Nông dân tuân thủ cách khống chế dịch hại cây trồng cuối vụ

Nông dân khắp các địa phương của tỉnh đang tích cực dùng các biện pháp kỹ thuật theo hướng dẫn của ngành chuyên môn để khống chế kịp thời dịch bệnh hại cây lúa và hoa màu cuối vụ đông xuân.

Ông Nguyễn Đình Trung thường xuyên thăm đồng kịp thời phát hiện tình trạng bệnh trên cây lúa. Ảnh: TQ

Sau 2 tháng xuống giống, nhiều cánh đồng lúa ở xã Tam Xuân 2 (Núi Thành) bắt đầu làm đòng. Giai đoạn này một số bệnh hại lúa xuất hiện như: sâu cuốn lá, rầy nâu, đạo ôn, sâu trắng lá… Để bảo vệ mùa màng, nhiều nông dân trên địa bàn xã thường xuyên thăm đồng để phát hiện và phòng trừ bệnh kịp thời.

Vụ lúa đông xuân năm nay, bà con chủ động nguồn nước và xuống giống đồng loạt theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp. Nhờ vậy, việc chăm sóc lúa không tốn nhiều công sức và chi phí bơm tát không cao như mọi năm.

Ông Nguyễn Đình Trung (thôn Phú Nam, xã Tam Xuân 2) cho biết, gia đình ông có 3ha đất làm lúa. Vụ này, ông gieo sạ giống lúa chủ lực là Khan dân 18. Để đảm bảo phòng trừ sâu bệnh, ông thường xuyên thăm đồng, bón phân đúng thời vụ để cho vụ mùa vụ đạt năng suất.

“Vụ đông xuân này gia đình tôi đầu tư nhiều chi phí để mua giống và phân bón, chăm sóc theo dõi cây trồng. Tuy nhiên, thời gian qua, nhiều diện tích lúa bị chuột tàn phá khiến nông dân cảm thấy lo lắng” - ông Trung nói.

Tại TP.Tam Kỳ, nông dân dùng cành cây, túi ny lông, bao tải... dựng khắp nơi trên đồng ruộng để xua đuổi chuột cắn phá lúa. Cùng với đó thực hiện nhiều biện pháp như: giăng bẫy, diệt thuốc, dùng mô hình người hình nộm nhưng vẫn không thể hạn chế triệt để.

Một sào lúa trong tổng số 4 sào của ông Huỳnh Tài (khối phố Đoan Trai, phường Tân Thạnh) bị chuột cắn phá làm hư hại. Thêm vào đó, thời tiết có sương muối vào sáng sớm khiến cây lúa cũng dễ bị bệnh.

"Do đó, gia đình tôi đã tuân thủ làm theo hướng dẫn trừ dịch bệnh của ngành nông nghiệp, trồng thêm đậu phụng để cải thiện năng suất trong vụ đông xuân này nên dự báo sẽ không ảnh hưởng đến năng suất thu hoạch” - ông Tài cho biết.

Nông dân trồng đậu phụng tại Tam Kỳ. Ảnh: TQ

Ông Trần Văn Bộ (khối phố Hương Trà Đông, phường Hòa Hương) vụ này gieo trồng 2 sào đậu phụng. Theo ông, thời tiết những ngày này rất thích hợp để cây đậu phát triển. Dù đậu xuất hiện bệnh vàng lá nhưng hầu hết nông dân đã khắc phục triệt để.

Được biết, diện tích trồng lúa tại TP.Tam Kỳ trong vụ đông xuân 2023 - 2024 hơn 1.200ha; ngoài ra còn có nhiều diện tích trồng đậu phụng xen lẫn lúa.

Chi cục Trồng trọt & bảo vệ thực vật Quảng Nam cho biết, tình trạng rầy nâu, rầy lưng trắng tấn công trên lúa thời kỳ làm đòng - trổ với mật độ rầy trung bình 500 - 1.000 con/m2.

Theo Sở NN&PTNT, lúa đông xuân đại trà đang trong giai đoạn đứng cái, làm đòng, một số diện tích lúa sạ sớm đã trổ, đây là thời điểm quyết định năng suất lúa cuối vụ. Thời gian gần đây xuất hiện bệnh sâu cuốn lá, rầy nâu, bệnh đạo ôn, chuột... Với thời tiết nắng mưa xen kẽ, sáng sớm có sương mù, lạnh về đêm là điều kiện thuận lợi cho các loại sâu bệnh phát triển và gây hại.

Thời tiết có sương muối vào sáng sớm, đêm lạnh khiến sinh vật gây hại dễ phát triển. Ảnh: TQ

Ngành nông nghiệp lưu ý, với cây lúa ở giai đoạn đòng - trổ rất cần nước, vì thế phải đưa nước vào ruộng và duy trì ở mực nước từ 5-10cm liên tục cho đến khi lúa trổ chắc. Đối với lúa sạ muộn cần phải bón đòng đúng thời điểm để cây lúa phân hóa đòng tốt, loại phân và liều lượng bón theo hướng dẫn của ngành nông nghiệp.

Ngoài ra, nông dân cần chú ý phun thuốc đúng liều lượng và phù hợp với từng loại bệnh, hạn chế tối đa các sinh vật gây hại, đảm bảo chất lượng và năng suất vào cuối vụ.

Tam Kỳ quản lý sinh vật gây hại

Trung tâm Kỹ thuật Nông nghiệp thành phố Tam Kỳ đã có hướng dẫn chăm sóc, quản lý sinh vật gây hại cho lúa vụ Đông Xuân 2023 - 2024 giai đoạn đòng – trổ.

Đối với bệnh đạo ôn lá, cổ lá, thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, nhất là những ruộng bón thừa đạm, ruộng sạ giống nhiễm để kịp thời phát hiện bệnh. Khi có tỷ lệ bệnh từ 3-5% số lá bị bệnh, cần giữ đủ nước trên ruộng, tạm dừng bón thúc đạm và tiến hành dùng thuốc có hoạt chất Isoprothiolane, Tricyclazole để phun trừ.

Đối với các giống như HT1, TBR225, Thiên ưu 8… trước khi trổ 5-7 ngày, tiến hành dùng các loại thuốc đặc hiệu như bệnh đạo ôn lá để phòng bệnh. Nếu chưa phun thuốc kịp thời ở giai đoạn trước trổ thì phun ở giai đoạn sau trổ từ 5-7 ngày. Tốt nhất là phun khi lúa bắt đầu trổ lác đác.

Đối với bệnh rầy nâu, rầy lưng trắng: Khi phát hiện rầy có mật độ bình quân từ 1.000 - 2.000 con/m2), thì sử dụng các loại thuốc có hoạt chất Pymetrozine, Imidacloprid để phun trừ. Khi phun trừ rầy cần phải khoanh vùng và phun kỹ vào các “ổ rầy” để diệt trừ triệt để, tránh lây lan.

Đối với bệnh sâu cuốn lá nhỏ, khi phát hiện sâu với mật độ từ 20 con/m2 trở lên thì tiến hành dùng một trong các loại thuốc có hoạt chất Chlorantraniliprole + Thiamethoxam, Emamectin Benzoate để phun trừ ngay.

Để đạt hiệu quả phòng trừ cao, khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật phải tuân thủ theo nguyên tắc “4 đúng” (đúng thuốc, đúng lúc, đúng liều lượng và nồng độ)...

VĂN TÂY - NGUYỄN QUỲNH - QUANG KHẢI

Nguồn Quảng Nam: https://baoquangnam.vn/nong-dan-tuan-thu-cach-khong-che-dich-hai-cay-trong-cuoi-vu-3130989.html