Nông thôn của Hà Nội sẽ được dùng nước sạch

Theo Chiến lược quốc gia về cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn đến năm 2020, tất cả dân cư nông thôn sử dụng nước sạch đạt tiêu chuẩn quốc gia, nhưng TP Hà Nội sẽ nỗ lực về đích sớm mức trên chuẩn, với mục tiêu đến năm 2017 tất cả người dân nông thôn đều được sử dụng nước sạch đạt chuẩn Châu Âu có thể uống được tại vòi.

Người dân ngoại thành sẽ có đủ nước sạch để sử dụng trong sinh hoạt.

Như vậy, người dân khu vực nông thôn của Hà Nội sẽ không phải dùng “nước hợp vệ sinh” mà sẽ là nước sạch 100%.

Theo báo cáo của Trung tâm Y tế dự phòng Sở Y tế với Đoàn giám sát của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố, Hà Nội hiện có 83,2% hộ gia đình khu vực nông thôn sử dụng nguồn nước tự khai thác (nước mưa, nước giếng khoan, nước giếng khơi). Qua kiểm tra thực tế tại hơn 800 hộ gia đình thuộc 8 huyện: Chương Mỹ, Đan Phượng, Mê Linh, Mỹ Đức, Phú Xuyên, Phúc Thọ, Thường Tín, Ứng Hòa, với 810 mẫu: Nước giếng khơi (17), nước mưa (348), nước giếng khoan (445) thì cả 3 nguồn đều có nhiều mẫu không đạt chất lượng nước về chỉ tiêu vi sinh vật và chỉ tiêu hóa học. Trong đó, không đạt quy chuẩn chỉ tiêu vi sinh vật từ 32 đến 47% số mẫu; không đạt quy chuẩn chỉ tiêu hóa học về amoni từ 6 đến 13% số mẫu, không đạt quy chuẩn chỉ số về pecmanganat từ 5 đến 14% số mẫu.

Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Chương Mỹ Nguyễn Văn Cường cho biết, huyện có 85% người dân sử dụng nước giếng khoan, hằng năm mới có 27% số hộ lấy mẫu nước xét nghiệm. Chất lượng nước ở những hộ dùng giếng khoan đều không bảo đảm, nhất là vùng ven sông Đáy, sông Bùi và quanh khu vực các làng nghề do nguồn nước bị ô nhiễm. Huyện Quốc Oai có 17% hộ gia đình sử dụng nước mưa, còn lại chủ yếu dùng nước giếng khoan cũng không bảo đảm do nguồn nước ngầm bị ô nhiễm từ ven sông Nhuệ, nước thải làng nghề...

Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố Trần Thế Cương cho biết, Hà Nội đang nỗ lực trong việc cung cấp nước sạch cho người dân vùng ngoại thành với việc thí điểm triển khai các dự án tại một số huyện. Trong lúc đang thí điểm một số giải pháp cho vấn đề nước sạch nông thôn, Trung tâm Y tế dự phòng thành phố cũng cần phân cấp cho cơ quan chuyên môn các huyện, thị xã chủ động về việc lấy mẫu nước xét nghiệm, cảnh báo người dân để có biện pháp tự trang bị thiết bị lọc hộ gia đình cho bảo đảm sinh hoạt. Đặc biệt, ngành cần đẩy mạnh tuyên truyền người dân thực hiện ăn chín, uống sôi.

Theo kế hoạch, đến năm 2020, thành phố đặt mục tiêu phấn đấu 100% dân số được dùng nước sạch. Cách đây 5 tháng, nhiều đại biểu HĐND thành phố lo khó đạt được mục tiêu. Nhưng, đến thời điểm này có thể khẳng định Hà Nội sẽ về đích sớm hơn bởi UBND thành phố đã và đang triển khai các giải pháp để 100% người dân được dùng nước sạch, có thể uống tại vòi theo tiêu chuẩn Châu Âu vào năm 2017. Cụ thể, thành phố đang hợp tác với một tập đoàn của Đức đặt mua công nghệ lọc nước Nano cho phép uống nước ngay tại vòi theo tiêu chuẩn Châu Âu.

Qua thời gian thử nghiệm đã thành công và dự kiến tháng 9-2016, thành phố sẽ triển khai đại trà. Giá thành công nghệ lọc nước của Đức cao nhất khoảng 5,6 triệu đồng/hộ, khi số hộ sử dụng nhiều thì giá thành có thể giảm xuống 3 triệu đồng/hộ. Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung thông tin: “Bình lọc nước sạch công nghệ của Đức là sản phẩm Hà Nội đặt riêng. Đây là sản phẩm độc quyền của Hà Nội. Bình lọc nước có tuổi đời 15 năm, có thể hút nước từ sông lên không cần qua bể lọc, sau khi đưa vào bình lọc có thể uống tại vòi. Đặc biệt, trong 15 năm đó cũng không cần phải sử dụng hóa chất gì để lọc”.

Với công nghệ máy lọc nước hiện đại, chắc chắn Hà Nội sẽ xóa được cụm từ “nước hợp vệ sinh”, loại bỏ nước giếng khoan, giếng khơi, nước mưa không đạt chuẩn thay vào đó là nước sạch để bảo vệ sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.

Việt Tuấn

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Doi-song/846083/nong-thon-cua-ha-noi-se-duoc-dung-nuoc-sach