Nông dân phấn khởi khi sắn được giá

Nông dân huyện Sông Hinh thu hoạch sắn sớm để chạy mưa. Ảnh: KHÁNH VY

Những ngày qua, địa bàn huyện Sông Hinh có mưa. Người trồng sắn ở địa phương này tập trung thu hoạch để giảm thiệt hại do cây sắn bị ngập nước gây thối củ. Mặc dù ảnh hưởng thời tiết nắng hạn kéo dài, dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, sắn non chưa đủ tháng để tích bột nhưng hiện giá sắn tăng hơn mọi năm nên người trồng sắn phấn khởi.

Hơn 1,8ha diện tích sắn của gia đình ông Ma Hương ở xã Ea Bar vừa thu hoạch xong với năng suất ước đạt 20 tấn/ha. Ma Hương phấn khởi nói: “Sắn trồng phải 2-3 tuần nữa mới được thu hoạch, nhưng bây giờ giá sắn lên cao hơn so với mọi năm nên tôi bán nguyên đám cho thương lái với giá 2.100 đồng/kg, sau đó thương lái thuê công nhổ rồi bốc lên xe, mình ra theo dõi cân ký rồi lấy tiền. Với giá sắn cao như hiện nay, nhà nào trồng sắn cũng có lãi...”.

Ông Võ Văn Diệu ở thị trấn Hai Riêng nói: “Đang vào mùa mưa nên sắn dễ bị thối. Sắn 8 tháng (độ bột 20) nhưng bán được với giá 2.100 đồng/kg, còn độ bột hơn 20 thì bán với giá 2.170 đồng/kg. Hiện nhà máy thiếu nguyên liệu nên chúng tôi thu hoạch sớm. Chở xuống nhà máy bán sắn là ra nhận tiền liền nên bà con rất phấn khởi”.

Theo ông Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh, hiện diện tích trồng sắn toàn huyện hơn 10.500ha. Những ngày qua, bà con nông dân bắt đầu thu hoạch với năng suất dao động từ 17-20 tấn/ha, tương đương mọi năm, với giá sắn cao hơn 400 đồng/kg so với năm trước. Mức đầu tư chăm sóc cho một hecta sắn khoảng 7 triệu đồng. Như vậy sau khi trừ chi phí, người trồng sắn có được khoản thu kha khá.

Theo Công ty CP Tinh bột sắn Phú Yên, nhà máy đang bước vào vụ sản xuất mới, vận hành một dây chuyền với công suất khoảng 500 tấn nguyên liệu/ngày. Nhà máy thu mua sắn với giá 2.660 đồng/kg (30 độ bột), tăng 400-450 đồng/kg so với năm trước. Công ty có vùng nguyên liệu 6.000ha, diện tích này chỉ đảm bảo 50% công suất hoạt động của nhà máy; bởi công suất hoạt động tối đa của nhà máy lên đến 1.500 tấn nguyên liệu/ngày. Để duy trì sản xuất ổn định, nhà máy phải tổ chức thu mua thêm nguồn nguyên liệu từ các vùng lân cận trong và ngoài tỉnh.

“Hiện giá sản phẩm tinh bột sắn bán ra tốt hơn mọi năm nên công ty đang đẩy mạnh hoạt động thu mua, chế biến, xuất khẩu đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của khách hàng. Do tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, công ty đã chủ động triển khai các biện pháp phòng chống dịch an toàn, hiệu quả, đảm bảo mục tiêu kép vừa chống dịch, vừa ổn định sản xuất…”, ông Hồ Văn Toàn, Kế toán trưởng Công ty CP Tinh bột sắn Phú Yên nói.

KHÁNH VY

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/82/264802/nong-dan-phan-khoi-khi-san-duoc-gia.html