Nữ tiến sĩ tâm huyết với nghiên cứu khoa học bảo vệ môi trường

Sau khi bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ tại nước ngoài, PGS.TS. Lê Thị Xuân Thùy đã trở về nước và giảng dạy tại khoa Môi trường, Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng.

PGS.TS. Lê Thị Xuân Thùy và mô hình lọc nước đa tầng do chị nghiên cứu được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ, cấp bằng

PGS.TS. Lê Thị Xuân Thùy, sinh năm 1981 tại thành phố Đà Nẵng. Được đào tạo ngành Hóa nhưng chị Thùy đã chọn ngành Môi trường để hoạt động và công tác. Theo chị Thùy, thành phố Đà Nẵng còn nhiều vấn đề liên quan đến môi trường cần được giải quyết.

Chị luôn trăn trở để tìm ra các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm cho môi trường của thành phố Đà Nẵng nói riêng, cho môi trường của Việt Nam nói chung. Trên cơ sở đó, hướng nghiên cứu của chị tập trung giải quyết các vấn đề môi trường nổi cộm như: Nghiên cứu thu hồi ion kim loại trong nước; nghiên cứu ứng dụng công nghệ hóa học vào xử lý ô nhiễm môi trường (đất, nước, không khí).

Trong bối cảnh lượng rác thải ở thành phố Đà Nẵng ngày càng lớn, chị đã tiếp cận các phương pháp xử lý rác thải thân thiện với môi trường (như phương pháp Takakura của Nhật Bản) và hướng dẫn nhiều nhóm sinh viên làm chế phẩm xử lý chất thải gia đình cũng như xử lý phụ phẩm nông nghiệp.

Không dừng ở đó, chị còn nghiên cứu phát triển sản phẩm "thức ăn nuôi trùn quế khô" hay "mô hình nuôi trùn quế tự động". Đến nay, chị đang thu gom phế phụ phẩm nông nghiệp để làm phân hữu cơ và trao đổi phân hữu cơ với sản phẩm nông nghiệp của bà con nông dân, qua đó nhân rộng việc tự làm phân hữu cơ cải tạo đất, thay thế dần phân hóa học.

Để lan tỏa hành động bảo vệ môi trường, cô giáo Xuân Thùy đã tìm kiếm các đề tài thú vị, vốn đầu tư để cùng sinh viên giải quyết các vấn đề môi trường của thành phố.

Tâm huyết với các nghiên cứu khoa học bảo vệ môi trường và đào tạo sinh viên, PGS.TS. Lê Thị Xuân Thùy đã có những công trình khoa học tiêu biểu như Bằng độc quyền - giải pháp hữu ích số 1692 - Thiết bị lọc nước ngầm đa tầng;

Bằng độc quyền - giải pháp hữu ích số 1698 - Phương pháp xử lý nước thải nhiễm kim loại nặng bằng vật liệu từ tính phủ axit gama-poly glutamic (gama-PGM) do Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp và nhiều bằng độc quyền khác.

An Khê

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/nu-tien-si-tam-huyet-voi-nghien-cuu-khoa-hoc-bao-ve-moi-truong-20240304134532257.htm