Nước mắt người trồng sưa

Ba năm trước đây, sau khi những thương lái đánh xe ô tô tải đến làng xin mua những cây sưa vốn là loại cây "trồng cho có" trong vườn nhà với giá hàng chục triệu đồng, hàng trăm hộ dân ở xã Tam Quan (huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc) bỗng "đổi đời" với cục tiền như "trên trời rơi xuống". Nhiều nhà phá vườn nhãn, vải… đổ xô đi ươm giống cây sưa với giấc mơ giàu sang. Ba năm sau, khi "cơn điên" gỗ sưa đã qua, nhiều hộ dân từng cầm sổ đỏ, đi vay nặng lãi… để lấy tiền ươm sưa nay ngậm ngùi "ăn quả đắng" khi giá loại cây giống từng được gọi là "cây bạc tỉ" nay rớt từng ngày, bán không ai mua. Hậu cơn sốt gỗ sưa là nợ nần chưa biết khi nào trả được, là bài học đắng cay về chụp giật.

Thời "vàng son" nhờ cây sưa Bà Năng Thị Chinh (58 tuổi, ngụ thôn Quan Ngoại) nhớ lại, cuối năm 2006, cơn sốt gỗ bắt đầu xuất hiện tại Tam Quan. Hàng ngày có đến hàng chục chiếc ô tô từ các vùng khác đến lùng cây sưa. Những cây sưa hàng chục năm tuổi trồng trong vườn thi nhau được hạ xuống bán cho các thương nhân. "Nhiều nhà trong xã bán được những cây sưa với giá lên tới cả trăm triệu đồng. Chúng tôi không thể ngờ loại cây trồng để cho khỏi trống đất lại có giá trị cao đến vậy. Thấy được giá, có người còn tháo cả giường, tủ, ghế, hoành phi câu đối... làm bằng gỗ sưa ra để bán. Nhiều gia đình đổi vận nhờ cây sưa", bà Chinh nói. Theo bà Chinh, sau khi những cây sưa trồng trong vườn nhà đã được bán, người ta mới nghĩ ra cách ươm giống cây. Đầu năm 2007, một người dân trong xã đã ươm thành công lứa sưa giống đầu tiên. Người người, nhà nhà trong xã đua nhau "ăn theo". Nhiều gia đình còn phá bỏ những vườn nhãn, vải đã đến tuổi cho thu hoạch để chạy theo giống cây mới này. Những lứa sưa giống ra lò đến đâu hết đến đấy. Thậm chí nhiều người từ miền Nam, miền Trung cũng lặn lội quãng đường hàng ngàn cây số đến Tam Đảo mua giống cây bạc tỉ về trồng với mong muốn thành tỉ phú. Chỉ trong vòng một năm, vùng Tam Đảo đã trở thành vùng "chuyên canh" sưa lớn nhất miền Bắc. Bác Nguyễn Văn Trịnh (ngụ thôn Quan Nội) kể lại: "Ngày ấy, thậm chí các thương lái còn chửi mắng nhau vì tranh giành mua sưa giống. Nhiều người đến nhà tôi từ 3 - 4h sáng để đợi mua cây con, cứ mỗi cây con cao khoảng 10 - 15 cm có giá từ 20 - 40 ngàn đồng. Có nhà ươm 4 vạn cây chỉ trong thời gian chưa đầy nửa năm đã cho thu nhập lên đến gần 200 triệu đồng". Ngày ấy, không chỉ sốt gỗ sưa, sưa giống mà cả hạt sưa cũng được nhiều lái buôn thu mua với giá "trên trời". Đỉnh điểm nhất là một lái buôn trả giá 19 triệu/kg hạt sưa đã bóc tách. "Giá vàng năm ấy là hơn 10 triệu/cây. Như vậy 1kg sưa có giá gần bằng 2 cây vàng", bà Chinh nhẩm tính. Để bóc tách được 1 kg hạt sưa thì cần đến 15 kg quả sưa. Như vậy, mỗi cân quả sưa trên cây có giá hơn 1 triệu đồng. Xã Tam Quan thời gian ấy cũng rộ lên phong trào đi lùng quả sưa. Sau khi vặt hết quả cây trong vườn nhà, họ "hành quân" đến các vùng khác để đi tìm quả sưa. Có nhiều người quấn khăn gói, lặn lội hàng tháng trời lên các vùng núi Tây Bắc để vặt quả sưa đem về bán cho các lái buôn hoặc các gia đình ươm sưa giống. Người dân làng Chanh vẫn còn nhắc đến "kỳ tích" của anh Phạm Văn T. (30 tuổi) sau 3 tháng "lên rừng xuống núi" ở khắp miền Bắc đã kiếm được gần 200 triệu từ việc bán quả của loại cây này. "Ăn quả đắng" Người dân Tam Quan hỉ hả với những đồng tiền kiếm được từ cây sưa, nhiều đến nỗi trước đây họ có nằm mơ cũng không bao giờ thấy. Sau năm đầu "trúng quả", người dân trong xã đầu tư tiền gấp 5, gấp 10 lần để ươm sưa giống. Thậm chí, có những gia đình thế chấp sổ đỏ, đi vay nặng lãi về mở rộng quy mô trồng "cây quý". Thế nhưng như lời bà Chinh nói: "Có lẽ cái gì đến nhanh nó cũng sẽ đi nhanh". Hai năm sau đó, khi cơn sốt gỗ sưa đã qua đi và cung vượt cầu, các lái buôn bỗng nhiên "trở mặt". Hàng trăm vườn sưa giống đã được ươm lên, lá xanh mơn mởn nhưng chẳng ai thèm ngó ngàng tới. Người dân Tam Quan quặn lòng nhìn những mầm giống của loại cây mang hi vọng giúp họ đổi đời chết dần chết mòn vì không có chỗ trồng. Năm trước đó, giá một cây sưa giống có giá từ 30 - 40 ngàn đồng thì năm sau giá đã sụt xuống vài chục lần: chỉ 1 - 2 ngàn đồng mà "lái buôn nhìn thấy cây sưa giống còn có vẻ chán như "chó nhìn thấy thóc"" như lời một người dân kể lại. Tiền cây bán không đủ tiền mua hạt và chăm sóc, nhiều gia đình bỗng nhiên thành con nợ. Anh Trần Văn Độ, một "con nợ" vì sưa giống cho biết, giờ anh không những trắng tay, mà còn ôm thêm cục nợ hàng trăm triệu đồng vì bao nhiêu vốn liếng huy động được đã dồn hết vào 5 vạn cây sưa giống. "Phải bán tống bán tháo mong hoàn lại phần nào vốn liếng nhưng tiền bán được cây cũng chẳng thấm vào đâu so với tiền vốn bỏ ra. Mà đấy là chưa tính đến công chăm sóc", anh Độ nói. Theo anh Độ, hầu hết các hộ dân trong xã đều bị thua lỗ vì lao theo phong trào trồng sưa. Anh ước tính hiện có khoảng hàng chục hộ gia đình mang số nợ lên tới hơn 100 triệu đồng vì sưa giống. Năm 2007, quả sưa có giá hàng triệu đồng/kg, nay giá chỉ còn 1/10. Cơn sốt gỗ sưa, cây giống sưa đã đi qua, giá quả sưa đồng thời cũng rớt thảm hại. Ở thời điểm hiện tại, giá quả sưa chỉ còn khoảng hơn 100 nghìn đồng/1kg, giá cây sưa (loại tốt nhất) khoảng 5 - 7 ngàn đồng/ 1 cây. Giải mã những lời đồn thổi Đến bây giờ, sau khi đã "ăn quả đắng", ngẫm lại sự việc nhiều người dân mang nợ vì cây sưa mới nhận ra mình... dại. Anh Nguyễn Văn Hiến (Đội 1, thôn Quan Nội) nói: "Mỗi người nói một kiểu. Có người nói là gỗ sưa dùng để đục đẽo các đồ thờ cúng, tu sửa các đền thờ, miếu mạo. Có người lại đồn là gỗ sưa đem xay thành mùn có thể ướp xác, thậm chí có người còn kháo nhau gỗ sưa chế được ra... bom nguyên tử". Chính những lời đồn thổi đó đã khiến người dân dốc hết vốn liếng, công sức vào những vườn cây sưa giống với niềm tin "gỗ quý thì muôn đời vẫn quý". Chủ tịch Hội khoa học kỹ thuật lâm nghiệp Việt Nam, ông Nguyễn Ngọc Lung, một chuyên gia đã có hàng chục năm nghiên cứu về các loài cây cho biết, đã có nhiều công trình nghiên cứu về cây sưa đi đến kết luận: cây sưa không có quá nhiều giá trị về dược liệu, hương liệu như một số thông tin đồn thổi. "Đây là loại cây phát triển rất chậm, phải từ 30 - 50 năm mới trưởng thành; chỉ sống được ở một số vùng có thổ nhưỡng, khí hậu thích hợp; và lại có nguy cơ tuyệt chủng nếu không được bảo vệ nên Nhà nước mới đưa loại cây này vào danh mục cần bảo vệ, nghiêm cấm khai thác", ông Lung nói. Ông Lung lý giải: trong thời gian từ khoảng 3 năm trở lại đây, do một số người nước ngoài thu mua bất hợp pháp gỗ sưa với giá cao, nên đã dẫn đến việc nhiều cây sưa bị chặt trộm để mang bán. Theo ông Lung, lượng gỗ sưa tuồn ra nước ngoài thường được làm những đồ thờ cúng như bàn thờ, tượng... Ông Lung so sánh: "Cũng như chuyện mươi năm trước, người ta coi cây gió bầu (trong thân cây có thể có trầm hương hoặc kỳ nam) là một cây cực kỳ có giá. Thế nhưng đến nay, khi đã có thể trồng nhân tạo được hàng vạn héc ta loại cây này, thì gió bầu cũng cũng chỉ bình thường như nhiều loại cây khác mà thôi". Giám đốc vườn quốc gia Bạch Mã (tỉnh Thừa Thiên - Huế), ông Huỳnh Văn Kéo cũng có cùng nhận định như trên. Ông Kéo nói: "Một số người giàu ở một số nước trên thế giới hiện nay có mốt dùng đồ gỗ làm bằng gỗ sưa với quan niệm sẽ trừ ma, diệt quỷ, dẫn đến việc cây gỗ hiếm bị chặt trái phép. Tuy nhiên, vì là mốt nên thường không tồn tại lâu. Tôi nghĩ rồi loại mốt "không giống ai" này rồi cũng sẽ sớm bị "chết yểu", nhất là khi Nhà nước đã có quy định bảo vệ, cấm chặt phá trái phép loại cây hiếm này". Còn theo GS.TS Nguyễn Lân Cường, thông tin dùng gỗ sưa để ướp xác là không có căn cứ vì nếu ướp xác phải dùng loại cây có tinh dầu thơm, trong khi cây sưa không có đặc tính ấy. Ông Cường nói: "Gỗ dùng trong các ngôi mộ có xác ướp được khai quật ở Việt Nam đã xác định là Hoàng đàn rủ, có tên gọi cũ là Ngọc am và tên La-tinh là Cupressus funebris (Trung Quốc gọi là San mộc) không phải là gỗ sưa". Cây sưa (còn có tên khác là trắc thối, huê mộc vàng...) là một loài cây thân gỗ thuộc họ đậu, thân màu vàng nâu (hoặc xám), có tên khoa học là Dalbergia tonkinesis. Loài cây này phân bổ chủ yếu ở miền Bắc nước ta. Theo số liệu của Liên minh quốc tế bảo tồn thiên nhiên và tài nguyên thiên nhiên (UINC) công bố năm 1997, sưa là loại cây hiện đang bị đe dọa mất môi trường sống ở cấp sắp nguy cấp. Theo quy định trong Nghị định 32/2006/NĐ - CP năm 2006, gỗ sưa thuộc nhóm 1A (nhóm thực vật có giá trị đặc biệt về kinh tế, khoa học và môi trường, số lượng còn ít trong tự nhiên hoặc có nguy cơ tuyệt chủng. Nhà nước nghiêm cấm khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại). VĂN CHƯƠNG

Nguồn ĐS&PL: http://www.doisongphapluat.com.vn/story.aspx?id=6281&lang=vn&zone=6&zoneparent=0