Nước Nga sau 60 năm của câu nói 'Hãy đi nào'

Nước Nga và cả nhân loại nói chung vừa kỷ niệm 60 năm ngày con người lần đầu tiên bay vào vũ trụ. Phi hành gia người Nga Yuri Gagarin đã nói 'Hãy đi nào!' (Poyekhali!) khi tàu vũ trụ Vostok 1 khởi động vào ngày 12-4-1961 đã trở thành câu nói huyền thoại và được người Nga sử dụng thường xuyên. Chuyến bay của nhà du hành vũ trụ Liên Xô đã giúp ông trở thành một nhân vật lịch sử được ngưỡng mộ nhất của Nga.

Tàu vũ trụ Soyuz TMA-7 của Nga thực hiện nhiệm vụ trên không gian vũ trụ. Ảnh: Thegreenj

Sau 6 thập kỷ, giới khoa học vũ trụ vẫn thường đánh giá rằng, thành tích của phi hành gia Yuri Gagarin đã thúc đẩy cuộc chạy đua không gian giữa Liên Xô và Mỹ. Chuyến bay vòng quanh trái đất trong không gian của ông Yuri Gagarin chỉ vọn vẹn trong 108 phút nhưng đã mở ra kỷ nguyên mới của nhân loại với nỗ lực chinh phục không gian.

Trong không khí kỷ niệm cột mốc 6 thập kỷ, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov hồi tưởng về chiến công hào hùng của Nga và khẳng định rằng, chuyến bay của phi hành gia Yuri Gagarin đã mở ra kỷ nguyên mới trong biên niên sử văn minh nhiều thế kỷ, đóng góp to lớn vào sự phát triển tiến bộ của nhân loại. Chuyến bay cũng minh chứng cho nỗ lực vượt mọi trở ngại để thực hiện những mục tiêu cao cả nhất. Đại hội đồng Liên hợp quốc cũng đã lấy ngày 12-4 trở thành Ngày Quốc tế bay vào vũ trụ của con người.

Nhìn về tương lai, Ngoại trưởng Lavrov cho rằng, sự hợp tác quốc tế trong lĩnh vực vũ trụ không gian nên là một vấn đề quan trọng hàng đầu trong chương trình nghị sự quốc tế. Bản thân Nga với tư cách là nước đi đầu vẫn luôn kiên định lập trường nhất quán là bảo vệ quyền bình đẳng của các quốc gia về tiếp cận không gian vũ trụ, cũng như bảo tồn không gian cho các thế hệ tương lai. Đặc biệt là ủng hộ cơ chế pháp lý cấm triển khai bất kỳ loại vũ khí nào trong không gian vũ trụ, sử dụng vũ lực hoặc đe dọa từ vũ trụ. Những sáng kiến về lĩnh vực này của Nga đã được 30 quốc gia chính thức tham gia. Theo thông điệp của Chính phủ Nga, phát triển nền công nghiệp vũ trụ cần bám sát vào tinh thần hữu nghị, tin cậy và hiểu biết lẫn nhau giữa các quốc gia và dân tộc.

Đánh giá về thực trạng nền công nghiệp vũ trụ Nga sau 60 năm, giới chuyên gia vũ trụ Nga khẳng định, việc đưa con người đầu tiên vào không gian năm ấy vẫn là một thành tựu quan trọng của chương trình không gian của Liên Xô, Tuy nhiên, trong những năm gần đây, ngành công nghiệp vũ trụ của Nga đã gặp nhiều khó khăn và hàng loạt rủi ro. Nhiều dự án được công bố rồi trì hoãn vì vướng vào các vấn đề về kinh phí hoặc sự trì trệ của bộ máy nhà nước. Trong khi đó, Chính phủ Nga dường như dành nhiều tâm sức vào các dự án quân sự hơn là khám phá không gian.

Giới quan sát nêu một ví dụ điển hình là tàu vũ trụ Soyuz “già cỗi” với hơn 100 lần phóng lên quỹ đạo vũ trụ kể từ thập niên 60 của thế kỷ trước, đến nay vẫn đang hoạt động đi đến Trạm vũ trụ quốc tế (ISS). Được công bố lần đầu vào năm 2009, dự án thay thế tàu Soyuz đã nhiều lần “trễ hẹn”. Ngay cả tên gọi của con tàu thay thế này cũng đã được đề xuất thay đổi nhiều lần. Dù giới chức vũ trụ Nga khẳng định con tàu mới sẽ mạnh mẽ hơn, song, giới chuyên gia nhìn nhận, sẽ còn rất lâu nữa con tàu mới có thể cất cánh.

Chuyên gia vũ trụ Nga Vitaly Yegorov chia sẻ, quá trình phát triển kéo dài dự án con tàu mới hầu như không có gì đáng ngạc nhiên do những khó khăn về kỹ thuật, các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với ngành công nghiệp vũ trụ Nga và thiếu kinh phí cho chương trình không gian.

Chuyên gia vũ trụ Nga Vadim Lukashevich bày tỏ, Tổng thống Nga Vladimir Putin lâu nay không dành nhiều tâm trí cho việc khám phá không gian, thay vào đó là ưu tiên các dự án quân sự, đặc biệt, ông Putin thường có nguồn cảm hứng rất lớn đối với phát triển tên lửa và vũ khí siêu thanh. Vì vậy, trong khi chi tiêu quốc phòng của Nga đã tăng đáng kể trong 2 thập kỷ qua, thì Cơ quan Vũ trụ Liên bang Nga Roscosmos lại chứng kiến ngân sách giảm dần qua từng năm.

Thanh Trúc

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/nuoc-nga-sau-60-nam-cua-cau-noi-hay-di-nao-post438886.html