Nông dân phấn khởi thu hoạch lúa Đông Xuân

Nhiều địa phương vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An đang bước vào giai đoạn thu hoạch lúa Đông Xuân (ĐX) 2022-2023. Theo nhiều nông dân, mặc dù năng suất lúa giảm so với những năm trước nhưng nhờ giá bán cao nên vẫn có lợi nhuận từ 15-20 triệu đồng/ha.

Niềm vui được giá

Thời điểm này, đến với cánh đồng lúa ĐX ở ấp Ông Lễ, xã Bình Hiệp, thị xã Kiến Tường, dễ dàng bắt gặp hình ảnh những chiếc máy liên hợp trên ruộng lúa chín vàng. Nông dân phấn khởi khi giá bán lúa tăng cao so với vụ ĐX trước từ 500-1.500 đồng/kg.

Đứng xem máy liên hợp đang thu hoạch 6ha lúa ĐX (giống lúa OM18) của gia đình, ông Phan Văn Phúc (xã Bình Hiệp, thị xã Kiến Tường) cho biết: “Vụ ĐX này, mặc dù năng suất lúa không cao bằng những vụ ĐX trước do gặp thời tiết bất lợi khi lúa đang trong giai đoạn làm đòng. Tuy nhiên, bù lại là năm nay giá bán lúa ở mức cao nên phần nào giảm gánh nặng cho nông dân trước chi phí đầu tư cao, nhất là chi phí phân bón. Hiện lúa tươi được thương lái thu mua tại ruộng có giá từ 7.000-7.300 đồng/kg và đây là mức giá cao nhất trong nhiều năm qua”.

Nông dân phấn khởi vì giá lúa Đông Xuân tăng cao

Thực hiện theo khuyến cáo của ngành Nông nghiệp thị xã Kiến Tường, năm nay, ông Phúc cùng nông dân nơi đây xuống giống vụ lúa ĐX đúng theo lịch gieo sạ của thị xã. Nhờ vậy, sâu, bệnh trên lúa xuất hiện ít hơn. Hiện nông dân thu hoạch được trên 1.000ha trong tổng số 1.975ha lúa ĐX của toàn xã Bình Hiệp.

Phó Trưởng phòng Kinh tế thị xã Kiến Tường - Võ Thanh Tòng thông tin: “Năm nay, tình hình thời tiết diễn biến bất thường, một số diện tích lúa ĐX gieo sạ trễ đang bị sâu năn gây hại. Tuy nhiên, số mật độ sâu năn gây hại không nhiều. Ngành chuyên môn khuyến cáo nông dân chủ động thăm đồng thường xuyên nhằm phát hiện và xử lý kịp thời, hạn chế đến mức thấp nhất sự gây hại của sâu năn và các loại sâu, bệnh khác, góp phần bảo đảm năng suất lúa cho đến khi thu hoạch”.

Nông dân thị xã Kiến Tường thu hoạch lúa Đông Xuân 2022-2023

Tại huyện Tân Hưng, vụ lúa ĐX 2022-2023, nông dân trên địa bàn huyện gieo sạ khoảng 36.600ha, trong đó, đã thu hoạch trên 10.300ha. Hầu hết diện tích lúa đều đạt năng suất từ 6-7 tấn/ha. Anh Nguyễn Văn Xuân (xã Vĩnh Lợi, huyện Tân Hưng) phấn khởi: “Vụ ĐX 2022-2023, nông dân vui mừng vì lúa bán được giá cao, không có tình trạng bị ép giá hay thương lái bỏ cọc như những năm trước. Tuy nhiên, vụ này năng suất lúa không cao, sau khi trừ chi phí, gia đình tôi chỉ có lãi khoảng 18 triệu đồng/ha”.

Không riêng gì nông dân đang thu hoạch lúa phấn khởi mà những hộ chuẩn bị thu hoạch cũng có chung niềm vui. Ông Lê Tấn Hậu (xã Thạnh Hưng, huyện Tân Hưng) chia sẻ: “Còn khoảng 10 ngày nữa thì cánh đồng lúa của gia đình tôi có thể thu hoạch, với giống ST25. Những ngày qua, giá lúa tăng lên từng ngày nên thương lái thường xuyên đến gặp tôi đòi đưa tiền cọc trước để thu mua trên 2ha lúa với mức giá 7.500 đồng/kg nhưng tôi chưa chịu bán. Không riêng gì tôi mà hầu hết nông dân ở đây cũng chưa muốn nhận tiền cọc trong lúc này. Bởi, chúng tôi muốn đợi giá lúa tăng thêm vì chi phí đầu tư vụ này cao hơn so với các năm trước”.

Việc giá lúa liên tục tăng trong những ngày vừa qua đã khiến không ít hộ dân đã lấy tiền cọc trước đó cảm thấy tiếc nuối. Ông Nguyễn Văn Truyền (xã Thạnh Hưng, huyện Tân Hưng) thông tin: “Thời điểm trước tết, tôi và một số nông dân lân cận đã nhận tiền cọc của thương lái với giá bán dao động từ 6.500-6.700 đồng/kg (tùy giống); còn giá bán bây giờ cao hơn từ 300-500 đồng/kg. Dù có hơi tiếc nuối nhưng với giá bán lúa đã nhận tiền cọc từ thương lái thì nông dân vẫn cảm thấy phấn khởi vì đây là mức giá khá cao so với năm trước”.

Phòng, chống hạn, mặn, bảo vệ lúa

Hiện nay, lượng nước ngọt tích trữ trong các tuyến kênh thủy lợi nội đồng ở các huyện phía Nam như Tân Trụ, Thủ Thừa, Bến Lức,... vẫn còn khá nhiều, bảo đảm đủ lượng nước cần thiết để phục vụ hoạt động sản xuất của người dân. Tuy nhiên, nông dân vẫn đứng trước nguy cơ bị ảnh hưởng hạn, xâm nhập mặn nếu không theo dõi tình hình chất lượng thường xuyên.

Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Trụ - Đặng Văn Tây Lo, năm nay, lượng nước trong hệ thống thủy lợi Nhựt Tảo và các tuyến kênh, mương nội đồng vẫn còn đủ để phục vụ hoạt động sản xuất của người dân. Ngành Nông nghiệp huyện vẫn thường xuyên theo dõi độ mặn trên các tuyến sông và thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân chủ động sản xuất. Đến nay, toàn huyện đã gieo sạ trên 5.330ha lúa ĐX 2022-2023, hầu hết các trà lúa trên 55 ngày tuổi nên sẽ không bị ảnh hưởng bởi hạn, mặn.

Các huyện phía Nam cần thường xuyên theo dõi tình hình chất lượng nước để chủ động trong sản xuất

Vụ ĐX năm nay, ông Nguyễn Văn Nhỏ (xã Lạc Tấn, huyện Tân Trụ) gieo sạ gần 1ha lúa OM18. Ông Nhỏ chia sẻ: “Để bảo đảm sản xuất hiệu quả, tôi thường xuyên cập nhật về diễn biến độ mặn của nguồn nước trên địa bàn huyện và theo dõi mực nước trên các kênh, rạch gần với ruộng lúa của tôi. Đến thời điểm này, tôi có thể yên tâm do lượng nước trong các kênh, rạch còn khá nhiều và lúa của tôi cũng đã trên 60 ngày tuổi, nhu cầu về nguồn nước trong giai đoạn tới không nhiều”.

Trên sông Vàm Cỏ Đông: Độ mặn 1,0g/l gần đến cống Xóm Bồ (1,3g/l), huyện Cần Đước, cách cửa sông Soài Rạp khoảng 40km. Độ mặn 4,0g/l chưa xuất hiện.

Trên sông Vàm Cỏ Tây: Độ mặn 1,0g/l vượt qua cống Sông Cui (1,4g/l), huyện Châu Thành, cách cửa sông Soài Rạp khoảng 42km. Độ mặn 4,0g/l chưa xuất hiện.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Chí Thiện cho biết: Thời gian qua, ngành chủ động xây dựng nhiều kế hoạch, kịch bản chi tiết về phòng, chống hạn, xâm nhập mặn mùa khô năm 2022-2023. Trong đó, đặc biệt lưu ý đến công tác chống mặn cho các huyện phía Nam như Thủ Thừa, Tân Trụ, Bến Lức. Cụ thể, ngành yêu cầu các huyện, thành phố thực hiện tốt công tác trữ ngọt và ngăn mặn; tổ chức dự báo và chủ động giám sát tình hình xâm nhập mặn tại các cống điều tiết, nội đồng để hỗ trợ nông dân lấy nước, trữ nước vào những lúc độ mặn ở mức cho phép; thường xuyên kiểm tra kênh, mương nội đồng, các cống và bờ bao; kịp thời sửa chữa nếu có xảy ra hư hỏng đột xuất.

Đồng thời, nâng cao hiệu quả quản lý, vận hành hệ thống công trình thủy lợi để ngăn mặn, trữ ngọt phục vụ sản xuất, sinh hoạt của người dân. Quản lý chặt chẽ nguồn nước, chống rò rỉ, thất thoát, sử dụng nguồn nước tiết kiệm, hiệu quả. Trong đó, ưu tiên nước cho sinh hoạt, nước uống cho gia súc, gia cầm, nước tưới cho cây trồng chủ lực khi có khô hạn xảy ra.

Song song đó, để bảo vệ các diện tích lúa ĐX chưa thu hoạch, các địa phương vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh và các huyện phía Nam cần tăng cường phân công cán bộ kỹ thuật phối hợp chặt chẽ địa phương bám sát đồng ruộng; thường xuyên kiểm tra đồng ruộng để cảnh báo kịp thời và hướng dẫn nông dân phòng, chống sinh vật gây hại trên các loại cây trồng. Ngoài ra, cần theo dõi sát tình hình biến động của thời tiết, diễn biến triều cường, tình hình hạn, mặn và phối hợp chặt chẽ các cơ quan thông tin đại chúng để thông báo kịp thời đến người dân chủ động trong sản xuất, bảo đảm vụ ĐX 2022-2023 thắng lợi./.

Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến nay, toàn tỉnh gieo sạ 225.548ha lúa ĐX 2022-2023, đạt 102,5% kế hoạch, bằng 100,7% so với cùng kỳ; đã thu hoạch 62.112ha, năng suất đạt 61,3 tạ/ha, giảm 3,1 tạ/ha so với cùng kỳ, sản lượng đạt 380.982 tấn. Qua ghi nhận từ nông dân tại nhiều cánh đồng lúa ĐX trong tỉnh thì hiện giá bán lúa tươi tại ruộng dao động từ 6.600-7.500 đồng/kg (tùy giống), tăng bình quân từ 500-1.500 đồng/kg so với vụ ĐX năm trước.

Bùi Tùng

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/nong-dan-phan-khoi-thu-hoach-lua-dong-xuan-a150001.html