Nước đã tràn ly!

Vẫn có gần 28 ngàn khán giả đến sân và 2 tiếng 'Việt Nam, Việt Nam' vẫn rền vang trên khán đài, nhưng lần đầu tiên tại Mỹ Đình mới phút 60 khán giả đã bỏ về và kết thúc trận đấu là đỉnh điểm của sự bức xúc khi tất cả 'đồng thanh tương ứng': 'TROUSSIER OUT!'.

Một chương buồn của bóng đá Việt Nam.

Huấn luyện viên (HLV) người Pháp chứng tỏ sự kiên định (nếu không muốn dùng từ bảo thủ) đến cùng. Có 3 sự thay đổi trong đội hình xuất phát so với trận lượt đi trên đất Indonesia, trong đó Tiến Linh, Văn Thanh có mặt từ đầu, nhưng ông vẫn giữ Phan Tuấn Tài ở vị trí trung vệ trái, trong khi Thành Chung tiếp tục không được đăng ký và vẫn không có Quang Hải, Văn Toàn, Hồ Tấn Tài…

Sự thay người đầu tiên cho Văn Thanh (khi đã bị dẫn 2-0) là “trò ruột” Đình Bắc. Muốn chứng tỏ mình, tiền đạo 20 tuổi liên tục “húc đầu vào đá”, mất bóng. Cần tấn công để gỡ nhưng hiệp 2 lại là tiền vệ phòng ngự Thành Long thế chỗ Thái Sơn. Mãi đến phút 60, Văn Toàn và Hồ Tấn Tài mới được vào sân, nhưng Tiến Linh lại bị rút ra. Trên đường piste, Quang Hải xua tay từ chối tiếp tục khởi động, về chỗ ngồi vung chân đá vào xô nước.

Phút 66, Văn Khang chấn thương, quyền thay người cuối cùng lại được trao cho Minh Trọng. Xem lại trận đấu, ống kính truyền hình nhiều lần bắt cận cảnh Quang Hải liên tục ôm đầu, vuốt mặt uất nghẹn. Nhìn Quang Hải cố nén nước mắt, 2 ngày nữa là đám cưới, anh khao khát ra sân, dù có thể chẳng thay đổi được gì, nhưng có gì đó thật bất nhẫn khi trận đấu đã an bài.

Thật khó hiểu, không giải thích được quan điểm dùng người của HLV Troussier, cụ thể với 2 tiền vệ tài hoa, sáng tạo nhất của bóng đá Việt Nam cùng sở hữu 3 Quả bóng vàng. 2 trận đầu ở vòng loại World Cup, Hoàng Đức không được chơi phút nào, 2 trận tiếp theo đến lượt Quang Hải. Không phù hợp với chiến thuật, vậy thà đừng gọi, còn gọi mà để một ngôi sao đang có phong độ cao (Quang Hải đang là chân sút nội số 1 V.League với 5 bàn thắng) làm đẹp băng ghế dự bị, cầu thủ sao tránh khỏi cảm thấy bị tổn thương.

Có vẻ không chỉ Quang Hải mà một số cầu thủ dường như cũng không còn muốn đá vì HLV. Điển hình là bàn thua thứ 2, Hùng Dũng chuyền hỏng, Oratmangoen đi bóng một mạch qua 3-4 chiếc áo đỏ như chốn không người, vì không ai buồn vào tranh chấp. Bàn mở tỷ số cũng là sự thờ ơ đến lạ lùng, dù mới phút thứ 9. Trong quả phạt góc của Indonesia có đến 10 chiếc áo đỏ trong vùng cấm, 9 người trước cầu môn của Nguyễn Filip, 6 trong khu vực 5,5m, Indonesia chỉ có 6. Vậy mà không một ai theo, để trung vệ Idzes từ rìa vòng 16,5m ung dung di chuyển vào đánh đầu như một bài tập không đối kháng.

Áp lực tâm lý quá nặng nề sau cơn bão chỉ trích nhắm vào HLV, các cầu thủ nhập cuộc căng cứng, lúng túng. Dù phải đòi nợ nhưng HLV Troussier không đề ra được đấu pháp, chiến thuật rõ ràng nào để thấy cửa thắng. Trước lối đá áp sát mạnh mẽ, không ngần ngại phạm lỗi của Indonesia, chúng ta lại liên tục thực hiện những đường chuyền cho đồng đội trong thế quay lưng vì không có giải pháp nào khác, không sao đẩy đội hình lên nổi. Một đội tuyển Việt Nam kiểm soát bóng rối rắm, lắt nhắt, vu vơ. Những sự thay người cũng chỉ thuần túy là một cầu thủ này thay cho một cầu thủ khác ở cùng vị trí, chứ không có sự điều chỉnh chiến thuật nào.

Chắc hẳn người Indonesia cũng không ngờ mình lại có một chiến thắng dễ dàng còn hơn cả trận lượt đi trên sân nhà. Bàn thua thứ 3 của đội tuyển Việt Nam ở phút 90+8 chỉ là giọt đắng cuối cùng phải uống cạn, sự thất vọng đến mức không còn gì để buồn thêm nữa.

Sau 20 năm, Indonesia mới lại thắng tại sân Mỹ Đình, cũng đúng bằng tỷ số 3-0. Ở AFF Cup 2004, ngay sau trận thua, HLV Tavares phải đi cấp cứu vì stress và… đi luôn. 20 năm sau, HLV Troussier cũng bị sa thải ngay trong đêm trong cảnh không thể bẽ bàng, xấu hổ hơn.

Chưa bao giờ người ta chứng kiến sự tức giận, bức xúc lên đến tột cùng như thế trên sân Mỹ Đình. Bản hợp đồng 3 năm 5 tháng của “Phù thủy trắng” từng là HLV xuất sắc nhất châu Á, chính thức kết thúc sau 1 năm 26 ngày!

Minh Chung

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/the-thao/202403/nuoc-da-tran-ly-0e557ed/