Nước tăng lực Red Bull 'thống trị' Giải đua F1, nguy cơ làm hỏng tương lai giới trẻ?

Xu hướng nhiều sự kiện thể thao lớn trên thế giới như giải đua xe F1, FIFA World cup hay thế vận hội Olympic đang nhận tài trợ nhiều hơn từ các nhãn hàng nước ngọt làm dấy lên quan ngại về ảnh hưởng xấu của các loại đồ uống không lành mạnh đến giới trẻ.

Max Verstappen tại giải đua F1 hôm 16/6. (Nguồn: SCMP)

Theo The Conversation, mùa giải đua Công thức 1 (F1) năm nay kết thúc với chiến thắng thuộc về tay đua Max Verstappen, của đội Red Bull. Từng là sự kiện thể thao nhận được lượng tiền tài trợ khủng từ các công ty thuốc lá, giờ đây quán quân của bộ môn này lại được chu cấp bởi một hãng nước tăng lực.

Xét về mặt thương mại, cũng dễ hiểu bởi bất kỳ thương hiệu toàn cầu nào cũng muốn trở thành tâm điểm thu hút sự quan tâm của giới hâm mộ, nhất là ở bộ môn thể thao hào nhoáng, cực kỳ kích thích và đầy kịch tính đối với người xem như giải đua F1.

Để thực hiện được điều này, thương hiệu Red Bull đã phải tính toán các bước đi rất cẩn thận và tỉ mỉ.

Tự tạo nên thị trường riêng

Hành trình trong làng đua xe của những “chú bò tót màu đỏ” mở đầu bằng việc tài trợ một đội đua xe công thức một có tên Sauber vào năm 1995. Sau đó, Red Bull mở rộng sự hiện diện khi tiếp tục "rót" tiền vào các đội khác như Jaguar Racing (năm 2004) và Minardi (năm 2005) với mục đích chính là thành lập đội đua xe của riêng hãng, Torro Rosso (tiếng Italy có nghĩa là Red Bull), sau này được đổi thành AlphaTauri.

Tất cả những sự thành công của Red Bull trong tiến trình chinh phục giải đua F1 được đúc ra từ chính hành trình xây dựng thương hiệu của hãng. Ra mắt tại Áo năm 1987, một chiến dịch truyền thông tài tình được chuẩn bị kỹ lưỡng đã giúp Red Bull trở thành thương hiệu lớn nhất trong ngành công nghiệp nước tăng lực, trị giá hàng tỷ bảng Anh mỗi năm.

Nhà sáng lập của Red Bull, Dietrich Mateschitz, chia sẻ với tạp chí Forbes vào năm 2005: “Khi chúng tôi mới khởi nghiệp, thị trường không có chỗ đứng cho Red Bull. Chúng tôi đã tự tạo ra thị trường cho chính mình”.

Hiện Red Bull đã trở thành hãng nước ngọt có ga lớn thứ ba thế giới, sau Coca-Cola và Pepsi, với 9,8 tỷ lon nước được bán ra toàn cầu vào năm 2021, và khao khát mở rộng chưa bao giờ bị dập tắt.

Niềm đam mê của cổ động viên tại Grand Prix, Áo. (Nguồn: Shutterstock)

Tận dụng lợi thế của thể thao

Năm 2020, Red Bull đã chi tiêu 1,6 tỷ Euro, chiếm hơn 25% doanh thu hàng năm của công ty, cho hoạt động tài trợ và truyền thông, với mục tiêu là giới trẻ - nhóm đối tượng mà ban điều hành công ty xem là “béo bở” và “hấp dẫn”. Không chỉ Red Bull mà các đối thủ của họ cũng dành ra rất nhiều tiền để thuyết phục các bạn trẻ Gen Z và Gen X rằng nước tăng lực là thứ cần thiết để bắt kịp với nhịp sống hiện đại ngày nay.

Lý do mà các môn thể thao trở thành một công cụ truyền thông hiệu quả là nhờ vào ba yếu tố. Đầu tiên, thể thao có sức hút cực lớn với giới trẻ. Như nền công nghiệp thuốc lá đã chứng minh suốt thế kỷ XX, việc thu hút người tiêu dùng khi họ còn trẻ sẽ giữ chân họ được lâu hơn, có thể khiến khách hàng trung thành với nhãn hàng cả đời (mặc dù quãng thời gian này của những người hút thuốc thì khá ngắn ngủi).

Thứ hai, các môn thể thao có lượng khán giả đông đảo do chúng xuất hiện trên mọi phương tiên, dù là ngày hay đêm. Nhờ nắm bắt được sức hút lớn của thể thao mà “ông trùm” Rupert Murdoch đã xây dựng nên đế chế truyền thông của riêng mình, bao gồm kênh truyền hình cáp Fox News hay tờ the Wall Street Journal.

Cuối cùng, các môn thể thao giúp truyền cảm hứng nuôi dưỡng trong lòng người hâm mộ niềm đam mê và sự tận tụy, những phẩm chất mà các thương hiệu muốn khoác lên sản phẩm của họ.

Nước tăng lực 'thống trị' giải đua công thức 1. Ảnh vận động viên Max Verstappen. (Nguồn: LAPRESSE/Marca)

Hình thành những thói quen xấu

Tuy vậy, có một khía cạnh đáng chú ý khác trong mối quan hệ mật thiết giữa thể thao và tiếp thị, đó là những tác động tiêu cực đến người hâm mộ.

Việc này xảy ra khi các chính phủ hạn chế việc quảng bá các thương hiệu kiểu này ở nhiều lĩnh vực thì thể thao lại được lơ đi, ngay cả khi rõ ràng mục tiêu tiếp cận của chúng là hướng đến giới trẻ - như trong trường hợp của nước tăng lực.

Những loại đồ uống này chứa một lượng lớn đường và caffeine. Căn cứ khoa học cho thấy, việc tiêu thụ chúng thường xuyên sẽ ảnh hưởng rất xấu đến sức khỏe tinh thần, thể chất và cả trình độ nhận thức của con người, đặc biệt là giới trẻ.

Một vài quốc gia, bao gồm Lithuania, Thụy Điển và Thổ Nhĩ Kỳ, đã áp dụng quy định/luật giới hạn độ tuổi khi mua bán đồ uống tăng lực. Tại Anh, chính phủ đề xuất một kế hoạch tương tự vào năm 2019, mặc dù nhận được rất nhiều sự ủng hộ từ phía công chúng nhưng đến nay vẫn chưa có sự thay đổi nào.

Ngành công nghiệp thể thao tốn nhiều tiền để duy trì hoạt động, vì vậy họ rất cần sự tài trợ từ các doanh nghiệp. Dù vậy, nếu các bộ môn này tìm được những nguồn tiền khác ngoài việc quảng bá cho các sản phẩm không lành mạnh thì đó sẽ là một ích lợi lớn đối với xã hội.

Hiện tại, những người hâm mộ thể thao trẻ tuổi vẫn đang nhiệt tình và trung thành với việc sử dụng hàng hóa của các nhãn hàng mà họ coi là “ngầu, tốt bụng, và hào sảng”. Tuy nhiên, điều này rồi sẽ dẫn đến những thói quen tiêu dùng xấu như: sử dụng đồ ăn vặt, nước tăng lực, đồ uống có cồn hay đánh bạc thường xuyên trong tương lai.

(lược dịch)

Nguyễn Trọng Nghĩa

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/nuoc-tang-luc-red-bull-thong-tri-giai-dua-f1-nguy-co-lam-hong-tuong-lai-gioi-tre-235008.html