Tiến sĩ trẻ 'say nắng' con 8 cẳng 2 càng

Dáng người nhỏ nhắn, nước da ngăm đen, nhưng hay cười, trang phục chuẩn một nông dân, ít ai ngờ, anh Nguyễn Việt Bắc (38 tuổi) là tiến sĩ chuyên ngành thủy sản, giảng viên Trường Cao đẳng Cộng đồng Cà Mau. Anh đã dành trọn 10 năm tìm cách nâng giá trị cua Cà Mau.

Con cua lời được một cây vàng

Anh Nguyễn Việt Bắc được bạn bè, người thân đặt cho biệt danh "tiến sĩ cua". Bởi, cả nghiệp học của anh là “cùng ăn, ngủ với con cua”. Năm 1997, vùng quê huyện Đầm Dơi (Cà Mau) nơi gia đình anh sinh sống bắt đầu chuyển dịch sang nuôi tôm, cua. Sự chuyển đổi sản xuất đó cũng dịch chuyển đam mê, khát vọng trong chàng trai Nguyễn Việt Bắc với mong gia đình mình và người dân quê khấm khá lên từ con tôm, con cua. Từ đó, anh chọn thi và học chuyên ngành Nuôi trồng thủy sản của Trường Đại học Cần Thơ.

“Tiến sĩ cua” Nguyễn Việt Bắc đang đào tạo nhiều học viên, sinh viên về mô hình nuôi vỗ béo cua Cà Mau

Năm 2008, chàng sinh viên năm ấy đi thực tập tại Trại sản xuất giống giáp xác của trường, rồi nhìn thấy “con cua ôm trứng” lạ mắt, nên anh quyết định chọn nó làm đề tài tốt nghiệp. Qua 7 lần ương (chăm, ươm - PV) ấu trùng cua biển thất bại, tới lần thứ 8, anh đã thành công, đạt tỷ lệ sống tới 10% - một kỳ tích chưa ai làm được ở thời điểm đó trong ương giống cua.

Với kết quả học tập ấn tượng, cử nhân Bắc được giữ lại trường làm giảng viên trợ giảng Trường Đại học Cần Thơ. Song song với công việc trợ giảng, năm 2010, anh Bắc mở thêm trại nhân giống cua tại quê nhà (ở xã Tân Tiến, huyện Đầm Dơi). “Thời điểm đó, con cua giống có thể lời được một cây vàng, tức khoảng 30 - 40 triệu đồng/lứa, nhưng giống cũng không đủ để bán”, anh Bắc nói. Sau đó, giá cua giống giảm dần, lại dễ mắc bệnh, rủi ro cao, trong khi công việc tại trường đại học quá bận rộn, thêm tốn nhiều chi phí đi về giữa Cà Mau - Cần Thơ.

Sau nhiều đêm trăn trở chọn lối đi, anh Bắc quyết định đóng cửa trại giống sau 4 năm lập nghiệp để học tiếp lên thạc sĩ, rồi tiến sĩ. Nhận bằng tiến sĩ vào năm 2015, anh Bắc về làm việc tại Trường Cao đẳng Cộng đồng Cà Mau. Tại đây, người thầy được đặt biệt danh “tiến sĩ cua”, miệt mài nghiên cứu nâng giá trị cho cua đặc sản của quê mình. Rồi anh bắt tay thực hiện dự án nuôi vỗ béo cua hai da (cua sắp lột xác - PV), cua thịt và cua gạch trong hệ thống bể nước tuần hoàn, dự án duy nhất trên cả nước thời điểm đó.

Anh Bắc phân tích, con cua thịt sau vỗ béo trong bể có tỷ suất lợi nhuận trên vốn bình quân từ 50 - 60%. Đặc biệt cua hai da có tỷ suất lợi nhuận lên tới 65 - 120% (tùy thời điểm giá thị trường). Mô hình này mang lại lợi nhuận trung bình cho người nuôi từ 60 - 70 triệu đồng/năm/4m2 bể nuôi.

“Ăn bánh cua chan nước mắt”

Trong 10 năm nghiên cứu, thử nghiệm nhân giống, nuôi vỗ béo cua, tiến sĩ Nguyễn Việt Bắc cũng trải qua nhiều cung bậc của thất bại - thành công. “Gần Tết Nguyên đán 2013, tôi nuôi vỗ béo khoảng 100kg cua, sẵn sàng xuất bán dịp Tết với giá cao. Mọi thứ đều thuận lợi cho đến đêm 22 tháng Chạp (Âm lịch), chỉ chờ sáng hôm sau xuất bán với giá 800.000 đồng/ký, lợi nhuận to. Sáng ra, đập vào mắt là cả đàn cua trong bể chết sạch. Tìm hiểu kỹ mới phát hiện có 2 con cua cắn nhau chết từ bao giờ, xác cua làm nảy mầm vi khuẩn và lan ra cả bể. Tiếc của, gia đình đành làm bánh cua ăn, đó là bữa bánh cua chan nước mắt”, anh Bắc nhớ lại kỷ niệm rất khó quên đó. Anh cũng thừa nhận, qua 10 năm tìm tòi, nghiên cứu, gia đình thường xuyên phải ăn cua luộc, ngán tận cổ.

Trong quá trình nuôi vỗ béo cua, khó tránh một số cua bị gãy càng, khi xuất bán bị thương lái ép giá, bán lỗ. Anh Bắc lại trăn trở, phát triển ra các sản phẩm mới có giá trị gia tăng cho cua gãy càng, từ đó các sản phẩm chả cua, chà bông cua, thịt cua làm sẵn, bánh phồng cua… thương hiệu gia đình ra đời. Tất cả sản phẩm này đều từ 100% thịt cua sống, không sử dụng phẩm màu, chất bảo quản. Thu nhập từ các sản phẩm phụ này từ 10 - 20 triệu đồng/năm. Tuy mới là bước khởi đầu, vợ chồng anh Bắc đã thu lợi nhuận khoảng 100 triệu đồng/năm từ việc nuôi cua vỗ béo và các sản phẩm phụ của gia đình, sau khi trừ tất cả các khoản phí.

Qua những lần thất bại, tiến sĩ Bắc tiếp tục nghiên cứu, tìm tòi hoàn thiện công nghệ nuôi cua vỗ béo của mình. Anh đã đầu tư thêm hệ thống tách phần đầu cấp nước và đầu xả, để hạn chế thiệt hại cả đàn khi không may có con bị nhiễm bệnh. Giờ đây, hệ thống lọc nước tuần hoàn còn thêm đèn diệt khuẩn tia UV. Với cách làm này, bể của anh Bắc gần như không phải thay nước, tận dụng được diện tích nhỏ để nuôi nhiều cua hơn. Giá thành cua thành phẩm sau vỗ béo xuất bán gấp từ 4 - 5 lần so với giá trị cua nguyên liệu anh mua vào.

Tiến sĩ cua Nguyễn Việt Bắc dự định, trong năm nay sẽ xây dựng trang trại nuôi cua với quy mô 10.000 con. Trong tương lai, anh cũng mong muốn liên kết các xã nghèo của tỉnh nhằm nâng quy mô, hướng dẫn công nghệ nuôi cho những hộ dân có nhu cầu. Sau đó, anh sẽ bao tiêu sản phẩm và cung ứng cho thị trường.

Dự án “Nuôi thâm canh cua cốm (hai da), cua lột, cua gạch, cua thịt và các sản phẩm giá trị gia tăng từ cua biển, kết hợp với du lịch trải nghiệm” của nhóm TS. Nguyễn Việt Bắc, mới đây đã giành giải Nhì tại cuộc thi khởi nghiệp tỉnh Cà Mau năm 2023.

Tân Lộc

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/tien-si-tre-say-nang-con-8-cang-2-cang-post1633531.tpo