Nông thôn mới: Hành trình chuyển từ lượng đến chất (Bài 1): Vượt khó để nâng cao tiêu chí

Thực hiện đúng vào thời điểm Trung ương thay đổi các yêu cầu để nâng cao về 'chất' trong XDNTM, nhưng Thanh Hóa đã thích ứng rất nhanh. Chương trình mục tiêu quốc gia này cũng được tỉnh chọn làm điểm để tổ chức sơ kết nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đầu tiên trong các lĩnh vực bởi có những kết quả nổi bật.

Đường giao thông tại xã Quảng Minh được đầu tư đã góp phần đưa TP Sầm Sơn hoàn thành mục tiêu XDNTM giai đoạn 2021-2025. Ảnh: Linh Trường

Sau hơn 10 năm thực hiện Chương trình XDNTM, từ đầu năm 2022 bộ tiêu chí mới được áp dụng theo hướng nâng cao hơn. Ban đầu gây nhiều khó khăn và tâm lý e ngại cho các địa phương bởi phải thực hiện nhiều yêu cầu cao hơn trước. Nhưng với quyết tâm chính trị và sự lãnh, chỉ đạo kịp thời, đến nay, Thanh Hóa đã gặt hái thêm nhiều thành quả.

Từ thách thức của bộ tiêu chí mới...

Sau nhiều lần sửa đổi và hoàn thiện các nội dung theo góp ý của các bộ, ngành và địa phương cấp tỉnh, đến tháng 3-2022, Trung ương mới ban hành hướng dẫn cụ thể để áp dụng bộ tiêu chí mới trong XDNTM. Từ đó, tỉnh Thanh Hóa xây dựng và ban hành các bộ tiêu chí cụ thể cho xã NTM, NTM nâng cao, áp dụng cho giai đoạn 2021-2025 trên cơ sở gắn với đặc thù riêng của tỉnh.

Theo đó, số chỉ tiêu của xã đạt chuẩn NTM tăng từ 49 lên 57 chỉ tiêu, với hàng loạt yêu cầu mới, như: tỷ lệ lao động qua đào tạo phải có bằng cấp chứng chỉ; sản phẩm chủ lực của xã phải được truy xuất nguồn gốc; có kế hoạch bảo tồn, phát triển làng nghề; có tổ khuyến nông cộng đồng...

Riêng tiêu chí về môi trường, xã phải có đất cây xanh sử dụng công cộng trong khu dân cư, có tỷ lệ bao gói thuốc bảo vệ thực vật và chất thải rắn y tế được thu gom. 4 chỉ tiêu khác có yêu cầu mức độ cao hơn hoặc hoàn toàn mới khiến nhiều xã “loay hoay” thực hiện, nhất là chỉ tiêu 17.1 về tỷ lệ hộ sử dụng nước sạch theo quy chuẩn từ hệ thống cấp nước tập trung.

Với bộ tiêu chí xã NTM nâng cao, số lượng tiêu chí tăng từ 15 tiêu chí lên 19 tiêu chí, trong đó tăng từ 41 lên 75 chỉ tiêu. Trong số đó có 51 chỉ tiêu có nội dung mới, liên quan đến quy hoạch, hệ thống điện, cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, cơ sở thông tin và truyền thông, khả năng tiếp cận pháp luật của chính quyền và người dân... 9 chỉ tiêu khác có yêu cầu cao hơn như: tỷ lệ đường xã và đường thôn có các hạng mục kèm theo; tỷ lệ diện tích đất sản xuất nông nghiệp được tưới và tiêu chủ động; tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt và chất thải rắn nguy hại được thu gom, xử lý; tỷ lệ hộ sử dụng nước sạch tập trung; tỷ lệ hộ có nhà tiêu, nhà tắm, thiết bị chứa nước sinh hoạt hợp vệ sinh...

Do yêu cầu tiêu chí NTM giai đoạn 2021-2025 được nâng cao hơn so với giai đoạn trước, vì vậy nhiều nội dung tiêu chí rất khó khăn để thực hiện, nhất là các chỉ tiêu tỷ lệ hộ được sử dụng nước từ hệ thống nước sạch tập trung, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều... Còn nhớ tại nhiều hội nghị về XDNTM toàn tỉnh vào thời điểm đầu năm 2022, không ít địa phương từ cấp huyện đến cấp xã đã “kêu” khó, thậm chí còn bày tỏ sự “bất lực” với một số chỉ tiêu và tiêu chí còn lại.

... đến sự thích ứng linh hoạt

Nhớ lại thời điểm đó, Phó Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình XDNTM tỉnh Dương Văn Giang cho biết: Không thể để những khó khăn phát sinh làm ảnh hưởng đến kế hoạch XDNTM của tỉnh, Văn phòng Điều phối Chương trình XDNTM tỉnh đã kịp thời tham mưu cho tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo tháo gỡ khó khăn kèm nhiều giải pháp thực hiện. Đặc biệt, HĐND tỉnh đã có nghị quyết ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ, khen thưởng cho các địa phương thực hiện Chương trình XDNTM giai đoạn 2021-2025. Từng bước, văn phòng điều phối cũng phối hợp với các sở, ban, ngành phụ trách tiêu chí tổ chức các hội nghị để gỡ khó trong thực hiện chỉ tiêu về nước sạch tập trung, việc thực hiện cấp mã vùng trồng đối với cây trồng chủ lực, gắn mã địa chỉ số trên bản đồ số...

Cơ sở vật chất giáo dục ở xã vừa đạt chuẩn NTM Cầu Lộc (Hậu Lộc) được đầu tư khang trang.

Trên tinh thần chỉ đạo là vừa làm vừa hoàn thiện, vừa rút kinh nghiệm để đáp ứng yêu cầu của các tiêu chí, những khó khăn từng bước được tháo gỡ.

Còn nhớ trong năm 2022, câu chuyện chuẩn bị đạt chuẩn NTM nhưng khi áp dụng tiêu chí mới, hàng chục xã trên địa bàn tỉnh đã phải dừng lại để hoàn thiện những yêu cầu mới. 3 xã cuối cùng của huyện Hậu Lộc là Đồng Lộc, Phong Lộc và Cầu Lộc trong lộ trình về đích NTM năm 2022, nhưng khi thẩm định đã không đạt các yêu cầu mới. Với mục tiêu tất cả các xã phải về đích NTM để huyện Hậu Lộc đạt chuẩn huyện NTM trong năm 2023, địa phương đã có nhiều cố gắng vượt bậc. Từ động lực ấy, chính quyền và người dân ở các xã, rồi huyện Hậu Lộc và sự hỗ trợ nguồn lực từ các cấp đã đưa 3 địa phương này hoàn thành các tiêu chí NTM trong 6 tháng đầu năm 2023. Đó chính là một trong nhiều minh chứng của sự thích ứng và nỗ lực trong thực hiện các tiêu chí, chỉ tiêu mới trong XDNTM.

Thống kê từ Văn phòng Điều phối Chương trình XDNTM tỉnh cho biết, hơn nửa nhiệm kỳ qua toàn tỉnh có thêm 4 đơn vị cấp huyện, 42 xã và 148 thôn/bản miền núi được công nhận đạt chuẩn NTM; 57 xã khác đạt chuẩn NTM nâng cao;13 xã và 284 thôn/bản đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Điều này cho thấy các địa phương đã có sự thích ứng và vận động để đạt kết quả XDNTM theo các yêu cầu mới. Sự vận động ấy đang không ngừng tăng lên bởi chỉ tính riêng từ đầu năm 2023 đến thời điểm này toàn tỉnh có 10 xã NTM, 12 xã NTM nâng cao và 3 xã NTM kiểu mẫu được công nhận. Không chỉ ở vùng đồng bằng, mà nhiều xã ở khu vực miền núi cũng mới về đích NTM như Cẩm Tâm (Cẩm Thủy); Minh Sơn, Nguyệt Ấn, Thúy Sơn (Ngọc Lặc); Thành Thọ (Thạch Thành). Thậm chí, xã vùng núi như Cẩm Tú (Cẩm Thủy) cũng vượt qua được những tiêu chí khó để về đích NTM nâng cao.

Bài và ảnh: Linh Trường

Bài 2: Điểm nhấn cơ chế khuyến khích vì mục tiêu cao hơn.

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/nong-thon-moi/nong-thon-moi-hanh-trinh-chuyen-tu-luong-den-chat-bai-1-vuot-kho-de-nang-cao-tieu-chi/192864.htm