Nữ lao công Hà Nội bất ngờ nhận quà trong đêm 8.3

Với mong muốn mang đến cho các nữ lao công thủ đô một đêm 8.3 ý nghĩa, anh Đỗ Văn Dệ (Trưởng ban mạng lưới tình nguyện phía Bắc) đã cùng các bạn tình nguyện thủ đô lên ý tưởng triển khai chương trình “Thương lắm tiếng chổi tre” với hoạt động tặng quà và sẻ chia cũng những nữ lao công Thủ đô.

Lao công Thủ đô bất ngờ nhận quà 8.3 từ các tình nguyện viên

Bất ngờ và xúc động

Hà Nội lạnh, mưa phùn lất phất bay càng khiến cho da thịt thêm phần tê buốt. Trong cái rét mướt của đêm 8.3 – ngày Quốc tế phụ nữ, có rất nhiều gia đình, cặp đôi dắt díu nhau đi chơi, đi ăn, đi dạo. Bên cạnh những ồn ào, tấp nập là hình ảnh của những nữ công nhân vẫn đang âm thầm hoàn thành công việc của mình mặc kệ mưa hay nắng.

Là công việc phải thức khuya dậy sớm, suốt ngày các chị phải tiếp xúc với rất nhiều rác thải bẩn, có mặt ở mọi ngóc ngách lớn nhỏ, xuất hiện ở con ngõ không đèn…. Một nghề ẩn nấp nhiều mối nguy hiểm rình rập, đó là những đe dọa về sức khỏe từ các chất thải bẩn, đó là những tai nạn trong mỗi hành trình quét rác.

Mỗi lao công đều được trang bị những dụng cụ quen thuộc đó là áo bảo hộ, chiếc chổi tre và chiếc xe thùng chở rác. Hình ảnh chiếc chổi tre đã đi vào văn học, hiện thân cho nghề lao công quét rác đêm ngày. Các chị lao công với dáng hình bé nhỏ lúc nào cũng kéo đẩy chiếc xe chở đầy rác cao lớn hơn 3 người cộng lại.

Vừa đẩy xong rác lên xe cẩu, chị Tạ Thị Bích Hường không khỏi bất ngờ khi có một nhóm thanh niên tình nguyện đến tặng hoa và quà cho chị, rồi cất cao lời ca tiếng hát. Trong sự gấp gáp của công việc, chị Hường gửi nhanh lời cảm ơn sâu sắc đến các bạn tình nguyện viên và tâm sự đôi điều về việc làm hiện tại: Mỗi ngày chúng tôi phải dậy từ 6h sáng, tập trung và mặc quần áo bảo hộ sau đó bắt tay vào công việc. Nếu xe cẩu rác đến sớm thì đến 2h sáng chúng tôi kết thúc công việc, nhưng những lúc rác nhiều, xe cẩu đến muộn thì hơn 3h mới được về nhà đi ngủ.

Chị Hường được các bạn tình nguyện bất ngờ ùa đến tặng hoa

Đang quét rác trên đường Lý Thái Tổ (Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), cô Dương Thị Quyên giật mình khi thấy đoàn tình nguyện nhảy vào tặng hoa, dành những lời hỏi thăm và những bài hát ngọt ngào. Những câu chuyện qua lại với giọng xưng hô trìu mến “cô – con” xóa nhòa khoảng cách ngại ngần ban đầu. Cô Quyên không ngần ngại trải lòng về những bức xúc gặp phải trong nghề: Tình trạng vứt rác không đúng nơi đúng chỗ, cô vừa bỏ để thùng rác nhưng họ không cho rác vào trong thùng mà lại vứt ra bên ngoài. Cũng có nhiều điều muộn phiền lắm chứ, thôi nghĩ đi nghĩ lại mình là người phục vụ cho nhân dân nên cần làm cho đến nơi đến chốn.

Hạnh phúc và biết ơn

Với những người lao công tất bật tối ngày, rất cần sự ủng hộ của gia đình, sự sẻ chia từ chồng con, chắc có lẽ cô Dương Thị Quyên bám chặt với nghề được hơn 20 năm cũng vì đằng sau cô có một hậu phương vững chắc. Cô nói: Chú cũng làm nghề thoát nước môi trường, lúc trời mưa gió vất vả vô cùng, nên cả hai vợ chồng cũng thông cảm cho nhau. Niềm hạnh phúc được làm công việc mình thích, niềm hạnh phúc khi có những con người cùng đồng cảm sẻ chia thì còn gì vui bằng.

Niềm hạnh phúc đến từ những nụ cười của các cô lao đông đọng lại trong trái tim của đoàn tình nguyện. Đó là nụ cười rạng ngời khi cô Sáu (quê ở Vĩnh Lộc, Thanh Hóa): Cô hạnh phúc khi các con đến chúc mừng cô như thế này, cảm ơn sự quan tâm của các con đến những người lao động chân tay như cô.

Các bạn tình nguyện viên vây quanh dành các lao công những lời ca tiếng hát

Đó là niềm hạnh phúc đến từ ban tổ chức chương trình, anh Đỗ Văn Dệ - Trưởng ban mạng lưới tình nguyện phía Bắc cho biết: Cách đây 2 năm, trong một lần đi chơi ngày 8.3 ở Hồ Gươm, tôi vắt gặp hình ảnh của nữ lao công âm thầm làm sạch thành phố trong khi có đêm hôm đấy có rất nhiều gia đình, cặp đôi dắt díu nhau đi chơi. Trong đầu tôi nảy sinh ý nghĩ nên làm điều gì đó ý nghĩa dành tặng riêng cho những nữ lao công.

Năm đó, cũng bởi vì chưa có điều kiện nên đến năm 2017 chương trình “Thương lắm tiếng chổi tre” mới thực hiện được. Thông qua sự kiện này, tôi hi vọng, các bạn trẻ học đươc cách quan tâm và chia sẻ hơn nữa với những người lao động quanh ta, biết ơn sâu sắc với những con người lặng lẽ làm sạch môi trường.

Hạnh phúc của các bạn tình nguyện viên khi tham gia vào chương trình, khi chính họ được tự tay làm tấm thiệp handmade, tự tay gói quà và mang gói quà đó đến tận tay cho các cô lao công.

Đằng sau những suất quà cũng là niềm hạnh phúc của các bạn tình nguyện viên

Mặc dù chương trình được mở ra với quy mô nhỏ, dừng lại ở 10 suất quà nhưng chính điều này đã truyền cảm hứng cho các bạn trẻ khác, hiểu được ý nghĩa của công việc các chị đang làm. Không chỉ tôn vinh các chị chỉ trong ngày Quốc tế 8/3 mà còn nhiều hơn thế nữa, đó là lòng biết ơn sâu sắc gởi đến những người lao công nếu không có các chị thì không biết những con đường sẽ có còn xanh được hay không.

Hà Nguyễn

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/thoi-su-xa-hoi/nu-lao-cong-ha-noi-bat-ngo-nhan-qua-trong-dem-83-645041.bld