã bia lấy thêm nguồn thức ăn cho lợn".

Nhờ chăm chỉ, chịu khó, sau 5 năm phát triển mô hình, đến nay đàn lợn của gia đình anh Cương có 100 con. Trong đó có 22 lợn nái sinh sản, còn lại là lợn thương phẩm. Theo tính toán của anh Cương, sau khi trừ chi phí, mô hình nuôi lợn rừng dưới tán cây cho thu nhập trên 200 triệu đồng/năm.

Được biết, ngoài anh Thuân, anh Cương trên địa bàn thôn Ngọc Sơn, xã Hà Bình còn có 8 hộ khác nuôi lợn rừng.

Nói về hiệu quả của việc chăn nuôi lợn rừng dưới tán cây của người dân trên địa bàn xã, Chủ tịch UBND xã Hà Bình Nguyễn Thành Đô cho biết: Với lợi thế 261ha rừng, trong đó rừng phòng hộ có 40ha, còn lại là rừng sản xuất, nhận thấy nuôi lợn rừng chi phí đầu tư thấp, ít xảy ra dịch bệnh, giá bán cao và luôn ổn định, từ năm 2015 một số hộ dân thuộc địa bàn thôn Ngọc Sơn đã phát triển mô hình chăn nuôi lợn rừng và đem lại hiệu quả rõ rệt. Qua nắm bắt từ các hộ cho thấy, nuôi lợn rừng sau 1 năm sẽ được xuất bán với trọng lượng từ 25 - 30 kg/con, giá bán hiện nay 130.000 đồng/kg, đem lại khoản thu nhập cho các gia đình hàng trăm triệu đồng/năm, nếu là hộ nuôi quy mô 100 con. Đây là khoản thu nhập không nhỏ.

Bài và ảnh: Minh Lý

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/nuoi-lon-rung-duoi-tan-cay-cho-thu-nhap-cao/206248.htm