Nước ơi...

“Nước ơi” có lẽ là tiếng kêu đầy cảm thán của dân nghèo năm nay, trong hạn và cả trong lũ. Nhưng “nước ơi” đâu chỉ là dòng nước vật chất, để làm dịu cơn khát của đất hay sự hung hãn từ thiên nhiên, mà còn hình như là tiếng kêu đau sâu thẳm.

Mùa hạ vừa qua, miền Tây bị hạn mặn. Hình ảnh những cánh đồng cây ăn trái, lúa héo hắt, dân đói, cứ ngóng nước thượng nguồn sông Mêkông đổ về để đẩy mặn. Dân cần nước. Nhưng nước không thấy về để cứu đất, cứu ruộng, cứu vườn. Khi mùa nước về, thì lại chẳng thấm tháp vào đâu. Dân miền Tây nói rằng, cứ thế này thì kể từ nay đã không còn mùa nước nổi nữa. Hình thái nông nghiệp thay đổi vì nước. Tập quán, loại hình canh nông cũng thay đổi vì nước. Đời sống cư dân xáo trộn vì nước. Và rồi đây văn hóa châu thổ đồng bằng này cũng thay đổi vì nước. Rồi bản đồ cũng sẽ thay đổi vì nước.

Nước, trong bối cảnh những vùng hạn, hạn mặn là chuyện mấu chốt tháo gỡ khó khăn. Nhưng ai cũng biết, lưu lượng nguồn nước dòng Mêkông ngày nay được đặt nằm trong tay những quốc gia đầu nguồn. Nguồn nước phụ thuộc vào chính sách khai thác thủy năng của láng giềng. Khi “thế nước” vùng hạ lưu không đủ mạnh để đối thoại, thay đổi cục diện sử dụng tài nguyên chung, thì cư dân chịu thiệt. Chúng ta trách móc những nước thượng nguồn ích kỷ, không có trách nhiệm quốc tế, thất nhân tâm khi triệt để khai thác dòng chảy theo cách chỉ biết đến lợi ích của mình, bất kể thiệt hại gây ra cho cư dân nghèo ở các quốc gia khác.

Nghĩ vậy cũng đúng. Lên tiếng cũng cần thiết, nhưng chỉ là nói với nhau thôi, không giải quyết được gì cả. Đòi người xứ khác thương dân mình là chuyện khó trong bối cảnh khu vực, sự tranh chấp tài nguyên diễn ra trắng trợn, trần trụi từng ngày từng giờ và trong từng lãnh thổ trong tương quan với tài nguyên, ta vẫn đang thấy cảnh bất bình đẳng - mạnh được yếu thua, giàu được nghèo thua.

Chỉ có dân chịu thiệt, ngửa cổ lên trời mà gào hai tiếng “nước ơi”.

Cũng vậy, hai tiếng “nước ơi” cất lên nơi vùng lũ miền Trung tuần qua cũng là tiếng kêu đau.

Dân vẫn ngửa mặt than thở “nước ơi” khi biết, lần này, nước tàn phá đời sống của họ không phải là dòng nước được kiểm soát bởi những quốc gia hẹp hòi khác, mà chính trong kế sách phát triển hẹp hòi bất bình đẳng. Thủy điện như quả bom nước treo lơ lửng trên đầu những vùng dân cư bấy lâu vốn yên bình và ổn định. Thủy điện khiến dân hạ nguồn sống trong sợ hãi và bất an. Chính họ nhận lấy toàn bộ mất mát khi xảy ra sự cố hoặc xả đập, trong khi nguồn lợi từ thủy điện lại rót vào túi những nhà đầu tư xa lạ. Cái cách trả lời “xả lũ đúng quy trình” lạnh lùng của nhà quản lý thủy điện xem ra không có gì xa lạ nữa.

Hơn 30.000 ngôi nhà chìm trong nước. Toàn dân ở nhiều vùng địa phương thuộc Hà Tĩnh, Quảng Bình phải chạy lũ.

“Nước ơi”, cũng từng là tiếng kêu đau đớn trong rất nhiều vụ bê bối môi trường, từ Formosa đến cá chết trắng sông rạch do chất thải. Môi trường nước đang bị đe dọa vì chính sách phát triển thiếu hài hòa.

Nước, từ một cổ mẫu văn hóa, trở thành một mối ám ảnh của đời sống hiện tại khi đường vào tương lai không được thiết kế bằng những nhịp cầu bền vững. Từ đó mà trong tiếng kêu than “nước ơi” của dân lành, nước không chỉ có nghĩa một hình thái vật chất!

Nguồn Saigon Times: http://thesaigontimes.vn/152841/nuoc-oi.html/