Nộp 150 - 300 triệu đồng, được nhận việc cơ quan nhà nước: Giả danh công an, lừa đảo khắp Tây Nguyên

Vũ Thị Thanh - người đã lừa hơn 20 người chiếm đoạt số tiền trên 5 tỉ đồng. Ảnh CA Gia Lai cung cấp.

Mạo danh cán bộ Công an tỉnh Gia Lai, Bộ Công an, cán bộ sân bay, người thân làm ở Ban Tổ chức Tỉnh ủy Gia Lai... các đối tượng đã dụ dỗ người dân chi 150 - 300 triệu đồng để được vào làm việc tại các “cơ quan nhà nước”. Công an (CA) tỉnh Gia Lai buộc phải mở chuyên án truy nã, bóc gỡ. Tìm hiểu của PV, việc lừa đảo này có hẳn đường dây, khi đối tượng này “sa lưới” thì xuất hiện đối tượng khác.

Giả danh công an bộ để lừa đảo

Phó Trưởng phòng CSĐT về tội phạm trật tự xã hội (PC45, CA Gia Lai) - thượng tá Phạm Hữu Đức - cho biết: “Do thực trạng xã hội nhiều sinh viên tốt nghiệp ra không có việc làm. Từ tâm lý đó, các đối tượng khai thác sâu vào nhu cầu của xã hội để lừa đảo”.

Thượng tá Đức dẫn chứng đối tượng Huỳnh Minh Tùng (SN 1982, hộ khẩu KP1, P.Tăng Nhơn Phú A, Q.9, TPHCM; trú xã Đắk Sôr, huyện Krông Nô, Đắk Nông) giả danh cán bộ Cục An ninh điều tra (A92, Bộ CA) đã lừa nhiều người hai tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk. Biết Nguyễn Văn Bắc (SN 1982, trú TT.Phú Thiện, huyện Phú Thiện, Gia Lai) bị tạm giam về hành vi “mua bán trái phép chất ma túy”, Tùng gợi ý với chị Bùi Thị Tú (SN 1986, vợ Bắc) chi 170 triệu để chồng hưởng “án treo”. Ngang nhiên, Tùng đến trụ sở CA huyện Phú Thiện đặt vấn đề xin cho Bắc tại ngoại. TAND cùng cấp sau đó tuyên phạt Bắc 7 năm tù, biết bị lừa, chị Tú tố cáo Tùng đến cơ quan chức năng.

Lang bạt nhiều nơi, Tùng lên thuê nhà tại khu trọ bà Vũ Thị Sen (trú tổ 11, TT.Chư Sê, Gia Lai) - nguyên cán bộ CA huyện Chư Sê. Thấy bà Sen ưu phiền “có con gái Phạm Vũ Thị Thanh Tâm chưa có việc làm, đang cần xin việc”. Tùng nói: “Em là trung úy, công tác tại Cục A92, quen biết nhiều người có chức vụ lắm. Bà Sen đã giao 320 triệu đồng cho Tùng để “lo” cho con gái. Tin tưởng, bà còn nhận lời và nhận tiền tổng 1,1 tỉ đồng của nhiều người đưa cho Tùng để xin vào ngành CA và chuyển công tác trong ngành CA. Chỉ vì muốn làm trong ngành CA, chị Phan Thị Hà Chi (trú tổ dân phố 11, TT.Chư Sê, huyện Chư Sê) đã bị Tùng lừa 128 triệu đồng. 170 triệu đồng là số tiền mà Tùng lừa ông Nguyễn Văn Tuynh (trú thôn Thắng Lợi 1, xã Ia Sol, huyện Phú Thiện) khi muốn xin cho con trai là Nguyễn Văn Nghĩa (SN 1992) đi lính nghĩa vụ trong ngành CA. Khi các bị hại yêu cầu hoàn trả tiền thì Tùng “cắt liên lạc”.

“150 - 200 triệu/suất vào... cơ quan nhà nước”

Chỉ là nhân viên bán bảo hiểm tại Văn phòng đại diện Cty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ AIA (51/Nguyễn Tất Thành, P.Hoa Lư, TP.Pleiku, Gia Lai) Lâm Thị Hồ Nhi đã lừa 18 người tại ba tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk với số tiền hơn 1,7 tỉ đồng. Đi đâu Nhi cũng rêu rao: “Mình là Phó phòng Tổ chức nhân sự CHK Pleiku” từ đó, mặc sức lừa đảo, chiếm đoạt tiền. Gặp ông Nguyễn Minh Trung (21 Nguyễn Huệ, P.Đoàn Kết, TX.Ayun Pa, Gia Lai) Nhi rêu rao: “Em làm Trưởng phòng Tổ chức hành chính CHK Pleiku. Hiện CHK đang tuyển nhân sự, chỉ có lãnh đạo và nội bộ cơ quan biết. Em là người trực tiếp đi tuyển nhân sự, mọi người được tuyển vào đều dưới quyền quản lý của em”. Tưởng thật, ông Trung nhiều lần giao 190 triệu đồng “nhờ” Nhi xin việc cho con gái.

Muốn xin việc cho người thân là Lê Thị Thu Lan, ông Lý Văn Tư (thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP.Pleiku) đã bị Nhi chiếm đoạt 120 triệu đồng. Khi không xin được việc, Nhi hồn nhiên trả 17 triệu đồng. Chỉ với chức danh ảo, Nhi đã lừa các bị hại với tổng số tiền 1,71 tỉ đồng.

“Cao cờ”, phải nhắc đến Vũ Thị Thanh - nhân viên bán bảo hiểm nhân thọ Cty Dai-Ichi Việt Nam tại Gia Lai. Thủ đoạn của Thanh là bịa thông tin: “Anh rể đang làm ở Ban Tổ chức Tỉnh ủy Gia Lai quan hệ rộng, có thể lo việc làm tại Bệnh viện Đa khoa Gia Lai, Trung đoàn CSCĐ Tây Nguyên, Sân bay Pleiku, Sân bay Đà Nẵng...”. Chỉ nhiêu đó, Thanh đã lừa hơn 20 người với số tiền trên 5 tỉ đồng.

Điều lạ lùng, khi các đối tượng trên đã bị bắt thì xuất hiện Nguyễn Thị Thúy Nội (SN 1958, trú tổ 10, P.Tây Sơn, TP.Pleiku) - nguyên cán bộ Phòng GDĐT huyện Mang Yang, giáo viên Tiểu học TT.Kon Dỡng (huyện Mang Yang, Gia Lai) đã nghỉ hưu. Với chiêu bài phải chi 150 - 200 triệu đồng cho một suất Văn phòng UBND tỉnh Gia Lai, Kho bạc Nhà nước Gia Lai, Nội đã lừa 6 cá nhân khác với số tiền 735 triệu đồng.

Ngăn chặn thế nào?

Phó Viện trưởng Viện KSND Gia Lai Lê Thị Thu Hà cho biết, đơn vị đã truy tố các đối tượng trên ra trước vành móng ngựa về hành vi “Lừa đảo, chiếm đoạt tài sản”. Phó Trưởng phòng CSĐT về tội phạm trật tự xã hội (PC45, CA Gia Lai) - thượng tá Phạm Hữu Đức - khuyến cáo, người dân phải xác định các cơ quan, đơn vị nào tiếp nhận hồ sơ của mình, xin việc thì có trình tự thủ tục. Tuyển vào công chức thì tổ chức thi tuyển, nộp hồ sơ... chứ không thể hồ sơ nhận ngang tắt.

Người dân cần phải nắm các quy tắc, quy định của Sở Nội vụ, Bộ Nội vụ về việc tuyển chọn nhân viên. Việc biên chế hằng năm thì được sở, UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị có số lượng rõ ràng, hoàn toàn không có chuyện “xin ngang, xin tắt”.

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/phap-luat/nop-150-300-trieu-dong-duoc-nhan-viec-co-quan-nha-nuoc-gia-danh-cong-an-lua-dao-khap-tay-nguyen-582617.bld