Nước mắm Masan: Từ hai lần thất bại đến “thủ phủ” Thái Lan

Masan Consumer đang lên kế hoạch xâm nhập vào nơi được xem là “thủ phủ” nước mắm thế giới...

Đứng trước sức ép việc tự chủ nguồn nước mắm cốt và kế hoạch mở rộng sang các thị trường mới, tập đoàn Masan đang đầu tư xây dựng và sẽ mở rộng công suất nhà thùng lên gấp 3 lần hiện nay vào năm 2017-2018.

Sau hơn 10 năm quyết định bước vào “con đường nước mắm”, Masan Consumer hiện dẫn đầu thị trường, khi nắm khoảng 68% thị phần.

Nhưng ít người biết thương hiệu này đã từng có lúc tính chuyện bỏ cuộc, sau hai lần thất bại.

Suýt “bỏ cuộc chơi”

Giám đốc Nghiên cứu và phát triển sản phẩm cấp cao của Masan, bà Lê Thị Nga cho biết, ban đầu, cách làm của Masan rất đơn giản. Đó là mua nước mắm từ các vùng sản xuất khác nhau trộn lại để tạo ra hương vị khác biệt.

“Chúng tôi đã pha nước mắm Phú Quốc với nước mắm Nha Trang, Phan Thiết với hy vọng tạo ra được sản phẩm mới, hương vị mới. Nhưng trên thực tế, khi đưa sản phẩm ra thị trường người tiêu dùng không thích vì không quen miệng với vị sản phẩm mới này”, bà Nga kể.

Vậy là sản phẩm ế chỏng chơ, đánh dấu thất bại lần đầu trong “cuộc chơi nước mắm” với Masan.

Sau lần thất bại đầu tiên, hiểu được bản chất do công nghệ ủ chượp cần độ muối bão hòa dẫn đến việc nước mắm có độ mặn cao, đội ngũ phát triển sản phẩm nước mắm của Masan quyết định giảm độ mặn của nước mắm để phù hợp với khẩu vị với người dùng.

Tính toán rằng sản phẩm đã đạt chuẩn, Masan cho ra hàng triệu sản phẩm và tung ra thị trường.

Tuy nhiên, chỉ chưa đầy 20 ngày, sản phẩm nước mắm bị chuyển màu đục, không còn trong như ban đầu, nguyên do là không thanh trùng nên nước mắm bị chuyển màu. Masan phải thu hồi và loại bỏ ngay sản phẩm mới này.

“Thất bại lần hai khiến Masan Consumer mất hàng chục tỷ đồng. Lúc đó khoản tiền đầu tư này là không hề nhỏ. Chúng tôi thấy có trách nhiệm lớn với công ty và thậm chí đã tính bỏ cuộc”, bà Lê Thị Nga nói.

Tuy nhiên, đội ngũ làm nước mắm vẫn tiếp tục nhận được sự ủng hộ và đồng hành của lãnh đạo Masan. Bà Nga cùng cộng sự “khăn gói quả mướp” sang Thái Lan, đất nước có thói quen dùng nước mắm như người Việt để học tập kinh nghiệm.

Qua hai lần thất bại, cộng kinh nghiệm làm nước mắm tại Thái Lan học được và hệ thống kỹ thuật công nghệ được đầu tư, Masan tạo ra được những sản phẩm nước mắm như Chin-su, rồi Nam Ngư.

Những sản phẩm này từng bước chiếm được cảm tình và trở thành lựa chọn của người tiêu dùng.Thị phần nước mắm Masan theo đó cũng tăng theo phương thẳng đứng qua các năm.

Mục tiêu mới: Thái Lan

Đến thời điểm hiện tại, tổng diện tích nhà thùng nước mắm Masan rộng 22.110 m2, gồm 448 thùng ủ chượp, với sức chứa khoảng 10.000 tấn cá. Mỗi ngày, hệ thống nhà thùng của Masan tạo ra khoảng 20 nghìn lít nước mắm cốt.

Tuy nhiên, số lượng này chỉ đáp ứng được 15% nhu cầu, còn lại, 85% nước mắm cốt Masan phải đi mua từ các nhà thùng tại Phú Quốc và nhiều vùng khác như Kiên Giang, Nha Trang và Phan Thiết…

Đứng trước sức ép việc tự chủ nguồn nước mắm cốt và kế hoạch mở rộng sang các thị trường mới, tập đoàn này đang đầu tư xây dựng và sẽ mở rộng công suất nhà thùng lên gấp 3 lần vào năm 2017-2018.

Theo ông Bùi Huy Nhích, Trưởng phòng Kỹ thuật nhà thùng Masan Phú Quốc, nguồn nguyên liệu cá cơm, cá trích và cá lăng tiêu vẫn đủ cho nhu cầu phát triển, nhưng nếu tiếp tục đánh bắt, khai thác không có kế hoạch thì nguồn nguyên liệu, đặc biệt là cá cơm, loại cá thích hợp nhất để làm nước mắm, sẽ bị thiếu hụt trong tương lai.

Trong khi đó, theo bà Lê Thị Nga, mặc dù đang chiếm thị phần lớn trên thị trường nhưng nước mắm Masan cũng đang có những thách thức không ít, đặc biệt là trong cuộc chiến thị phần.

Cụ thể, việc phát triển, ra đời của nhiều thương hiệu nước mắm mới khiến thị phần của hãng này đã có sự sụt giảm nhẹ trong một hai năm qua, từ 70% xuống 68%.

Mở rộng thị phần bằng “con đường xuất ngoại” sang các nước trong khu vực hiện là tính toán chiến lược của thương hiệu này, theo Phó tổng giám đốc Masan Nguyễn Hoàng Yến.

Cụ thể, Masan Consumer sẽ “tấn công” vào thẳng thị trường Thái Lan - nơi đang được xem là “thủ phủ” nước mắm của thế giới. Theo bà Yến, Masan Consumer đã tiến hành thử nghiệm sản phẩm mới (chưa tiết lộ tên cụ thể sản phẩm) với hàng trăm người tiêu dùng tại Thái Lan, và nhận được đánh giá tích cực với độ ngon hơn hẳn sản phẩm nước mắm đứng đầu tại thị trường Thái.

Dự kiến trong quý 4/2016, Masan sẽ chính thức cung cấp sản phẩm nước mắm của mình ra thị trường Thái Lan, bà Yến nói, đồng thời cho biết Masan đang chuẩn bị xúc tiến, hợp tác với các đại lý, trung tâm siêu thị để sớm có thể đưa sản phẩm lên kệ theo đúng lộ trình của công ty.

Vị lãnh đạo này cũng cho biết, sau Thái Lan, Masan Consumer sẽ tiếp tục thâm nhập vào thị trường Myanmar, Lào và Campuchia. Tổng dân số của 4 quốc gia này là 160 triệu dân, lớn hơn nhiều so với Việt Nam. “Nếu chiếm được thị phần ở Thái Lan, nước mắm Masan sẽ dễ dàng vươn ra thị trường toàn cầu”, Phó tổng giám đốc Masan nhìn nhận.

Nguồn VnEconomy: http://vneconomy.vn/doanh-nhan/nuoc-mam-masan-tu-hai-lan-that-bai-den-thu-phu-thai-lan-2016072909341879.htm