NSND Bạch Tuyết, Lệ Thủy nói về người bạn quá cố Thanh Tòng

Hai nữ nghệ sĩ cải lương gạo cội không khỏi bàng hoàng trước sự ra đi của người đồng nghiệp thân thiết, nhiều năm bó.

Tối 22/9, ngay khi biết tin NSND Thanh Tòng qua đời, NSND Lệ Thủy và Bạch Tuyết đã đến thắp hương, đồng thời gửi lời chia buồn cùng gia đình ông.

Cả hai cũng dành thời gian chia sẻ về cảm xúc khi nhận tin dữ và những kỷ niệm giữa bản thân với nam nghệ sĩ quá cố.

NSND Lệ Thủy: “Sân khấu đã mất đi một nhân tài, mất đi cây đại thụ không có người thay thế”

Tôi rất bàng hoàng khi nghe tin anh Thanh Tòng mất. Lúc đó, tôi cũng đang đi trị bệnh ở một lớp học. Tôi mở điện thoại ra thì thấy tin và ngồi lặng người. Ai cũng hỏi tôi hôm nay hình như có chuyện gì mà không tập trung và mọi người đều thương xót cho anh khi biết tin.

Cuộc đời rồi ai cũng trải qua sinh lão bệnh tử - mất mát là phải có. Thế nhưng, tôi không ngờ anh Tòng lại đi quá sớm. Trước đó, tôi không thấy anh bệnh gì có vẻ nặng nề hết.

Tôi với anh Tòng có rất nhiều kỷ niệm - nhất là hồi đi chung đoàn 284 sang châu Âu diễn. Đấy là lần đâu tiên đoàn nghệ sĩ chúng tôi "mang chuông đi đánh xứ người". Khi đó, tôi, anh Tòng, Bạch Tuyết, Minh Vương và Diệp Lang đều có mặt trong chương trình.

Lúc anh Võ Minh Thành có chuyện, anh Thanh Tòng là người xung phong nhảy ra thế vai. Phải nói rằng, anh rất sốt sắng và không ngại bất kỳ điều gì. Đến khi vào vai, không có gì để gọi là người thế tuồng bị gãy cả. Anh hoàn thành tốt vai đó làm anh em rất mừng.

Nghệ sĩ Lệ Thủy và con trai - ca sĩ Dương Đình Trí, đến viếng NSND Thanh Tòng. Ảnh: Nguyễn Bá Ngọc.

Anh Tòng đối với anh em rất hiền. Anh luôn thương quý đàn em. Mọi người trong đoàn ai cũng quý anh Tòng vì anh biết nhường nhịn lắm.

Vai cậu 3 Tân trong vở Tô Ánh Nguyệt phải nói không ai hát qua anh Tòng được. Tôi và ảnh diễn rất ăn ý.

Và hôm nay, khi anh Tòng mất nghĩa là sân khấu chúng ta đã mất đi một nhân tài. Từ lúc nghe tin đến giờ tôi rất buồn. Không biết có gì đó làm tôi thấy thương và thấy mình đã mất đi người bạn quý.

Anh Thanh Tòng mất đi nghĩa là cây đại thụ này không có người thay thế. Vì anh vừa là cây đại thụ bên tuồng cổ vừa bên cải lương. Anh diễn cải lương là không có chút gì về tuồng cổ hết, cái nào ra cái đó.

Trong những cây đại thụ, từ từ mọi người cũng đi hết. Giờ đám lớn chúng tôi gặp lại nhau cũng rất buồn.

Năm rồi, tôi có gặp anh Thanh Tòng. Trước Tết, chúng tôi cùng ra Hà Nội diễn. Tôi nói con trai mình là Dương Đình Trí có làm chương trình Bước chân hai thế hệ và bảo tôi với anh nên cùng làm chương trình.

Khi đó, anh cười rồi nói nếu anh có sức khỏe anh sẽ làm coi như để kỷ niệm với đàn cháu. Tôi và anh định làm 1 lớp trong vở Áo cưới trước cổng chùa nhưng nguyện vọng chưa thành thì anh ra đi.

NSND - Tiến sĩ Bạch Tuyết: “Ông là nghệ sĩ nhưng cũng rất trọn vẹn trong đời thường”

Tôi vẫn nhớ lúc tôi, anh Tòng cùng mọi người đi chung đoàn 284. Đấy là chuyến đi giông bão. Khi đó, không có một nghệ sĩ nào làm việc dữ dội như anh ấy. Lúc đi, anh đóng vai khác nhưng sau giúp đoàn thế vai Võ Minh Thành.

Nhưng nói thật là tới giờ, tôi vẫn không hình dung ra ông tập tuồng như thế nào. Ông không nói sai bất kỳ từ nào, dù với một vai nặng mà mình chỉ là người thay thế. Vì khi đó, chúng tôi ít khi ở nhà và thường đi bằng xe buýt. Những chuyến đi đó đầy bất an…

Khi vở diễn lần đầu ra mắt ở Paris (Pháp), ông được toàn thể khán giả vỗ tay không ngớt, mọi thứ đều vỗ tay - ca cũng vỗ tay, nói cũng vỗ tay. Đến bây giờ mỗi khi nhớ lại, tôi vẫn còn thấy thương ông, bởi vì ông luôn sống hết mình với nghề.

Tới vở Kim Vân Kiều, Thanh Tòng đóng vai Từ Hải. Nếu các bạn có xem DVD đó sẽ thấy chưa có ai đóng vai Từ Hải mà uy dũng, đẹp và hay như ông.

Rồi tôi còn có kỷ niệm khi cùng ông đóng vở Thái hậu Dương Vân Nga. Có thể nói vai Lê Hoàn, ông không phải người đầu tiên đóng. Nhưng lúc tập tuồng, tôi lại ngạc nhiên thêm lần nữa. Khi ông nói trúng và diễn đẹp vô cùng. Phải nói rằng, tôi rất thích.

Với một người hát tuồng cổ chuyên múa may quay cuồng khi đóng sang tuồng lịch sử hay tâm lý xã hội rất khó, thế nào cũng sẽ có những động tác bị thiếu hay thừa. Song ở NSND Thanh Tòng, điều này là không có.

NSND - Tiến sĩ Bạch Tuyết gửi lời chia buồn, động viên Quế Trân tiếp tục giữ vững niềm tin với bộ môn nghệ thuật cải lương và cố gắng nối nghề ba. Ảnh: Nguyễn Bá Ngọc.

Lúc gặp ông trong vai trò giám khảo như ở giải thưởng Trần Hữu Trang hay Chuông vàng vọng cổ, tôi thấy ông là một người rất thương và bảo bọc đồng nghiệp cũng như con cháu.

Có thể nói rằng ông là người nghệ sĩ cải lương tài hoa và đức độ. Tôi nghĩ thành công lớn nhất của ông là đã sinh và dạy dỗ được hậu duệ rất quý Quế Trân - một trong số ít nghệ sĩ trẻ của thời đại chúng mình có học, nghiêm túc, khiêm tốn và hết sức lễ phép.

Cô không có cho chúng ta thấy cô là một ngôi sao lớn và điều đó làm chúng tôi càng kính trọng ông hơn. Ông là nghệ sĩ nhưng cũng rất trọn vẹn trong đời thường.

Ai cũng sẽ ra đi, nhưng sự ra đi của ông có gì đó khiến tôi thấy tiếc nuối vì ông còn nhiều hoài bão đối với nghệ thuật cải lương tuồng cổ của Việt Nam. Ông cũng là một trong những cột trụ của phong cách cải lương tuồng cổ.

Ông muốn cải lương làm thế nào vẫn truyền thống mà hiện đại như ngày đầu tiên cải lương ra đời.

Cách đây 2 năm, trong lần làm giám khảo chung, tôi có rủ ông rằng “Anh Tòng ơi, anh chuẩn bị đi để chúng ta cùng làm một việc…”. Tôi dự định là tập những dạng mới, tuồng với thời lượng khoảng 30 phút nhằm thể hiện hoài bão của mình cùng cải lương, với một nội dung mà nó thích nghi với thời đại.

Khi tôi nói như thế, ảnh mới trả lời là: “Tôi cũng ham lắm chị ơi! Nhưng, tôi đang bệnh nên không biết làm có đủ sức để làm hay không”.

Mới đây, ở chương trình của HTV, chúng tôi gặp nhau và tôi có nhắc anh thêm lần nữa. Anh nói anh vẫn nhớ nhưng vì lúc bệnh lúc hết nên chưa bắt tay làm được. Tôi có nói với anh: “Anh ráng sống dai dai chút…”.

Anh Tòng khi đó rất thảnh thơi. Anh bảo: “Ai rồi cũng phải đi chị à!”.

Lâm Vĩnh Thái

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/nsnd-bach-tuyet-le-thuy-noi-ve-nguoi-ban-qua-co-thanh-tong-post683949.html