Nửa thế kỷ 'tinh thần Moriond'

Ngày 7.7, tại Quy Nhơn (Bình Định), hội thảo “Khoa học cơ bản và xã hội”, sự kiện lớn nhất trong chuỗi Gặp gỡ Việt Nam 2016, khai mạc như là cách thức kỷ niệm, tôn vinh “tinh thần Moriond” do GS Trần Thanh Vân khởi xướng. Một cuộc hội tụ lấp lánh tinh quang với 6 giải Nobel vật lý, hóa học, hòa bình, kinh tế; với chủ nhân giải Fields toán học Ngô Bảo Châu cùng đại diện nhiều tổ chức khoa học hàng đầu thế giới; các tập đoàn đa quốc gia; các nhà hoạch định chính sách trong nước và khu vực.

GS Trần Thanh Vân (ngoài cùng bên phải) cùng các nhà bác học đoạt giải Nobel, Fields.

Trượt băng, leo núi, nói chuyện trên trời

Moriond, ngôi làng nằm trên dãy Alpes, kẹp giữa hai quốc gia láng giềng Pháp - Italia, một ngày cuối tháng 3.2016. Đất trời mênh mông băng giá. Tuyết tràn ngập những con đường, những sườn núi cheo leo. Tuyết trắng như bông rơi tơi bời bãi đậu xe, mái nhà, khung cửa sổ. Khu trung tâm hội nghị, mặc kệ, vẫn xôn xao, náo nhiệt. Có diễn giả trịnh trọng bước lên bục phát biểu, song cũng có người tranh chiếm diễn đàn, đặt câu hỏi chất vấn ngay từ chỗ ngồi.

Họ là 400 nhà khoa học đến từ khắp nơi trên thế giới. Người râu tóc bạc phơ, sở hữu một lý lịch khoa học tột đỉnh vinh quang nói nói cười cười, quàng vai bá cổ những chàng trai, cô gái măng tơ. Năm nay, chủ đề trao đổi ở Moriond liên quan tới phát minh mới nhất về sóng hấp dẫn và hố đen; các số liệu chi tiết sóng nền vũ trụ do kính thiên văn Planck cung cấp; những khám phá nóng hổi từ cỗ máy đo gia tốc hạt ở Trung tâm Nghiên cứu nguyên tử Châu Âu (CERN)...

Buổi chiều, địa điểm hẹn hò là không gian ngoài trời, với gậy, máng trượt khệ nệ trên tay. Không ít gia đình mang theo đủ vợ chồng con cái, uốn lượn như xiếc quanh những sườn đồi, tung mình cho cú nhảy mạo hiểm đến thót tim, hay sương khói lửng lơ trong cabin cáp treo, trôi từ đỉnh núi này sang đỉnh núi khác.

Cơ hội cho người trẻ. Ảnh: Nobel Vật lý 1985 Klaus von Klitzting (Đức) trao đổi với các nhà khoa học trẻ Việt Nam.

Đấy là hình ảnh “trích xuất” từ đoạn phim tài liệu mà một thành viên Hội Gặp gỡ Việt Nam khuyên chúng tôi “nên xem”. Tính tới nay, Gặp gỡ Moriond (Rencontres de Moriond) vừa trải qua chặng đường đúng nửa thế kỷ. Mùa xuân năm 1966, Moriond, thời ấy hãy còn là ngôi làng vô danh thâm sơn cùng cốc được TS Trần Thanh Vân lựa chọn cho ý tưởng về cuộc hội ngộ phi truyền thống giữa các nhà khoa học. Thay vì tổ chức một sự kiện mang màu sắc kinh viện, lụng thụng mũ cao áo dài như thông lệ, nhà khoa học gốc Việt tròn 30 tuổi đề xuất mô hình giao lưu học thuật dưới dạng tiếp xúc thoải mái, thân tình, rộng mở. Gặp gỡ Moriond lần thứ nhất, Vân cùng 2 bạn đồng hành Pháp tập hợp chừng 20 nhà vật lý trẻ, phần lớn đến từ Đại học Paris 11, Orsay. Nhóm trí thức trẻ rộn ràng đam mê, khao khát cống hiến gặp nhau vào buổi sáng, nghe thông báo chương trình, tranh luận về vật lý lý thuyết và vật lý thực nghiệm.

Chiều, 13 đến 16 giờ, họ xách gậy ra rừng, kết hợp nghiên cứu khoa học với hoạt động thể thao, du lịch trước khi trở lại phiên hội thảo cho đến 20 giờ. Sau buổi ăn tối, hoặc họ trò chuyện, tìm kiếm cơ hội hợp tác hoặc thỏa thuê vùng vẫy, “khuấy nước chọc trời”, đàn ca sáo thổi. Buổi đầu còn quá nghèo, không đủ tiền thuê khách sạn, cả nhóm phải ở nhà trọ, tự đi chợ, nấu nướng, dọn dẹp chén bát. Đến Moriond lần II, không khí đã rôm rả hơn nhiều, với sự hiện diện của những hàng xóm Ý vui nhộn.

Càng về sau, quy mô càng lớn ra, việc tổ chức buộc phải bài bản, chuyên nghiệp hơn. Danh tiếng các cuộc gặp gỡ kiểu Trần Thanh Vân vang xa tận bên kia bờ Đại Tây Dương, lan tỏa ra khắp thế giới. “Tinh thần Moriond”, Moriond spirit, một khái niệm chính danh, nghiêm cẩn hẳn hoi, được nhiều cơ quan khoa học Âu - Mỹ mô phỏng, noi theo. Công chúng yêu khoa học có dịp chứng kiến Gặp gỡ mùa đông Aspen (Mỹ), Gặp gỡ Louise (Canada), Gặp gỡ Aosta, La Thuile (Italia)... Riêng mình, GS Trần Thanh Vân kịp tạo thêm 2 kỳ duyên nữa: Gặp gỡ Blois (1989) và Gặp gỡ Việt Nam (1993).

Từ Moriond đến Gềnh Ráng: Con đường kiến tạo cơ hội cho giới trẻ

Gặp gỡ Moriond là nỗ lực kiến tạo, cung cấp cơ hội cho nhà khoa học trẻ. Không ầm ỹ tuyên ngôn, nhưng thực ra, khi cùng người bạn đời - GS Lê Kim Ngọc và đồng sự bắt tay thiết kế những cuộc “tao ngộ” đầu tiên, ông Vân đã lặng lẽ chống lại lề lối, tập quán hàn lâm, quan phương đang ngự trị trong sinh hoạt học thuật tại Pháp cũng như Châu Âu lúc bấy giờ.

Ở tuổi 80, tóc tai bạc trắng, đi lại khó khăn, nói thứ tiếng Việt trúc trắc, gập ghềnh như cố moi từ tận thẳm sâu ký ức, GS Trần Thanh Vân nhớ lại: “Nửa thế kỷ trước, giao tiếp khoa học không phải ở đâu cũng đã ngon lành, bình đẳng. Người trẻ thường chịu thiệt thòi. Những cuộc hội thảo, hội nghị lớn chỉ dành cho các gương mặt thành danh. Thật hiếm hoi để một nghiên cứu viên trẻ có cơ may tiếp cận sự kiện khoa học quan trọng, dẫu chỉ để ngơ ngác, rụt rè nghe các bậc trưởng thượng chỉ giáo. Tôi muốn thay đổi hiện trạng đó. Công việc của tôi, đơn giản là bắc một nhịp cầu, mở ra một cánh cửa”.

Gia đình GS Ngô Bảo Châu tại một kỳ Gặp gỡ Việt Nam.

Ở Moriond, có những vị khách mời từng đi đi về về tới 20-30 lượt. Nhiều người tham dự lúc không chút tiếng tăm, khi quay trở lại đã chót vót đỉnh cao danh vọng. Chỉ có điều, “gặp gỡ” không được thiết kế cho thứ bậc, ngăn cách mà ngược lại, là không gian của tình thân, sự chia sẻ, chan hòa. GS Vân kể về mối tri ngộ lâu năm với nhiều tên tuổi lỗi lạc, những người vẫn luôn gắn bó, keo sơn bên cạnh ông trong sứ mệnh kết nối, truyền bá, nhen nhóm ngọn lửa tận hiến cho con người.

GS James Cronin - Nobel vật lý 1980, từng đến Moriond từ năm 1971. Sheldon Lee Glashow - nhà bác học được Viện Hàn lâm khoa học Thụy Điển vinh danh năm 1979 “do những đóng góp cho thống nhất tương tác điện yếu và dự đoán về dòng trung hòa yếu” - là một bền chặt khác.

Cả Cronin lẫn Glashow từng nhiều lần đến Việt Nam trong vai trò chủ trì, điều phối các hội nghị, hội thảo khoa học do GS Trần Thanh Vân tổ chức. Còn rất nhiều ví dụ tương tự.

Đằng sau vóc dáng gầy gò, nhỏ nhắn, GS Trần Thanh Vân là hiện thân của một nguồn năng lượng vô tận. Đồng chủ trì Gặp gỡ Blois, GS Klima Boaz (Trung tâm Nghiên cứu Fermilab, Hoa Kỳ) gọi ông là “con người của những điều không thể”. Nhà vật lý thiên văn người Mỹ gốc Việt Trịnh Xuân Thuận cảm kích: “Anh Vân là nhà tổ chức, quản trị ngoại hạng. Không dễ tìm ra người thứ hai như anh”.

Alain Blondel ở Đại học DPNC (Thụy Sĩ) chia sẻ: “Ông ấy biết cách kéo mọi người xích lại gần nhau. Trần Thanh Vân là một nhân cách phi thường”. Hơn 20 năm mang “tinh thần Moriond” trở về đất nước dưới tên gọi Gặp gỡ Việt Nam, có lúc tưởng đã ngã lòng buông bỏ như hồi 2006, cũng có khi phải gắt gỏng, sốt ruột như lần than thở với chúng tôi “chưa thấy ở đâu mà thiên hạ luôn háo hức làm dự án như xứ mình”, cuối cùng, ông vẫn nguyên vẹn một cốt cách mạnh mẽ.

Ông già rưng rưng: “Trung tâm Quốc tế khoa học và giáo dục liên ngành (ICISE) đặt tại Gềnh Ráng (Quy Nhơn) là tâm nguyện lớn nhất cuối đời tôi. Dù đang tiếp tục hoàn thiện, ICISE đã mở rộng cánh cửa giúp phát triển khoa học, giáo dục; hỗ trợ sinh viên, nhà khoa học trẻ Việt Nam hòa vào cộng đồng khoa học quốc tế, khuyến khích, thúc đẩy họ gặp gỡ, tiếp xúc, chia sẻ ý tưởng cùng đồng nghiệp năm châu bốn biển. Không chỉ vậy, chính quyền Bình Định, các bộ ngành trung ương còn lắng nghe khuyến nghị của tôi để biến vùng đất nên thơ rộng hơn 130ha ở thung lũng Quy Hòa thành chuỗi đô thị khoa học, thực thể chưa từng có tiền lệ từ trước đến nay”.

Vợ chồng GS Vân (bìa trái) đón đồng nghiệp quốc tế.

Không chút kiêu ngạo, GS Vân tin rằng ICISE - Gềnh Ráng - Quy Hòa đã, đang và sẽ tiếp tục là điểm đến khoa học tin cậy, hữu ích của không chỉ Việt Nam mà cả vùng Đông Nam Á. Ông dẫn vài “con số biết nói”: “Từ tháng 8.2013 (thời điểm khánh thành trung tâm) đến nay, 13 hội nghị khoa học quốc tế đỉnh cao đã diễn ra ở ICISE cùng 6 lớp vật lý chuyên sâu, níu chân hơn 1.500 nhà khoa học, trong đó có 12 giáo sư đoạt giải Nobel, 2 giáo sư Fields, nhiều người được tôn vinh bằng những phần thưởng cao nhất trong lĩnh vực mình theo đuổi như Shaw, Kavli thiên văn học, Kalinga (ONU), Cino del Duca (của Viện Hàn lâm khoa học Pháp)...”.

Bằng ICISE, điều quan trọng nữa là Gặp gỡ Việt Nam chính thức đoạn tuyệt cảnh ngộ “trôi nổi”, rày đây mai đó, lúc Hà Nội, khi Sài Gòn, Đà Lạt. GS Vân rảnh tay hơn để dồn sức thành toàn giấc mơ còn dang dở. “Tôi không muốn khách mời phải phân tán, rải rác ngoài nội thành Quy Nhơn. Họ nên gần gũi, dạo bộ, leo núi, tắm biển bên nhau; cọ xát, trao đổi mối bận tâm khoa học.

Theo thiết kế, ngoài đặc trưng chống xung đột thiên nhiên, ngoài khu nhà trung tâm làm nơi tổ chức hội nghị, tổng thể không gian ICISE còn bao gồm nhà hàng - khách sạn, quán cà phê bên sông, bể bơi nước ngọt, cụm nhà gỗ hiên rộng dành cho cả gia đình, nhà suy gẫm (cogitum), spa... Một cảnh quan như vậy sẽ góp phần nâng đỡ, kích thích sáng tạo. Nó là không gian... kiểu Moriond” - ông bày tỏ.

“Không có tình yêu lớn lao với khoa học, với đất nước, không ai tự... đày đọa mình như GS Vân. Tôi đến ngoại ô Paris, ngắm ngôi nhà giữa khuôn viên rộng 1.000m2 của vợ chồng GS. Tuổi già, cần gì hơn sự yên tĩnh, thư nhàn? Vậy mà ông vẫn như con thoi, mỗi năm lặn lội về Quy Nhơn 3-4 tháng” - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng nêu cảm tưởng sau chuyến sang Pháp dự Gặp gỡ Blois, tháng 5.2016. Ông Dũng mơ màng: “Biết đâu có ngày, nhân loại sẽ lại bận tâm bởi một ý tưởng, một tia sáng lóe lên từ Gềnh Ráng - Quy Nhơn”.

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/phong-su/nua-the-ky-tinh-than-moriond-571222.bld