Nông sản Đắk Glong dần khẳng định chỗ đứng trên thị trường

Huyện Đắk Glong đang tập trung ưu tiên hỗ trợ phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực. Mục tiêu của huyện là giúp các sản phẩm này khẳng định chỗ đứng trên thị trường.

Tín hiệu tốt từ thị trường

Các sản phẩm “Măng tre bốn mùa” của Công ty TNHH MTV Ba Sang Đắk Som (Đắk Glong) hiện đang được nhiều người tiêu dùng biết đến và ưa chuộng. Mỗi tháng, Công ty cung ứng ra thị trường gần 30 tấn măng tươi. Thị trường chủ yếu của sản phẩm là: TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Lâm Đồng...

Các sản phẩm từ măng tre của Công ty TNHH MTV Ba Sang Đắk Som, xã Đắk Som (Đắk Glong) đang bán rộng rãi trên thị rường

Để đáp ứng nhu cầu đa dạng từ thị trường, Công ty đang sản xuất ra nhiều sản phẩm khác nhau từ măng nguyên liệu như: măng khô, mang muối, măng kim chi... Dự định, trong năm tới, Công ty sẽ tiếp tục cho ra mắt một số sản phẩm mới như mực măng, rượu tre... Công ty hiện đã đầu tư một số máy móc phục vụ cho việc chế biến sản phẩm hàng hóa gồm máy hấp, máy sấy...

“Tre là cây trồng có tiềm năng phát triển lớn, dễ trồng, ít công chăm sóc, phù hợp với diện tích sình lầy. Chỉ trong 6 tháng, cây đã cho thu hoạch. Do đó, rất phù hợp với nhu cầu xóa đói giảm nghèo của bà con, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số”, bà Nguyễn Thị Sang, Giám đốc Công ty cho biết.

Sản phẩm rượu từ cây tre bốn mùa đang được Công ty TNHH MTV Ba Sang Đắk Som ấp ủ sản xuất

Hiện nay, sản phẩm của Công ty làm ra đến đâu, tiêu thụ hết đến đó. Công ty đang tham gia hỗ trợ cho 9 HTX trên địa bàn Đắk Nông và Kon Tum để mở rộng diện tích cây trồng này. Tận dụng diện tích đất nhàn rỗi, đầu năm 2023, gia đình anh Nguyễn Văn Tuệ, thôn 7, xã Đắk Ha đã đầu tư nhà kính trồng gần 1.500 cây dưa lưới. Mỗi năm, gia đình có thể rồng được ba vụ. Sau mỗi vụ, gia đình anh Tuệ thu về gần 2 tấn dưa lưới. Toàn bộ sản phẩm được thương lái ở các tỉnh Gia Lai, Bình Phước vào tận vườn thu mua. Giá bán vào khoảng 24.000-25.000 đồng/kg.

Vườn dưa lưới của gia đình anh Nguyễn Văn Tuệ, thôn 7, xã Đắk Ha (Đắk Glong)

Sau mỗi vụ, trừ mọi chi phí, lợi nhuận của gia đình thu được khoảng 30 triệu đồng. Nếu thuận lợi, chỉ trong vòng một năm, gia đình đã thu hồi được vốn. “Hiện nay đầu ra của dưa lưới rất ổn định, nhu cầu thị trường cao. Năm tới, gia đình sẽ mở rộng quy mô vườn trồng, để tăng nguồn thu nhập cho gia đình”, anh Tuệ chia sẻ.

Năm 2023, huyện Đắk Glong phấn đấu, giá trị sản phẩm trên 1 ha đất trồng trọt và mặt nước nuôi trồng thủy sản trên địa bàn đạt 75 triệu đồng.

Mũi nhọn nông nghiệp công nghệ cao

Hiện nay, diện tích các loại cây công nghiệp, cây ăn quả ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) vào sản xuất trong toàn huyện Đắk Glong chiếm 6,8%. Trong đó, diện tích sản xuất cà phê đạt tiêu chuẩn chất lượng 4C, UTZ, Fair trade vào khoảng 850 ha, với trên 270 hộ sản xuất tham tại các xã Quảng Sơn, Đắk Ha. Diện tích cây hồ tiêu ứng dụng công nghệ tưới nước nhỏ giọt khoảng 100 ha, với 75 hộ tham gia.

Toàn huyện Đắk Glong hiện có trên 1.500 ha cây trồng được ứng dụng công nghệ cao

Diện tích cây ăn quả các loại ứng dụng công nghệ tưới nước nhỏ giọt, đạt tiêu chuẩn chứng nhận VietGAP khoảng 78,5 ha, với 80 hộ tham gia. Ngoài ra, trên địa bàn huyện đã có một số mô hình trồng rau, quả, ươm giống trong nhà kính, với diện tích khoảng 1,5 ha.

Huyện đang tiếp tục duy trì các công ty chăn nuôi với quy mô lớn. Cụ thể như Công ty Anova tại xã Quảng Sơn; Công ty Thái Việt; Công ty Chăn nuôi heo Quảng Sơn; các trại nuôi gia công với các công ty CP, CJ, JAPFA... Địa phương thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn tuyên truyền về lợi ích, hiệu quả mà nông nghiệp ƯDCNC đem lại cho các hộ nông dân trên địa bàn.

Trên địa bàn huyện hiện đã hình thành một số HTX nông nghiệp liên kết giữa các hộ nông dân trồng, sơ chế chế biến cà phê, dược liệu như HTX DANOFAMR, HTX Đại Đồng Tiến, HTX An Phúc Khang... Địa phương phấn đấu đến năm 2025 sẽ cơ cấu lại ngành nông nghiệp, chuyển đổi nền nông nghiệp phát triển theo hướng hiệu quả, chất lượng, giá trị gia tăng cao.

Cụ thể, tốc độ tăng trưởng ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản bình quân đạt từ 2- 2,5%/năm. Giá trị sản xuất đạt trên 85 triệu đồng/ha. Tỷ lệ HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả đạt trên 30%. Đến năm 2025, tỷ lệ giá trị nông sản theo các quy trình sản xuất tốt của huyện đạt 20% trở lên. Tỷ lệ giá trị sản phẩm nông, lâm, thủy sản được sản xuất dưới các hình thức hợp tác và liên kết đạt trên 20%.

Đắk Glong phấn đấu đến năm 2025 sẽ có ít nhất 20% HTX nông nghiệp có sản phẩm OCOP

Huyện sẽ hỗ trợ, hoàn thiện hồ sơ đề nghị công nhận từ 4 sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Trong đó, có ít nhất 10% sản phẩm đạt 3-4 sao, có ít nhất 20% HTX nông nghiệp có sản phẩm OCOP.

Định hướng đến năm 2030, Đắk Glong sẽ phát triển nông nghiệp thông minh, thích ứng biến đổi khí hậu, bền vững, liên kết theo chuỗi giá trị gắn với thị trường. Huyện tăng trưởng ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản đến năm 2030 đạt trên 3%. Phấn đấu giá trị sản xuất toàn huyện đạt trên 100 triệu đồng/ha.

Đắk Glong hiện có 27 HTX nông nghiệp, hoạt động đa dạng ở các lĩnh vực như: trồng trọt, chăn nuôi, cung ứng dịch vụ nông nghiệp, dịch vụ sau thu hoạch, thủy lợi... Huyện hiện có 60 trang trại; trong đó, có 8 trang trại chăn nuôi, 8 trang trại tổng hợp và 34 trang trại trồng trọt.

Lê Dung

Nguồn Đắk Nông: https://baodaknong.vn/nong-san-dak-glong-dan-khang-dinh-cho-dung-tren-thi-truong-179511.html