Nữ nhà giáo ưu tú tâm huyết với sáng kiến nâng cao chất lượng giáo dục

Sau 24 năm gắn bó với nghề, cô Lê Thị Nga, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hà Nội - Điện Biên Phủ đã vinh dự được trao tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú.

Cô Lê Thị Nga trao quà trung thu cho học sinh nhà trường.

Động lực để tiếp tục phấn đấu

Ngành GD&ĐT tỉnh Điện Biên vừa tổ chức Lễ trao tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú (NGƯT) cho 43 thầy cô. Đây là lần đầu tiên tỉnh Điện Biên trao tặng nhiều danh hiệu NGƯT nhất từ trước đến nay. Trong số những thầy cô được vinh dự trao tặng danh hiệu NGƯT lần này có cô Lê Thị Nga, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hà Nội - Điện Biên Phủ.

Suốt chặng đường 24 năm gắn bó với sự nghiệp giáo dục, cô Nga được biết đến như một trong những tấm gương điển hình tận tụy, tâm huyết với nghề, đạt thành tích tiêu biểu, sáng tạo trong năm học. Góp phần tạo ra những chuyển biến tích cực, hiệu quả trong đơn vị, có sức lan tỏa tại cơ sở và trong toàn ngành.

Chia sẻ niềm vui sau khi nhận được danh hiệu NGƯT, cô Lê Thị Nga nói: “Để đạt được thành tích như ngày hôm nay, ngoài yêu nghề còn cần phải luôn luôn nỗ lực học hỏi, chăm chỉ, cần mẫn khắc phục mọi khó khăn trong công việc. Danh hiệu này với tôi vừa là vinh dự, vừa là trách nhiệm, cũng là động lực để tôi tiếp tục phấn đấu hơn nữa trên hành trình làm nghề”.

Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, ông Lò Văn Tiến - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên trao tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú cho cô Lê Thị Nga.

Đằng sau những vinh dự, tự hào ấy, cô Nga cũng không quên những tháng ngày khi mới bước chân vào nghề. Cô Nga kể: “Năm 2000, sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm tỉnh Điện Biên, tôi nhận nhiệm vụ công tác tại Trường THCS Nà Tấu.

Đến năm 2001, tôi được điều chuyển về Trường Tiểu học Thanh Nưa. Đây là 2 xã khó khăn của huyện Điện Biên, lại là giáo viên mới nên tôi cũng gặp phải không ít khó khăn, bỡ ngỡ trong công việc. Nhưng với tinh thần trách nhiệm với công việc, tôi đã vượt qua tất cả để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, được các đồng nghiệp tin yêu”.

Sau hơn 3 năm công tác tại vùng khó, cô Nga được chuyển về Trường Tiểu học Nam Thanh, thành phố Điện Biên Phủ. Năm 2010, cô chuyển về Trường Tiểu học Hà Nội - Điện Biên Phủ. Năm 2016, cô được bổ nhiệm giữ chức vụ Phó hiệu trưởng nhà trường. Đến năm 2021, cô được bổ nhiệm làm hiệu trưởng.

Dù ở môi trường nào, cô vẫn luôn cùng với tập thể sư phạm đoàn kết, sáng tạo và có những đột phá trong công tác quản lý, giảng dạy để đưa phong trào nhà trường đi lên.

“Khi là giáo viên giảng dạy trực tiếp tôi luôn hoàn thành tốt và nhiều năm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Tôi luôn tích cực học hỏi, tự trau dồi chuyên môn nghiệp vụ tay nghề, tìm tòi phương pháp giảng dạy, giáo dục học sinh. Luôn luôn đi đầu trong việc đổi mới phương pháp dạy học, giáo dục học sinh.

Từ đó, phát huy được năng lực, tính chủ động, sáng tạo, hợp tác của học sinh để đạt kết quả cao trong học tập và rèn luyện. Nhiều năm liền, tôi đạt giáo viên dạy giỏi cấp trường, cấp huyện, cấp thành phố, cấp tỉnh và cấp Quốc gia” – cô Nga chia sẻ.

Cô Lê Thị Nga (ngoài cùng bên phải) chụp ảnh lưu niệm cùng đồng nghiệp tại lễ vinh danh.

“Khi làm công tác quản lý nhà trường, cô Nga cũng luôn đi đầu trong đổi mới quản lý giáo dục. Cùng với đó, tích cực, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ, có tinh thần trách nhiệm cao trong công việc và cuộc sống, được đồng nghiệp, học sinh tín nhiệm” – bà Lê Thị Hồng, Trưởng phòng GD&ĐT thành phố Điện Biên Phủ chia sẻ.

Chị Nguyễn Thị Hồng Nhung, phụ huynh có con học lớp 4 tại trường Tiểu học Hà Nội – Điện Biên Phủ nhận định: “Cô Nga có chuyên môn quản lý tốt, luôn cư xử hòa nhã với mọi người. Điều khiến tôi ấn tượng chính là sự năng nổ, nhiệt tình và tâm huyết trong công việc của cô”.

Trong các năm cô Nga làm công tác quản lý, nhà trường đều đạt danh hiệu Tập thể Lao động xuất sắc. Năm 2016, trường được tặng Cờ thi đua của Chính phủ; năm 2018 được tặng Cờ thi đua xuất sắc của Bộ GD&ĐT; năm 2020 được tặng Bằng khen của Chính phủ. Nhiều năm nhà trường được tặng Bằng khen và Cờ thi đua xuất sắc của UBND tỉnh Điện Biên.

“Nhà trường luôn là điểm sáng đứng đầu về chất lượng giáo dục và là trường điển hình trong phong trào thi đua dạy tốt - học tốt của tỉnh” – cô Nga cho biết.

Cô Lê Thị Nga (đứng giữa) thay mặt tập thể nhà trường nhận Giải Nhất Hội khỏe phù đổng cấp thành phố.

Nhiều sáng kiến nâng cao chất lượng giáo dục

Suốt những năm gắn bó với giáo dục Điện Biên, cô Nga đã có nhiều sáng kiến kinh nghiệm được công nhận, áp dụng mang lại hiệu quả trong quản lý, giảng dạy tại cơ sở giáo dục nơi cô công tác.

Trong đó, sáng kiến kinh nghiệm nâng cao chất lượng “Lớp học thân thiện học sinh tích cực” tại trường Tiểu học Nam Thanh vào năm 2012 đã được UBND thành phố Điện Biên Phủ xếp loại A. Cùng đó, cô có nhiều sáng kiến tập trung vào mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

Sáng kiến “Biện pháp nâng cao chất lượng giáo dục kỹ năng sống cho học sinh" tại Trường Tiểu học Hà Nội - Điện Biên Phủ của cô Nga được Hội đồng khoa học thành phố Điện Biên Phủ nghiệm thu đã góp phần rèn kĩ năng sống cho học sinh, tác động tốt đến việc hình thành nhân cách của trẻ.

Cô Nga bày tỏ: “Sáng kiến này mang đậm tính nhân văn, giúp trẻ phát triển toàn diện trở thành những người công dân tốt phù hợp với quá trình phát triển của xã hội hiện nay. Thông qua các biện pháp giáo dục kỹ năng sống thể hiện rõ nét sự tiến bộ của học sinh trong nhận thức, cư xử và linh hoạt xử lí mọi trường hợp, tình huống trong thực tế cuộc sống. Từ đó, giúp học sinh tự tin, mạnh dạn, văn minh trong giao tiếp, học tập, vui chơi và trong cuộc sống hàng ngày”.

Cô Lê Thị Nga thăm, động viên học sinh trong dịp Tết Trung thu.

Cũng theo cô Nga, giáo dục kĩ năng sống cho học sinh là điều rất cần thiết. Nó trang bị đầy đủ những kĩ năng cho các em để có được cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn. Đồng thời giúp những em có thói quen xấu và hành vi tiêu cực dần trở thành con ngoan, trò giỏi và là người có ích cho xã hội sau này.

Để nâng cao chất lượng giáo dục, Trường Tiểu học Hà Nội – Điện Biên Phủ đã chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên. Đến nay, toàn bộ giáo viên trong trường đều đạt chuẩn chất lượng, 100% giáo viên dạy giỏi cấp trường và 20% giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh.

Nhà trường cũng thường xuyên tổ chức phát động phong trào thi đua “Hai tốt” và phong trào đổi mới phương pháp dạy học. Tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên môn hàng tuần theo các chuyên đề để nâng cao chất lượng đội ngũ.

Năm học 2021 – 2022, cô Nga đã có sáng kiến “Một số biện pháp nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu chương trình giáo dục phổ thông 2018”. Sáng kiến này với giải pháp mang tính mới giúp 100% giáo viên trong nhà trường nhận thức được việc nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên có vai trò quan trọng và rất quan trọng trong việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.

Việc áp dụng sáng kiến đã giúp đội ngũ giáo viên được trang bị vốn kiến thức về giáo dục toàn diện cho học sinh. Giáo viên có kỹ năng truyền thụ, thực hiện hoạt động giáo dục có hệ thống mang tính giáo dục cao. Từ đó, vận dụng các phương pháp thích hợp để hình thành cho học sinh các kỹ năng một cách hiệu quả nhất.

“Tôi cùng Ban giám hiệu nhà trường đã tạo mọi điều kiện khuyến khích đội ngũ cán bộ, giáo viên tự học, tự bồi dưỡng để không ngừng nâng cao trình độ đào tạo, chuyên môn, công nghệ thông tin và ngoại ngữ. Đặc biệt quan tâm tới trình độ chuyên môn của giáo viên vì chất lượng đội ngũ là yếu tố quan trọng quyết định tới chất lượng giáo dục của nhà trường” – cô Nga thông tin.

Minh Đức

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/nu-nha-giao-uu-tu-tam-huyet-voi-sang-kien-nang-cao-chat-luong-giao-duc-post675042.html