Nông sản xuất khẩu bị cảnh báo về an toàn thực phẩm

Các vi phạm về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm đối với nông sản Việt xuất khẩu đang có chiều hướng gia tăng, nhất là tại thị trường Trung Quốc.

Ngày 24-8, Bộ NN&PTNT tổ chức Hội nghị tăng cường quản lý nhà nước về mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói. Mục đích, đánh giá các vấn đề tồn tại trong công tác quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói nông sản xuất khẩu. Từ đó đề xuất giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý của công tác này.

Mít, chuối, sầu riêng… liên tục bị cảnh báo

Ông Huỳnh Tấn Đạt, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (BVTV), cho biết tính đến tháng 7-2023, tổng số lượng mã số vùng trồng trên toàn quốc đã cấp là gần 7.000 mã số và cơ sở đóng gói là hơn 1.600 mã số. Tuy nhiên, lo ngại là các vi phạm về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm đang có chiều hướng gia tăng, đặc biệt là đối với các lô hàng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Thứ trưởng Hoàng Trung cho biết: Bộ NN&PTNT đã đề xuất với Chính phủ xây dựng hai nghị định. Cụ thể, nghị định về quản lý mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói rau quả, trái cây phục vụ xuất khẩu; nghị định quy định xử phạt hành chính đối với những hành vi vi phạm các quy định về mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói.

“Từ năm 2021 đến nửa đầu năm 2023, cục đã nhận được nhiều thông báo không tuân thủ về kiểm dịch thực vật từ các nước nhập khẩu. Chỉ tính bảy tháng đầu năm đã phát hiện 370 lô hàng có đối tượng kiểm dịch thực vật, chủ yếu là chuối, thanh long; sau đó là xoài, sầu riêng, mít” - ông Đạt thông tin.

Ngoài ra, Cục BVTV cũng nhận được 107 cảnh báo về các lô hàng xuất khẩu không đáp ứng yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm như chứa nấm mốc, vi khuẩn, kim loại nặng, chất gây dị ứng…

Ông Trần Lâm Sinh, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Nai, chia sẻ dù đã thông tin tuyên truyền rất nhiều nhưng tình trạng mạo danh mã số vùng trồng; không tuân thủ quy định về ghi chép nhật ký, đảm bảo các yêu cầu về kiểm dịch thực vật vẫn còn xảy ra.

“Một số vùng sản xuất không có mã số nhưng vẫn xuất khẩu được. Thậm chí có tình trạng người dân không có nhu cầu, không mặn mà làm hồ sơ xin cấp mã số” - ông Sinh nói.

Nhiều lô hàng sầu riêng xuất khẩu không đáp ứng yêu cầu về kiểm dịch thực vật. Ảnh: A.HIỀN

Đại diện tỉnh Tiền Giang cũng cho biết trong báo cáo của Cục BVTV chỉ ra mã số xuất khẩu mít của Tiền Giang có hơn 100 cảnh báo vi phạm. Thế nhưng thực ra các mã số này Tiền Giang đã đề nghị thu hồi từ trước đó. Sự chậm trễ trong việc thu hồi khiến các doanh nghiệp (DN) vẫn xuất khẩu đi được và bị phát hiện, đưa ra cảnh báo.

“Từ khi ký được nghị định thư giá sầu riêng tăng rất nhanh. Thế nhưng các DN không thể mua được hàng từ các mã số vùng trồng gắn kết với mình vì thương lái chốt giá cao hơn, nông dân bán cho thương lái” - ông Trần Thiện Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Khánh Hòa, cho biết.

Nguy cơ các nước dừng nhập khẩu

Ông Hoàng Trung, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, nhìn nhận: Thời gian qua, bộ đã cử đoàn đi kiểm tra, đánh giá, kết quả thấy rằng còn rất nhiều tồn tại, hạn chế chưa khắc phục được. Có những cơ sở đã được cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói nhưng không chịu cập nhật. Nơi thì không có cán bộ kỹ thuật hoặc có cán bộ kỹ thuật thì không hiểu biết về yêu cầu của các nghị định thư.

“Nếu không có chuyển biến, không có hành động thực tế, hiệu quả thì tôi khẳng định rằng các hàng hóa của ta chắc chắn sẽ bị tuýt còi, không sớm thì muộn các nước sẽ dừng nhập khẩu hàng hóa của chúng ta” - ông Trung nhấn mạnh.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT đánh giá cơ chế phối hợp giữa DN, người trồng, cơ quan quản lý nhà nước cũng rất lỏng lẻo. Một số DN có hiện tượng tranh mua, tranh bán, cạnh tranh không lành mạnh.

“Có một số DN còn xúi người dân bỏ liên kết hợp đồng, thậm chí rất tệ là có mã số ở chỗ này nhưng đi mua ở chỗ khác, có DN có mã số chỉ 200 tấn nhưng có khi lên được 800 tấn. Việc phối hợp với các cơ quan kiểm dịch ở các cửa khẩu cũng lỏng lẻo, không nắm được thông tin. Đây là những điều cần phải chấn chỉnh trong thời gian tới” - ông Trung nói.

Ông Trung yêu cầu Cục BVTV chủ trì, phối hợp với các địa phương tăng cường hướng dẫn, tập huấn chuyên môn cho người dân, DN và cán bộ địa phương về các quy định của nước nhập khẩu. Hình thức tuyên truyền, tập huấn cần chuyển đổi và đa dạng hóa hình thức, làm sao dễ tiếp cận đối với từng đối tượng cụ thể.

Mỗi sản phẩm xuất khẩu đều cần chất lượng tốt, ổn định, tạo hình ảnh đẹp cho nông sản Việt. Ảnh: Q.HUY

Thứ trưởng Trung cũng yêu cầu Cục BVTV chỉ đạo các đơn vị kiểm dịch thực vật tại cửa khẩu tăng cường kiểm tra, kiểm soát hàng hóa và thông tin về vùng trồng, cơ sở đóng gói liên quan tới lô hàng. Từ đó phát hiện, xử lý và tuyệt đối không cấp giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật cho các lô hàng không tuân thủ.

Với các địa phương, Thứ trưởng Trung yêu cầu xây dựng cơ chế và triển khai thực hiện giám sát thường xuyên việc sơ chế, chọn lọc hàng hóa để đảm bảo không nhiễm sinh vật gây hại tại các nhà đóng gói đã được cấp mã số.

Cùng đó, nâng cao chất lượng kiểm tra ban đầu đối với các mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói, tăng cường giám sát mã số sau khi được cấp. Đồng thời tổ chức tốt chuỗi liên kết sản xuất thực chất từ vùng trồng - cơ sở đóng gói - cơ sở xử lý kiểm dịch thực vật - DN xuất khẩu; tuân thủ yêu cầu của nước nhập khẩu và đảm bảo quyền lợi của các bên tham gia.

Doanh nghiệp làm sai, cần có chế tài

Bà Ngô Tường Vy, Giám đốc Công ty TNHH Xuất khẩu trái cây Chánh Thu, đề nghị cơ quan nhà nước cần có chế tài xử lý những trường hợp vi phạm. Bởi nếu không có chế tài xử phạt thì nông dân, DN không làm đầy đủ, gây ảnh hưởng đến nông sản xuất khẩu của Việt Nam.

Cơ quan nhà nước bên cạnh quản lý mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói cũng cần tiếp tục có những quản lý sâu hơn về chất lượng nông sản, đặc biệt là sầu riêng. Từ đó mỗi sản phẩm xuất khẩu đều có chất lượng tốt, ổn định, góp phần tạo nên hình ảnh, thương hiệu của nông sản Việt Nam.

AN HIỀN

Nguồn PLO: https://plo.vn/nong-san-xuat-khau-bi-canh-bao-ve-an-toan-thuc-pham-post748380.html