NSND Trần Nhượng: Vẫn khát khao đi tìm cái mới

Mặc dù nghề là diễn viên kịch nói (sau này là GĐ Nhà hát kịch CAND), nhưng NSND Trần Nhượng lại gắn với nghiệp phim ảnh hơn và mọi người biết đến ông qua rất nhiều vai chính.

Điều đặc biệt là những vai chính ấy luôn ở hai thái cực khác nhau: Hoặc là chính diện, hoặc là phản diện - kiểu như không làm “Chủ tịch tỉnh” (tên một bộ phim) thì phải làm Trùm ma túy - mà phần lớn những vai này đều xem được. Có lẽ, một trong những lý do để đạo diễn chọn ông vào các vai đó là bởi tính cách của ông ngoài đời cũng rất rõ ràng, yêu - ghét phân minh, luôn thẳng thắn bày tỏ quan điểm của mình. Và đặc biệt, ở tuổi 65, NSND Trần Nhượng vẫn khát khao đi tìm cái mới. Một trong những khát khao ấy vừa được ông biến thành hiện thực, cho dù rất nhiều chông gai, trở ngại - đó là Nhà hát Thử nghiệm Việt Nam (17 Trần Quốc Toản, HN). Và câu chuyện giữa chúng tôi được bắt đầu từ khát khao ấy của ông.

Ông sẽ làm gì với “Nhà hát Thử nghiệm” ấy, thưa ông?

- Lúc đầu chúng tôi định thành lập một Nhà hát sân khấu thử nghiệm trực thuộc Hội Nghệ sĩ sân khấu VN, nhưng sau đó, Hội nghĩ rằng thành lập Nhà hát như thế thì nghe có vẻ “to chuyện” quá, nên quyết định thành lập CLB và giao tôi là Chủ nhiệm. Nhưng là CLB thì lại không được phép có con dấu và tài khoản riêng… Chỉ có Trung tâm hay Nhà hát, Đoàn.. thì mới có con dấu, tài khoản để đi quan hệ, giao dịch. Nhưng vì lý do gì đó, Hội vẫn quyết định lấy tên là CLB. Trước tình hình đó, tôi tự lập doanh nghiệp - Cty Cổ phần Nhà hát Thử nghiệm - bởi tôi không muốn phụ thuộc vào bất cứ hội nào. Tôi cũng muốn tạo hướng hoạt động thật mở cho Nhà hát này, nghĩa là bất cứ loại hình nghệ thuật đương đại và dân gian nào cũng có thể biểu diễn, giao lưu ở đây như: Ca nhạc và đặc biệt là âm nhạc dân gian như ca trù, quan họ, chầu văn, xoan, xẩm… thậm chí có cả opera. Một trong những hoạt động mà tôi đang tiến hành là tạo dựng là Nhà hát Văn học (nằm trong Nhà hát Thử nghiệm). Đây sẽ là nơi các tác giả, khán giả đến nghe các kịch bản văn học mà không bị tác động hay sự áp đặt của các đạo diễn. Bởi vì có những trường hợp tác giả và đạo diễn không tìm được tiếng nói chung và tác giả đã không giao tác phẩm của họ nữa. Đây là cơ hội để tác giả thể hiện mình. Có rất nhiều kịch bản kinh điển của thế giới nhưng VN chưa có điều kiện để dàn dựng vì thế khán giả có thể đến đây để nghe kịch bản đó. Nhưng không phải nghe một cách thông thường mà đọc theo kiểu phân vai, có cả âm nhạc, ánh sáng và có những lớp nào hay thì được diễn viên diễn minh họa. Như thế sẽ tạo cho khán giả một cách thưởng thức tác phẩm mới…

Có tham vọng quá không, thưa ông? Hơn nữa, rõ ràng, đối tượng khán giả đến với Nhà hát Thử nghiệm này đã được mặc nhiên quy định là những người rất kén chọn hoặc phải yêu nghề, hiểu nghề… Vậy lấy gì nuôi Nhà hát?

- Đối tượng khán giả là sinh viên nghệ thuật, sinh viên trường ĐH Xã hội và Nhân văn, ĐH Tổng hợp, các tác giả, nghệ sĩ - đương nhiên. Tôi cũng còn có nhiều ý tưởng khác cho Nhà hát, ví dụ như diễn để phục vụ cho khách du lịch. Điều này, tất nhiên có nhiều đoàn làm rồi, thậm chí là làm rất thành công. Nhưng tôi vẫn muốn làm, bởi tôi nghĩ, sẽ cố chọn những gì tinh túy nhất của nhiều loại hình nghệ thuật dân gian vào đây để biểu diễn. Tất nhiên, mình phải tạo được một không gian sân khấu ước lệ, có sự tương tác với khán giả và có chỗ ngồi thoải mái cho khán giả như trong quán bar, cà phê.

Vợ tôi bảo tôi là người không bình thường. Có lẽ không bình thường ở chỗ tôi rất khát khao đi tìm cái mới, khát khao thử nghiệm một cái gì đó. Tôi không biết làm kinh tế nên đã từng thất bại rất nhiều ở những cuộc thử nghiệm kiểu như thế và đã phải gánh chịu hậu quả về kinh tế cũng kha khá. Nhưng là nghệ sĩ nên tôi nghĩ, ngừng thử nghiệm, sáng tạo thì sẽ rơi vào lối mòn và không còn gì thú vị nữa. Ngay cả ý tưởng về Nhà hát Văn học nói ở trên, hiện nay vẫn có nhiều bạn bè gàn, nhưng tôi cho đó là ý tưởng hay nên tôi vẫn quyết tâm làm.

Thưa, vậy còn CLB Sân khấu thử nghiệm của Hội Nghệ sĩ Sân khấu VN do ông làm Chủ nhiệm thì sao?

- CLB vẫn hoạt động, nhưng chỉ ở mảng sân khấu thôi. Trong Liên hoan sân khấu Thử nghiệm Quốc tế (diễn ra ngày 13.11), chúng tôi đã đăng ký một vở cho CLB (phối hợp với Nhà hát Tuồng VN và Nhà hát Thử nghiệm VN). Nhưng vì một vài lý do, trong đó, chủ yếu là không xin được kinh phí nên vở diễn phải hủy bỏ đăng ký.

Nhắc đến Liên hoan Sân khấu Thử nghiệm Quốc tế (diễn ra từ 13 - 19.11), tôi nhớ đến thái độ khá bức xúc của ông khi cho rằng công tác tổ chức chưa kỹ… Cụ thể như thế nào, thưa ông?

- Sự chuẩn bị cho khâu tổ chức đang có nhiều vấn đề gây cho người ta băn khoăn. Thứ nhất, cách tổ chức thế này thì không giao lưu, học hỏi gì được. Bởi có vẻ chỉ có BTC và các đoàn tham gia biết với nhau thôi. Theo tôi, các đoàn sang đây biểu diễn phải mời người ta biểu diễn ít nhất một đêm cho công chúng xem hoặc là cho các nghệ sĩ các đoàn xem và một tối để thi. Tất cả các đoàn trong nước cũng thế, phải khuyếch trương lên để tạo sự hưng phấn cho nghệ sĩ. Đáng lẽ phải tổ chức thi Liên hoan sân khấu thử nghiệm trong nước lần 2, sau đó mới chọn.

Thứ hai, chính vì không có một sự “tổng duyệt” trước như thế nên khiến cho sự lựa chọn tác phẩm dự thi có phần mang tính chủ quan. Hơn nữa, phần lớn các tác phẩm chỉ được Hội đồng Nghệ thuật xem qua đĩa. Nói ra thì có vẻ mang tính cá nhân, nhưng dù sao nó cũng là tiếng nói đại diện cho nhiều nghệ sĩ. Một trong những tiêu chí của vở diễn tham gia chương trình là phải có giải trong Liên hoan Sân khấu Thử nghiệm Toàn quốc lần thứ Nhất. Vở tôi làm cho đoàn Hải Dương và đăng ký tham dự Liên hoan lần này là “Những quân bài định mệnh” của tác giả Phan Đăng Liêm. Vở này năm 2008 tại Liên hoan lần thứ Nhất (dựng cho đoàn CAND), nó được đánh giá cao nhất là bởi vì nó được nhiều giải nhất: 2 HCV, 2 HCB cho diễn viên; giải cho đạo diễn, họa sĩ, nhạc sĩ… Không có vở nào được nhiều giải như thế. Vậy mà hội đồng thẩm định lại gạt ra. Anh em nghệ sĩ của Hải Dương rất buồn. Khi Hội Nghệ sĩ sân khấu VN phát động cuộc này, đưa công văn về cho các địa phương. Người ta dồn tâm, dồn lực vào để làm, giờ không lo được kinh phí hay vì lý do nào đó… lại bó hẹp lại các vở diễn thì tôi cho rằng đó là một cuộc chơi không công bằng. Làm như thế, các đoàn địa phương rất khổ. Tiền không có, người ta phải đi xin chủ tịch tỉnh, chủ tịch tỉnh thấy đây là cơ hội cho anh chị em nghệ sĩ tham gia, học hỏi (mà cũng không phải chủ tịch tỉnh nào cũng quan tâm đến văn hóa, văn nghệ đâu), triệu tập tất cả các ban ngành, chỉ đạo bổ sung kinh phí cho anh chị em nghệ sĩ làm, giờ làm rồi thì lại không cho tham gia nữa. Rõ ràng là điều này gây khó cho không chỉ anh chị em nghệ sĩ mà còn cả lãnh đạo tỉnh. Cũng phải nói thêm rằng, tất cả các địa phương phía Bắc, mỗi tỉnh Hải Dương đăng ký tham gia… Nếu cứ cách tổ chức như thế này, lần sau liệu Hội có huy động được các đoàn tham gia?

Quay lại với các vai diễn. Có vẻ như ông rất hợp với những vai quan chức, lãnh đạo - kể cả những quan chức liêm chính lẫn quan chức bị thoái hóa, biến chất. Ông có cảm nhận thế nào về tình trạng cán bộ ở ta hiện nay, thưa ông?

- Thực tế bây giờ có những nhân vật như thế thật. Tất cả các vai tôi đóng là quan chức bị tha hóa, biến chất thì đều nhận được phản hồi từ phía khán giả rằng, xem xong thấy giật mình và cảm thấy bóng dáng của người nọ, người kia, thậm chí là cả bản thân qua nhân vật đó. Điều này chứng tỏ những nhân vật trong phim, trên sân khấu đều có cơ sở từ những nhân vật bên ngoài cả.

Ông thích vào vai loại nào?

- Tôi đóng khá nhiều nhân vật cả dạng như thế và cũng từ chối khá nhiều bởi vì không thích lặp lại mô-típ con người như vậy. Thực sự chất của tôi là đóng các vai chính diện, nhưng không hiểu sao, về sau người mập mập lên một chút thì các vị ấy lại đưa sang vai phản diện. Mà cũng rất lạ ở chỗ có những phim lúc đầu mời tôi làm trưởng ban chuyên án ma túy, nhưng sau đó, đạo diễn ra ngoài này, tôi đưa đi chọn bối cảnh, qua chuyện trò thế nào mà anh ta lại chuyển tôi đóng vai trùm buôn bán ma túy… Có lẽ, thực ra về bản chất thì cả hai nhân vật ấy cũng đòi hỏi phải có mưu trí, thậm chí là “thủ đoạn” thì mới có thể đấu tranh với nhau được, chỉ có điều là biểu hiện, và mục đích hành động khác nhau thôi…

Thường thì đóng người tốt khó hơn, bởi phải làm sao cho cái tốt ấy nó không giả, không giáo điều. Còn vai người xấu thì có nhiều thứ “đạo cụ” hơn như cách ăn nói, hành động, trang phục… tất tật đều chẳng cần phải theo một quy chuẩn nào hết. Nhưng tôi vẫn chờ đợi một vai diễn mà ở đó, cái xấu được ẩn giấu kỹ trong một con người tưởng chừng là người tốt, và nó chỉ bị bộc lộ ở gần cuối câu chuyện. Vừa rồi, tôi được nhận một vai trùm ma túy nho nhỏ thôi. Trong tư duy đã muốn diễn theo kiểu đó, nhưng khi trao đổi với đạo diễn, đạo diễn không đồng ý thế là lại vẫn phải diễn theo lối cũ, vẫn làm hết khả năng, nhưng rõ ràng là không thấy thích nữa.

Thế có nghĩa, người diễn viên không được phép sáng tạo sao, thưa ông?

- Phải sáng tạo chứ, nhưng chỉ trong khuôn khổ cái “tạng” nhân vật mà mình thủ vai thôi. Còn khi đã muốn có một “nhân vật mới” như thế thì đúng là cũng khó cho đạo diễn, bởi khi đọc kịch bản, đạo diễn đã mường tượng được cuốn phim ở trong đầu rồi. Khi bấm máy, tất cả các khâu cứ thế mà thực hiện thôi. Thế mới nói, cái hay của Nhà hát Văn học của tôi là ở chỗ khán giả sẽ không bị áp đặt bởi tư duy của đạo diễn.

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

Minh Anh thực hiện

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/lao-dong-cuoi-tuan/nsnd-tran-nhuong-van-khat-khao-di-tim-cai-moi-610491.bld