NSƯT Trần Lực và người thân tiễn biệt cha NSND Trần Bảng

Lễ viếng GS. NSND Trần Bảng diễn ra 13h30 ngày 24/7 tại Nhà tang lễ số 5 Trần Thánh Tông (Hà Nội). NSND Trần Bảng là đại thụ của nghệ thuật chèo Việt Nam. Sự ra đi của ông là tổn thất lớn đối với thế hệ nghệ sĩ chèo kế cận.

Lễ viếng GS. NSND Trần Bảng diễn ra lúc 13h30 ngày 24/7 tại Nhà tang lễ số 5 Trần Thánh Tông (Hà Nội). Lễ truy điệu và đưa tang vào hồi 15h đến 15h15 cùng ngày. NSND Trần Bảng qua đời sáng 19/7, sau thời gian nằm viện điều trị bệnh viêm phổi và chấn thương khớp.

NSƯT Trần Lực cùng chị gái và các con, cháu túc trực bên linh cữu NSND Trần Bảng.

Các cháu, chắt của NSND Trần Bảng đến tiễn biệt người cụ, người ông đáng kính.

Phó trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư Trần Thanh Lâm, Vụ trưởng Vụ Văn hóa - Văn nghệ Ban Tuyên giáo T.Ư Nguyễn Minh Nhựt tới viếng NSND Trần Bảng.

NSND Trịnh Thúy Mùi - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam - dẫn đầu đoàn nghệ sĩ của Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam có mặt sớm tại lễ viếng.

NSND Trịnh Thúy Mùi bày tỏ sự ra đi của NSND Trần Bảng là tổn thất không gì có thể bù đắp, để lại nỗi tiếc thương cho giới văn nghệ sĩ nói chung và nghệ sĩ chèo nói riêng. "Ông là một nhân cách lớn, một đạo diễn hàng đầu của nghệ thuật chèo. NSND Trần Bảng có công lớn trong việc dẫn dắt, định hướng, bảo tồn nghệ thuật chèo trong giai đoạn khó khăn. Ông thổi hồn cho chèo phát huy được những giá trị tinh hoa riêng có", NSND Trịnh Thúy Mùi chia sẻ.

NSƯT Thu Huyền - Phó Giám đốc Phụ trách Nhà hát Chèo Hà Nội - cùng các nghệ sĩ Nhà hát Chèo Hà Nội viếng NSND Trần Bảng. Với NSƯT Thu Huyền, NSND Trần Bảng là đại thụ, người thầy luôn hết lòng với nghệ thuật chèo.

NSND Quốc Anh chia buồn cùng gia quyến.

NSND Quốc Trượng - Giám đốc Nhà hát Chèo Quân đội tại lễ viếng.

NSƯT Ngọc Thoa xúc động bên linh cữu NSND Trần Bảng.

NSƯT Trần Lực thay mặt gia đình nói lời cảm tạ. NSƯT Trần Lực là người kề cận, chăm sóc NSND Trần Bảng hàng ngày. Nhiều năm nay, anh giữ thói quen chia sẻ những khoảnh khắc đời thường, kể chuyện về cha trên mạng xã hội.

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam - chia sẻ nỗi mất mát cùng gia đình.

NSƯT Quốc Khánh, NSND Trung Anh xúc động tiễn biệt bậc thầy NSND Trần Bảng.

NSND Minh Thu - học trò của NSND Trần Bảng - xúc động và tiếc nuối khi chưa kịp đến thăm thầy những ngày cuối. "Khóa diễn viên chèo được đào tạo tại Nhà hát Chèo Việt Nam năm 1973-1977 được thầy yêu mến và dành nhiều tâm huyết nhất. Chúng tôi không bao giờ quên được người thầy tài ba, nhân hậu", NSND Minh Thu bày tỏ.

NSƯT Lê Tuấn Cường - Quyền Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam - có nhiều kỷ niệm khi làm việc cùng NSND Trần Bảng. Anh cho biết NSND Trần Bảng là người hoan hỉ, bao dung với các học trò. "NSND Trần Bảng tôn trọng sự sáng tạo của những nghệ sĩ biểu diễn trên sân khấu. Ông giúp họ thăng hoa khi diễn xuất", NSƯT Lê Tuấn Cường nói với Tiền Phong.

NSƯT Trần Lực khóc bên linh cữu cha - người trao truyền ngọn lửa đam mê sân khấu cho con trai.

Những năm cuối đời, NSND Trần Bảng sống cùng gia đình NSƯT Trần Lực. Khi tuổi cao, sức khỏe giảm sút, ông vẫn cố gắng đọc tin tức trên báo, mạng xã hội hoặc nhờ con trai đọc sách cho nghe.

Gia đình tổ chức lễ an táng lúc 11h ngày 25/7. NSND Trần Bảng an nghỉ tại nghĩa trang quê nhà (xã Cổ Am, huyện Vĩnh Bảo, TP. Hải Phòng).

NSND Trần Bảng sinh năm 1926 tại xã Cổ Am, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng, trong một gia đình có truyền thống khoa bảng, nhiều người thành danh ở lĩnh vực văn chương nghệ thuật. Sau Cách mạng tháng Tám, nghệ sỹ Trần Bảng tham gia kháng chiến chống Pháp. Năm 1951, ông tham gia vào Đoàn Văn công Trung ương, cùng tổ kịch với Thế Lữ, Song Kim, Nguyễn Hoài... Cũng thời gian này, ông bắt đầu đến với nghệ thuật chèo.

Hơn 60 năm lao động, gắn bó với nghệ thuật chèo, NSND Trần Bảng sáng tác những vở chèo nổi tiếng như: Con trâu hai nhà (1956), Đường đi đôi ngả (1959), Cô gái và anh đô vật (1976), Tình rừng (1972), Câu chuyện tình những năm 80 (1981), Máu chúng ta đã chảy (1996)… NSND Trần Bảng ghi dấu ấn ở cả 3 vai trò soạn giả, đạo diễn và nhà lý luận.

NSND Trần Bảng là Giám đốc đầu tiên của Nhà hát Chèo Việt Nam. Từ năm 1966 đến năm 1971, ông giữ vị trí Vụ phó Vụ nghệ thuật kiêm Viện trưởng Viện Sân khấu. Từ năm 1971 đến năm 1985, ông làm Vụ trưởng Vụ nghệ thuật sân khấu thuộc Bộ Văn hóa. Sau khi về hưu, ông tiếp tục tham gia giảng dạy tại Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội và Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam.

Ngọc Ánh - Hoàng Mạnh Thắng

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/nsut-tran-luc-va-nguoi-than-tien-biet-cha-nsnd-tran-bang-post1554229.tpo