Nụ cười hồn nhiên của trẻ thơ ở xóm Việt kiều không quốc tịch

Nụ cười hồn nhiên của trẻ thơ rạng ngời trên từng khuôn mặt. Nhưng chúng đâu biết rằng, tương lai sẽ giống như cha ông mình, đều là những người không quốc tịch

Xóm Việt kiều là những kiều bào di cư từ vùng Biển Hồ (Campuchia) xuôi theo kênh KT7 về tập trung sinh sống tại xã Hưng Hà, huyện Tân Hưng, tỉnh Long An (giáp biên giới Việt Nam – Campuchia).

Theo một người dân tại đây cho biết, cuộc di cư bắt đầu từ năm 2003 khi kinh tế trong vùng Biển Hồ trở nên khó khăn sau những biến động về thời tiết. Lòng Biển Hồ cạn nước bất thường kéo theo lượng thủy sản cũng ít dần. Những người dân định cư tại đây không thể làm kinh tế để duy trì cuộc sống hiện tại nên quyết định xuôi về miền đất mẹ phương Nam.

Thu nhập của xóm Việt kiều này chủ bằng việc đi làm "thợ đụng". Theo tiếng lóng của dân địa phương, thợ đụng nghĩa là ai kêu gì thì làm nấy, đụng gì cũng làm. Vì không có giấy tờ tùy thân nên thu nhập thấp hơn nhiều so với dân bản địa. Người lớn có thể kiếm 50.000 - 80.000 đồng/ngày

Hàng trăm đứa trẻ trong độ tuổi đi học không thể đến trường vì chưa có quốc tịch nên không thể làm giấy khai sinh. Hằng ngày, những đứa lớn theo ba mẹ để phụ việc, đứa nhỏ ở nhà tập trung lại chơi với nhau.

Một vài gia đình có ước mơ cho con đến lớp nên mượn giấy khai sinh của những đứa trẻ có quốc tịch Việt Nam trong vùng để con biết mặt chữ. Nhưng học đến lớp 5 lại nghỉ vì không thể có hồ sơ để chuyển trường.

Theo một cán bộ thuộc đồn biên phòng Sông Trăng cho biết, những gần đây, đồn biên phòng đóng chân trên địa bàn xã có mở một số lớp học tình thương dạy cho những con em Việt kiều này nhằm giúp xóa nạn mù chữ.

Dưới cái nóng như đổ lửa trong căn nhà lụp xụp, hàng chục đứa bé không thể ngủ ngon giấc trưa chạy rong ngoài nắng.

Nụ cười trong veo của những đứa trẻ trong xóm Việt kiều không quốc tịch.

Đến những người già sắp lìa trần vẫn là những người không có quốc tịch.

Theo Sở Tư pháp tỉnh Long An, để được nhập quốc tịch thì những Việt kiều này phải định cư trên địa phương từ 20 năm trở lên. Việc này đồng nghĩa là không chỉ người lớn, mà hàng trăm trẻ em cũng rơi vào khó khăn kéo dài, khi không thể đến trường vì không đủ tính pháp lý.

Trần Phương

Nguồn PNNews: http://phununews.vn/doi-song/nu-cuoi-hon-nhien-cua-tre-tho-o-xom-viet-kieu-khong-quoc-tich-95277/