NTD ăn rau, quả, ăn cả… thuốc kích thích

(VTC News) – Chỉ mất 4 ngàn đồng, ai cũng dễ dàng để mua được gói thuốc “thần dược siêu tăng trưởng” Ga3 dù loại thuốc kích thích tăng trưởng này không có trong Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng ở Việt Nam.

Thuốc kích thích tăng trưởng giá chỉ… 4 ngàn đồng Ông Thất, một nông dân ở xã Đức Thượng, Hoài Đức, Hà Nội tiết lộ: “Thuốc bảo vệ thực vật bây giờ đủ loại. Mua thuốc kích thích tăng trưởng cây lớn như thổi, của Việt Nam cũng có mà của Trung Quốc cũng có”. Nhưng khi được hỏi thì ông Thất lảng tịt không nói mua ở đâu. Trong vai người mua về bón mấy sào rao muống, rau cải, VTC News đã lùng sục tìm loại thuốc này. Tại cừa hàng bán phân bón cây cảnh gần chợ Láng Thượng, Đống Đa, Hà Nội, chúng tôi dễ dàng mua được 1 loại thuốc kích thích tăng trưởng có tên Fito, chuyên dùng kích thích ra hoa, ra hoa tập trung và trái vụ dành cho các loại cây lấy hoa, lấy quả. Sản phẩm này do công ty CP phân bón FitoHoocmon có địa chỉ ghi trên bao bì tại 814/3 Đường Láng, Hà Nội, tuy nhiên, màu sắc, nét chữ trên bao bì không sắc nét. Bản thân thành phần thuốc nêu gồm: “N, K2, P2, Fe, Cu, Zn, Mo, Mn, Mg… Và thòng thêm cụm “các chất điều hòa sinh trưởng”, là yếu tố được quan tâm nhất nhưng lại chỉ được ghi rất chung chung. Gói thuốc có phần chữ và số dập ngày tháng sản xuất bằng chữ Trung Quốc này có giá khá rẻ, chỉ 4 ngàn đồng. Điều đáng nói là, thuốc kích thích tăng trưởng mang tên Fito không nằm trong số 49 hoạt chất với 118 tên thương phẩm trong “Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng ở Việt Nam” (theo thông tư số 24/2010/TT-BNNPTNT ngày 08/04/2010 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn). Được mách ở ngay cổng chợ Bưởi cũng có bán loại thuốc kích thích tăng trưởng, chúng tôi có mặt tại đây. Ngay phía ngoài chợ Bưởi, chị bán hàng thấy chúng tôi đỗ lại liền đon đả mời mua giống cây, và hạt trồng rau. Nhưng khi hỏi đến thuốc kích thích tăng trưởng để bón cho rau muống, chị này khá nhanh nhạy và sinh nghi nên nguây nguẩy: “Chị không có loại thuốc em hỏi đâu, chỉ có phân bón hữu cơ thôi”. Sau vài giờ tìm kiếm, VTC News đã lần ra nơi bán thuốc kích thích tăng trưởng được rất nhiều bà con nông dân khu vực Nhổn đến mua. Từ quốc lộ 32, đoạn Nhổn rẽ đi Tây Tựu, chúng tôi đã tiếp cận được cửa hàng bán thuốc kích thích tăng trưởng cùng các thuốc bảo vệ thực vật khác. Trong gian hàng nhỏ, bụi bặm, từng loại thuốc bảo vệ thực vật ngổn ngang, bừa bãi mà không thấy bóng dáng người bán hàng. Nhưng sau khi có lời gọi, bà chủ cửa hàng Mai Thành (ĐT: 37655xxx) đon đả ra tiếp. Sau khi hỏi mua thuốc kích thích tăng trưởng, bà chủ cửa hàng nhanh nhảu chìa ra gói thuốc có bao bì màu đen. Thuốc có tên thương phẩm Gibber – 2SP với thành phần là hoạt chất Gibberellic Acid 2%, của công ty TNHH Hóa sinh Á Châu, là loại thuốc được Bộ NN & PTNT cho phép sử dụng – PV), có giá 5 ngàn đồng/gói 13 gr. Khi tôi chăm chú xem gói thuốc, bà chủ Mai Thành đón ý: “Thuốc này đánh rau gì cũng được để cho nó vừa lên nhanh lại vừa đẹp. Thuốc dùng cho rau muống, rau cải, rau gì cũng được. Cái này không phải cấm đoán gì đâu, cứ đọc mà dùng, không độc hại gì đâu, cứ yên tâm. Em mua cả chục gói nhé (?)”. Mua xong loại thuốc trên, chúng tôi muốn mua thêm loại thuốc Ga3 thì bà chủ ngay lập tức lấy ra gói thuốc Ga3 với dòng chữ “thần dược siêu tăng trưởng”. Thuốc này cũng có hoạt chất là Gibberellic Acid, giá chỉ 4 ngàn đồng/gói 5gr. Theo tư vấn của bà Mai Thành, loại Ga3 này làm cây dài ra và để cho cây không bị biến dạng, chỉ nên bón cho rau muống, rau ngót, dăm, húng. Với rau cải, đặc biệt là xà lách thì càng không nên dùng vì nó von cây, bé lắm (cây nhanh dài, biến dạng lá và thân - PV)”. Đọc trên bao bì, chỉ có thông tin hướng dẫn sử dụng là lấy gói 5gr pha với 20 – 40 lít nước mà không nói rõ dùng cho lượng rau như thế nào, chúng tôi gặng hỏi, bà chủ cửa hàng này nói: “Ai người ta tính tỉ mỉ thế, có độc hại gì đâu, nó là kích thích chứ là gì đâu mà sợ”. Thấy chúng tôi hỏi nhiều, bà Mai Thành phẩy tay: “Ở đây ghi rõ rồi, cứ về đọc thì sẽ rõ. Đứng đây làm gì cho nó độc hại ra, về nhà mà đọc. Bà chủ vội vàng đuổi và sang cửa hàng bên cạnh ngồi chắc để đỡ độc hại từ chính những loại thuốc bà bán ra. Và theo “Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng ở Việt Nam” của thông tư số 24/2010/TT-BNNPTNT thì thuốc Ga3 này cũng không có trong trong danh mục cho phép sử dụng. Nông dân coi là "thuốc bổ” (?!) Tại một khu chợ ở Nhổn, bà Na, vừa là người trồng rau, vừa đi bán cho biết, rau bà bán được bón phân từ 1 tuần lễ trước. Rau muống trồng 20 ngày là ăn được một lứa, cứ bón phân và tưới đủ nước thôi. Cầm gói thuốc, chúng tôi tiếp tục vào cánh đồng gần quốc lộ 32. Tại khu Lai Xá, Hoài Đức, Hà Nội, anh Hùng, một nông dân đang bón phân và tưới nước cho rau cải, xà lách… Anh Hùng khẳng định, anh chỉ bón thuốc kích thích khi cây cải còn nhỏ. Nhìn gói thuốc Ga3, anh cho biết: Thông tin liều lượng ghi trên nhãn là một chuyện và khi “đánh thuốc thì phải đánh 1 bình 12 – 15 lít cho 2 gói thuốc vào, vì đánh như thế thì nó mới mỡ được lá”. Những điều anh Hùng vừa khuyên khác hẳn với thông tin trên tờ hướng dẫn ghi 1 gói thuốc cho 20 – 40 lít nước. Theo như lời anh Hùng nói, phải chăng người nông dân muốn cây lớn nhanh hơn nên họ tăng liều gấp đôi hướng dẫn sử dụng?! “Rau ghém này mới trồng được 17 ngày nhưng trông còn bé tí, chỉ còn 13 ngày nữa là được ăn, 1 tháng là thu hoạch một đợt. Mai tôi đánh cho bình thuốc (thuốc tăng trưởng – PV), rồi tuần sau oánh thêm đạm thì sẽ nhanh lắm, bé lúc nhỏ thôi, chứ to thì nhanh lắm”. Tay thoăn thoắt bón đạm cho mấy luống cải ngọt, anh Hùng hồ hởi: “Cải này 5 hôm nữa thì ăn được, tưới xong cây bị tạt thế thôi nhưng đêm thì nó lại dậy ngay. Cải đánh thuốc dễ nhất vì lá nó hấp thụ nhanh nhất. Hiện cải nào cũng đắt, giờ cải ngọt cũng 7 ngàn đồng/kg. Cải xanh đã bán 2 ngàn đồng/mớ. Như lời anh Hùng kể thì đám cải trên ruộng đã được 17 ngày, gieo bằng hạt còn trồng rau diếp thì lâu hơn rau cải. Theo kinh nghiệm của anh, nếu đánh thuốc thì ngày nào cũng phải tưới, nếu được 2 lần thì tốt để giã thuốc. “Bán toàn cho người quen trong Trôi, đưa cả nhà trẻ, nếu không làm cẩn thận thì chết toi… Có rau sạch đấy nhưng khó lắm vì giờ sâu bệnh nhiều, không như ngày xưa. Đánh đây 5 hôm rồi, nhưng ngày nào cũng phải tưới thế này đấy”, anh Hùng bày tỏ. Một người nông dân khác đi qua, khi được hỏi về gói thuốc Ga3, bà này thản nhiên nói: “Thuốc này đánh là thuốc bổ chứ gì đâu”. Với quan niệm đó, không ít nông dân lợi dụng để nhanh chóng được thu hoạch. Còn người tiêu dùng, khi mua rau không rõ nguồn gốc có nguy cơ ăn chính những thuốc độc hại có trong rau do người trồng phun cận kề ngày. Bà Tuyết, một nông dân tại thôn Tằng My, xã Nam Hồng, Đông Anh, Hà Nội thì ý thức hơn trong việc giữ gìn sức khỏe cho chính gia đình mình và cho người dùng. Bà cho biết: “Vừa rồi, gia đình bà trồng hơn 2 sào bí xanh, mỗi sào được hơn 2 ngàn cây. Nếu không có sâu thì không phải phun nhưng khi nhiều sâu thì phải phun nhiều. Phun thuốc hóa học thì để dài khoảng 10 ngày đến 15 ngày mới thu hoạch, nếu phun thuốc sinh học thì ngắn thời gian khoảng 3 – 5 ngày có thể thu hoạch”. Về lý do giữ gìn sức khỏe cho chính mình, bà khẳng định: “Giờ người ta phun thuốc sinh học nhiều vì nó không hại sức khỏe, nếu phun nhiều thuốc hóa học thì cả người làm ra sản phẩm và người tiêu dùng đều bị hại. Theo bà Tuyết thì ăn bí ngô, bí xanh là khá an toàn vì bí xanh, bí ngô có vỏ dầy. Bí xanh lúc quả nhỏ thì phun thuốc trừ sâu, nhưng khi để quả già thì họ không phun nữa nên cái vỏ nó cứng và thời gian cách ly lâu rồi nên không bị ảnh hưởng bởi thuốc hóa học vì nó phân hủy rồi. Độc hại khó nhận biết Hiện, nhiều thuốc kích thích tăng trưởng hay còn gọi là thuốc điều hòa sinh trưởng có thành phần hoạt chất là Gibberellic acid giúp khích thích tăng trưởng cho cây trồng. Tuy nhiên, theo ông Vương Trường Giang, Trưởng phòng Quản lý thuốc bảo vệ thực vật, Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NN&PTNT: “Nếu sử dụng Gibberellic acid quá liều ghi trên nhãn là sai. Với chất này, nó tác dụng tới tùy đối tượng cây trồng, nếu quá thì cây sẽ không phát triển bình thường mà làm cây biến đổi và chất lượng thực phẩm cũng thay đổi. Gibberellic làm kéo dài tế bào nếu trong điều kiện dinh dưỡng đầy đủ, làm cây phát triển nhanh theo chiều dọc. Thường dùng liều lượng cao và tùy thuộc chế độ dinh dưỡng nó có thể làm nhạt màu của lá. Khi sử dụng quá liều lượng ghi trên nhãn ít thì NTD cũng khó để nhận biết được, chỉ có thể nhận biết qua kiểm tra dư lượng trong cây trồng, nếu vượt ngưỡng thì hoàn toàn độc hại.” Ông Giang khuyến cáo: “Nhiều người dân rất muốn dùng nhận định cảm quan để biết, nhưng quả thật nhìn cảm quan rất khó. Trước mắt, NTD nên tăng cường sử dụng rau ở hàng rau an toàn có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, dùng rau hoa quả đúng mùa để đúng theo quy luật tự nhiên”. Về cách xử lý những chất kích thích tăng trưởng còn dư trên rau quả, vị chuyên gia này cho rằng nếu chất kích thích tăng trưởng đã ngấm vào tế bào thực vật thì không thể rửa trôi hết được, nhưng nếu nó chỉ bám ở bên ngoài thì rửa cũng có thể loại bỏ được. NTD nên dùng muối ngâm và rửa nhiều lần. Bài, ảnh: Nguyễn Tâm Bạn có kinh nghiệm gì về các chất kích thích sinh trưởng, bạn có những ý tưởng gì về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng. Hãy chia sẻ với chúng tôi vào ô thảo luận cuối bài viết hoặc liên hệ với chúng tôi theo đường dây nóng 01255.911.911. Trân trọng cảm ơn!

Nguồn VTC: http://vtc.vn/bvntd/156-255122/the-gioi-tieu-dung/ntd-an-rau-qua-an-ca-thuoc-kich-thich.htm