Nửa thế kỷ chiến công huyền thoại Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không

Tròn nửa thế kỷ qua đi, chiến công huyền thoại Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không còn vang vọng mãi như một Bạch Đằng - Chi Lăng - Đống Đa thời đại Hồ Chí Minh. Với chúng ta, chiến công huyền thoại Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không, để lại nhiều bài học vô giá trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay và mai sau.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng lãnh đạo QCPK-KQ chuẩn bị phương án đánh B52 năm 1972. Ảnh tư liệu

Sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Bác Hồ

Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Trung ương Đảng và Bác Hồ, toàn dân tộc thống nhất ý chí, phát huy trí tuệ, sáng tạo, chủ động, dám đánh, quyết đánh và quyết thắng.

Năm 1965, khi Mỹ phát động Chiến tranh cục bộ, đưa hơn 60 vạn quân vào trực tiếp tham chiến ở miền Nam Việt Nam và tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại tàn bạo miền Bắc Việt Nam, Bác Hồ đã đến thăm Quân chủng Phòng không - Không quân (QCPK-KQ) ngày 19/7/1965 và dạy rằng: “Dù đế quốc Mỹ lắm súng, nhiều tiền, dù chúng có B57, B52 hay B gì đi nữa, ta cũng đánh. Từng ấy máy bay, từng ấy quân Mỹ, chứ nhiều hơn nữa ta cũng đánh, mà đã đánh là nhất định thắng”.

Khi quân đội Mỹ tiến hành các chiến dịch tìm diệt ở miền Nam và tiến hành chiến tranh phá hoại tàn bạo ở hậu phương lớn miền Bắc, ngày 17/7/1966, Chủ tịch Hồ Chí Minh phát lời kêu gọi Nhân dân cả nước quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.

Lời kêu gọi vang vọng khí thiêng sông núi, là một áng thiên cổ hùng văn tỏa hào khí đến ngàn sau:

“…Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song Nhân dân Việt Nam quyết không sợ. Không có gì quý hơn độc lập tự do. Đến ngày thắng lợi, Nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn…”.

Đầu năm 1968, Bác Hồ đã đưa ra lời dự báo với Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam Phùng Thế Tài (thời điểm ấy là Tư lệnh QCPK-KQ): “Sớm muộn đế quốc Mỹ cũng sẽ đem B52 ra ném bom Hà Nội, rồi có thua mới chịu thua”; “Ở Việt Nam, Mỹ nhất định thua, nhưng nó chỉ chịu thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội”.

Tháng 6/1972, Bộ Chính trị Trung ương Đảng họp dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Lê Duẩn đã ra nghị quyết nhấn mạnh: “Đế quốc Mỹ đã trắng trợn gây lại chiến tranh phá hoại trên miền Bắc nước ta với mức độ quyết liệt hơn nhiều so với trước… Nhân dân ta phải luôn luôn vững vàng, phải tiếp tục chiến đấu và chiến thắng trong mọi tình huống”.

Cuối tháng 11/1972, Quân ủy Trung ương nhấn mạnh: “Đế quốc Mỹ có thể liều lĩnh đưa B52 ném bom Hà Nội, Hải Phòng”.

Ngày 24/11/1972, Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng cùng các Tổng Tham mưu phó Trần Quý Hai, Vương Thừa Vũ, Cao Văn Khánh, Phùng Thế Tài đã đến QCPK-KQ phê chuẩn kế hoạch đánh B52 bảo vệ Hà Nội, Hải Phòng.

Đầu tháng 12/1972, Tổng Bí thư Lê Duẩn trực tiếp đến Sở Chỉ huy QCPK-KQ nghe Tư lệnh Lê Văn Tri trình bày những nét chính về kế hoạch đánh B52, về công tác chuẩn bị của quân chủng. Tổng Bí thư Lê Duẩn nhấn mạnh: “Để gây sức ép với ta, trước sau Mỹ cũng đưa B52 ném bom Hà Nội, quân dân ta, mà nòng cốt là QCPK-KQ phải kiên quyết làm thất bại âm mưu này của chúng”.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong lời tựa tập sách “Điện Biên Phủ trên không - chiến thắng của ý chí và trí tuệ Việt Nam” đã khẳng định hào hùng: Tháng 12/1972, Tổng thống Nixon đã huy động lực lượng không quân mạnh nhất của Mỹ - máy bay B52 - mở cuộc tập kích chiến lược chưa từng có nhằm tàn phá thủ đô Hà Nội và thành phố cảng Hải Phòng, tàn sát quân và dân ta với quy mô lớn. Với hành động bạo ngược ấy, Nixon muốn buộc Việt Nam phải đầu hàng, phải chấp nhận những điều sửa đổi có lợi cho Mỹ trong hiệp định đã được thỏa thuận.

Một bất ngờ mà Mỹ không hề lường được đã diễn ra. Lực lượng PK-KQ ta cùng với quân và dân đã đánh bại cuộc tập kích của Mỹ, gây cho chúng những tổn thất hết sức nặng nề, buộc chúng phải chấm dứt hành động ngông cuồng, phải ngồi lại bàn đàm phán, ký kết Hiệp định Paris với những điều khoản đã thỏa thuận.

Chiến thắng vang dội của quân và dân ta trên bầu trời Hà Nội, chiến thắng được mệnh danh là Điện Biên Phủ trên không sẽ mãi mãi sáng ngời trong sử sách, chính là chiến thắng của tinh thần quyết chiến quyết thắng, không có gì quý hơn độc lập và tự do, của tinh thần thông minh và trí tuệ đặc biệt của dân tộc Việt Nam, đối với khối lượng sắt thép và đô la khổng lồ của đế quốc Mỹ. Con người đã thắng vũ khí; chí nhân đã thắng tàn bạo. Chính nghĩa đã thắng phi nghĩa.

Trận địa tên lửa phòng không và pháo cao xạ được bố trí để tiêu diệt máy bay địch. Ảnh tư liệu

Nghệ thuật quân sự phi đối xứng

Trong cuộc đối đầu sinh tử đối phó với chiến lược ném bom hủy diệt “để miền Bắc Việt Nam trở lại thời kỳ đồ đá” dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân dân ta đã kế thừa và phát huy nghệ thuật quân sự lấy ít địch nhiều, lấy nhỏ đánh lớn trên cơ sở phát huy sức mạnh tổng hợp toàn dân tộc, vừa đánh, vừa tìm cách đánh sáng tạo.

Trước hết nhìn vào tương quan lực lượng quá chênh lệch giữa địch và ta. Lực lượng quân sự được Nhà Trắng và Lầu Năm Góc huy động vào chiến dịch tập kích mang tên Linebacker II nhằm hủy diệt Hà Nội, Hải Phòng gồm có 193 máy bay chiến lược B52 (gần một nửa số máy bay chiến lược của Mỹ, 193/400), gần 1/3 số máy bay chiến thuật của Mỹ (1.077/3.041 chiếc), 6 tàu sân bay (cả nước Mỹ có 24 tàu sân bay) cùng nhiều tàu chỉ huy dẫn đường, tàu khu trục, tàu tên lửa, tàu ra đa, tàu bảo vệ, tàu cấp cứu, tàu sửa chữa của Hạm đội 7 Mỹ ở Thái Bình Dương; 50 máy bay tiếp dầu trên không cùng các loại máy bay gây nhiễu điện tử từ xa, máy bay trinh sát có người lái và không người lái, máy bay chỉ huy, dẫn đường, liên lạc, cấp cứu. Máy bay chiến lược B52 cất cánh từ căn cứ Anderson trên đảo Guam giữa Thái Bình Dương và căn cứ Utapao (Thái lan). Máy bay chiến thuật các loại cất cánh từ 6 sân bay ở Thái Lan (U-don, U-bon, Tác-li, Cô-rạt, Na-khon-pha-non, Nậm Phong) và từ 6 tàu sân bay (Enterprise, America, Ranger, Kitty Hawk, Oriskany, Saratoga) đậu tại một khu vực rộng lớn ở biển Đông tương ứng từ Thanh Hóa đến Đà Nẵng mà quân đội Mỹ gọi là Station Yankee (trạm Yankee).

Tất cả các căn cứ hậu cần, kỹ thuật của quân đội Mỹ ở Đông Nam Á đều được sử dụng để phục vụ tối đa cho trận đại oanh kích này.

Về phía ta, bước vào trận đối đầu lịch sử, lực lượng tên lửa bảo vệ thủ đô Hà Nội chỉ có 10 tiểu đoàn, sau tăng cường vài tiểu đoàn từ nơi khác đến. Lực lượng pháo cao xạ của Hà Nội, Hải Phòng cùng lực lượng phòng không của Quân khu 3, Quân khu Việt Bắc khoảng 15 trung đoàn.

Lực lượng Dân quân tự vệ của Hà Nội có 4 trung đội pháo cao xạ 100 ly, gần 200 trận địa súng tầm thấp (súng trường, tiểu liên, trung liên, đại liên 12,7 ly, 14,5 ly). Máy bay tiêm kích MIG 21 (máy bay tiêm kích chuyên đánh chặn hoặc săn đuổi máy bay đối phương trên bầu trời, khác với máy bay cường kích chuyên trách phá mục tiêu, dưới mặt đất). Lực lượng ra đa cảnh giới và dẫn đường chỉ có 30 đại đội, được bố trí rải rác khắp miền Bắc.

Trong khi căn cứ xuất phát của máy bay Mỹ là những phi trường siêu hiện đại, những hàng không mẫu hạm khổng lồ, thì căn cứ của Không quân Quân đội Nhân dân Việt Nam chỉ vỏn vẹn có sân bay Nội Bài là sân bay cấp I, còn lại là vài sân bay cấp II, III và vài sân bay dã chiến với đường băng làm bằng đất nén.

Lực lượng của ta chỉ có vậy nhưng vẫn bình tĩnh, tự tin, sáng tạo, quả cảm bước vào cuộc đối đầu lịch sử lập chiến công huyền thoại Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không, đập tan cuộc tập kích đường không tàn bạo của đội quân hùng mạnh nhất thế giới.

Thắng lợi của ý chí tự lực, tự cường

Ngày 17/9/1967, Trung đoàn tên lửa H38 trên đất thép Vĩnh Linh bắn rơi máy bay B52 đầu tiên.

Ngày 18/3/1971, Trung đoàn tên lửa H37 bắn rơi 1 máy bay B52 trong chiến dịch Đường 9 - Nam Lào.

Ngày 2/4/1972, Trung đoàn tên lửa H36 bắn rơi chiếc B52 trong chiến dịch Quảng Trị…

Tất cả những điều rút ra từ thực tế chiến trường và cả khai thác tù binh phi công Mỹ đã được đúc kết thành tập cẩm nang bìa đỏ mang tên “Cách đánh B52 của bộ đội tên lửa” dày 30 trang đánh máy. Tập tài liệu vô giá này là công trình khoa học xuất sắc, là kết tinh bản lĩnh, trí tuệ của nhiều tướng lĩnh, sĩ quan ưu tú của QCPK-KQ, Viện Kỹ thuật quân sự Bộ Quốc phòng cùng các bạn chuyên gia Liên Xô do thiếu tướng Anatôli Ivanôvich, Khiupenen làm trưởng đoàn (sau này là thượng tướng Liên Xô, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Cộng hòa Liên bang Nga). Vị trưởng đoàn chuyên gia này đã phát biểu đầy xúc động: “Trao vũ khí tên lửa cho các bạn Việt Nam là trao nó cho những bộ óc sáng tạo và những bàn tay vàng”.

Còn phía đối phương, trong cuốn sách “Cuộc chiến tranh không quân ở Đông Dương” do Trung tâm Nghiên cứu Cornell xuất bản có dẫn lời đánh giá nổi tiếng của GS Neil Seehan: “Thắng lợi của người Việt Nam là một ví dụ vô song về sự toàn thắng của trí tuệ con người đối với máy móc. Quân dân ta dù chịu nhiều hy sinh tổn thất nhưng với trí thông minh và lòng quả cảm đã đập tan cuộc tập kích tàn bạo nhất trong lịch sử chiến tranh vào những ngày Giáng sinh năm 1972 gợi nhớ một câu trong Điều 9 của Kinh thánh “Sự thông minh cao hơn mọi thứ vũ khí””.

Trong cuộc đối đầu lịch sử 12 ngày đêm trên bầu trời Hà Nội, quân dân ta đã bắn rơi 81 máy bay, trong đó có 34 B52, bắt sống nhiều phi công Mỹ, đập tan ảo vọng ngông cuồng của những cái đầu hiếu chiến ở Nhà Trắng và Lầu Năm Góc, tạo nên chiến công huyền thoại Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không như một thiên anh hùng ca sáng chói lưu danh đến muôn đời.

Nửa thế kỷ qua đi, đất nước ta khép lại quá khứ, kiến tạo hiện tại để hướng tới tương lai tươi sáng nhưng những bài học và giá trị lịch sử vô giá của chiến công huyền thoại Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không vẫn mãi vang vọng, tạo hồn khí thiêng sông núi trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay.

PHAN THANH BÌNH

(Hội Khoa học lịch sử Việt Nam)

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/76/291848/nua-the-ky-chien-cong-huyen-thoai-ha-noi-dien-bien-phu-tren-khong.html