Nữ quân nhân tích cực làm việc thiện

Theo danh sách ủng hộ từ thiện của bà Trần Thị Thục Oanh được ghi chi tiết và tạm tính từ năm 2010 đến tháng 7/2023 là 3 tỷ 560 triệu đồng. Đối với nữ quân y Thục Oanh, số tiền từ thiện không chỉ đo đếm bằng con số mà là sự lan tỏa nghĩa cử cao đẹp của người quân nhân cách mạng 'Vì nước quên thân, vì dân phục vụ'.

Bà Trần Thị Thục Oanh thăm tặng quà cho thương bệnh binh tại Bắc Ninh. Ảnh: M. Miên

Năm tháng phục vụ quân ngũ

Những ngày đầu đông tháng 12, bên ly trà nóng, cuộc trò chuyện với nữ quân nhân Trần Thị Thục Oanh (SN 1935, Hà Nội) gây ấn tượng với người viết bởi sự niềm nở, thân tình. Ở tuổi 88, bản thân bị nhiễm chất độc màu da cam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, mái tóc bạc trắng ngay từ những ngày đầu phục vụ quân ngũ chiến trường Kon Tum nhưng đối với bà Thục Oanh, ngày tháng tham qua quân ngũ là những hồi ức thanh xuân tươi đẹp.

Bà Thục Oanh kể, nhập ngũ năm 1951 ở vùng Việt Bắc, là lính quân y bà đã phục vụ các chiến dịch Hòa Bình, Tây Bắc, chiến dịch Điện Biên Phủ. Từ năm 1965, đoàn quân y vượt dãy Trường Sơn, tham gia cứu chữa thương bệnh binh tại bệnh viện 84 (sau đổi tên là Viện 211- B3 Tây Nguyên) đóng quân tại Kon Tum.

Là một bệnh viện lớn, địa chỉ trong rừng rậm um tùm, từ cán bộ đến chiến sĩ đều phải chặt cây tự làm nhà, làm phòng băng bó, phòng tiêm, phòng mổ. Cuộc sống thời chiến khó khăn với đói cơm, nhạt muối, có ngày ăn cháo, độn sắn, thậm chí, cả viện phải sinh hoạt, tắm rửa bằng nước có chất hóa học khi nơi đây từng là địa điểm rải chất diệt cỏ da cam đi-ô-xin của quân đội Mỹ. Vượt qua khó khăn, các bác sĩ, y sĩ quân y hết lòng phục vụ cách mạng.

Năm 1969, bà được cử ra miền Bắc học bác sĩ, công tác trong Quân đội đến năm 1989 phục viên. Năm 2012, bà được Chủ tịch nước tặng danh hiệu “Thầy thuốc ưu tú”.

“Bà tiên” giữa đời thường

Trở về đời thường, bà Thục Oanh xin giấy phép hành nghề y tế tư nhân nhưng lấy giá rẻ. Trong khu dân cư, bà thường xuyên đều khám bệnh từ thiện cho trẻ em, người lớn. Ngoài công tác chuyên môn, bà Thục Oanh tích cực tham gia công tác xã hội, Hội chữ thập đỏ, Hội Cựu chiến binh của phường Vĩnh Phúc (Ba Đình, Hà Nội).

Với tinh thần của người lính Cụ Hồ, bà tích cực tham gia các công tác xã hội, phục vụ cộng đồng như tìm mộ liệt sỹ, “Đền ơn đáp nghĩa”, từ thiện nhân đạo. Năm 2010, bà Thục Oanh đứng ra tổ chức thành lập hội Cựu chiến binh nữ Quân y Viện 211-B3 Tây Nguyên.

Trong công tác phòng, chống đại dịch Covid-19, bà đã làm đơn tình nguyện gửi phường, quận xin tham gia công tác chống dịch, tiêm vacxin. Đợt vận động ủng hộ Quỹ phòng chống Covid-19 và Quỹ vacxin tháng 6 và tháng 11/2020 theo kêu gọi của Ủy ban MTTQ phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình, bà đã ủng hộ 14 triệu đồng. Đến nay tổng số tiền bà làm thiện nguyện trên các lĩnh vực hơn 3 tỉ đồng.

Hơn 1 thập kỷ làm từ thiện, bà Thục Oanh nhớ nhất những lần giúp đỡ hoàn cảnh neo đơn, khó khăn. Đó là trường hợp bà Hoàng Thị Đức (Phú Thọ), mù cả 2 mắt, con trai mất, bà Thục Oanh tận tình giúp đỡ, cưu mang hơn 1 tháng ròng, chi tiền viện phí chữa bệnh tại BV Mắt Hà Nội. Đó là lần giúp đỡ cháu 3 tuổi mù bẩm sinh làng Hữu Đô (huyện Đoan Hùng, Phú Thọ) xuống Hà Nội chữa bệnh. Đó còn là kỷ niệm cùng đoàn bác sĩ Hà Nội về nhiều làng xã địa phương để khám bệnh miễn phí.

Đó còn là đợt ủng hộ bà Nguyễn Thị Sinh (Phú Thọ) 35 triệu xây nhà tình nghĩa, bà Đặng Thị Gái (Thừa Thiên Huế) bị lũ lụt xây nhà tình nghĩa 50 triệu đồng… Ngoài ra, các đợt cùng đoàn bác sĩ Hà Nội xuống các xã địa phương khám bệnh miễn phí để lại cho bà nhiều kỷ niệm.

Căn nhà trên ngõ 462 đường Bưởi (phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình, Hà Nội) là địa điểm bà Thục Oanh đón những bệnh nhân, người dân khu vực đến khám miễn phí. Năm 2023, do tuổi cao sức yếu, bản thân trải qua đợt phẫu thuật nặng nên bà tạm thời đóng cửa phòng khám để điều trị bệnh. Bà Thục Oanh cho biết, khi sức khỏe ổn định sẽ vẫn mở cửa phòng khám để tiếp tục công việc chữa bệnh, cứu người. Đối với nhiều người dân phường Vĩnh Phúc, nhắc đến bà Thục Oanh thường gọi với cái tên thân thương “Bà tiên” giữa đời thường.

Nhận xét về bà Thục Oanh, ông Đậu Xuân Tường - Chủ tịch Hội Truyền thống Trường Sơn Sư đoàn 470 cho biết, bà là tấm gương sáng của người chiến sĩ cách mạng, nêu cao phẩm chất của người quân nhân cách mạng “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ”. Từ năm 1989 cho đến nay, bà tích cực làm từ thiện, xây nhà tình nghĩa, ủng hộ tổ chức hội, những hoàn cảnh khó khăn. Một cá nhân xuyên suốt hơn 1 thập kỷ làm từ thiện bằng cái tâm và sự tử tế.

Với những cống hiến cho cách mạng, tích cực hoạt động từ thiện, bà Thục Oanh được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất; Huân chương Quân công hạng Ba; Huy chương Chiến thắng hạng Nhì; Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Nhất, hạng Nhì, hạng Ba; Huân chương chiến sĩ giải phóng hạng Ba; danh hiệu Thầy thuốc ưu tú năm 2012; Chủ tịch UBND Thành phố tặng danh hiệu “Người tốt, việc tốt” năm 2021. Nhiều lần được Tổng cục Hậu cần, Tổng cục kỹ thuật - Bộ Quốc phòng tặng Bằng khen; UBND quận Ba Đình, UBND phường Vĩnh Phúc tặng giấy khen.

Mộc Miên

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/nu-quan-nhan-tich-cuc-lam-viec-thien-365086.html